Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng nông thôn mới, mục tiêu là tạo ra công ăn việc làm, tạo ra thu nhập cho người dân ở nông thôn, tiêu thụ những sản phẩm người dân sản xuất ra tại địa phương, góp phần giới thiệu văn hoá, bản sắc của mỗi vùng quê đối với người dân, người tiêu dùng.
Sản phẩm OCOP được trưng bày, giới thiệu tại chợ Suối Dây, huyện Tân Châu
Thêm hỗ trợ cho sản phẩm OCOP
Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: “Bước đầu có thể thấy rằng, chương trình đã tạo sự khởi sắc trong sản xuất cho các vùng, những sản phẩm đặc trưng nhất của Tây Ninh gần như đã xuất hiện đầy đủ trong danh mục sản phẩm OCOP như: mãng cầu, bánh tráng, muối ớt các loại, các loại thực phẩm chay, nước tương, rượu, lúa gạo; những sản phẩm tiểu thủ công nghệ khác như sản phẩm mỹ nghệ… Về cơ bản, những sản phẩm này đã góp mặt trên thị trường, được công chúng biết đến và ủng hộ trong thời gian qua”.
Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ, một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn chưa hào hứng với chương trình này, tức là chưa nhìn thấy được giá trị, hiệu quả, lợi ích của chương trình mang lại nên tham gia còn ngập ngừng, chưa mạnh dạn trong đổi mới bao bì, nhãn mác, công nghệ sản xuất. Một phần, các đơn vị cũng chưa tiếp cận được những nguồn vốn; chưa tin tưởng rằng việc thay đổi sẽ dẫn đến hiệu quả kinh tế cao hơn. Ngoài ra, một số đơn vị có sản phẩm đang bán rất tốt, không có nhu cầu tăng doanh số và gần như hài lòng với hiện tại… Đó là những hạn chế mà Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đình Xuân thấy rằng, trong thời gian tới sẽ phải tháo gỡ đối với các sản phẩm tiềm năng của tỉnh.
Theo Báo cáo giám định xã hội hiệu quả sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình OCOP, có những khó khăn như quy hoạch vùng nguyên liệu, nhu cầu về vốn của các chủ thể, điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm… Ông Nguyễn Đình Xuân cho biết, hiện nay, tỉnh có định hướng cho những loại sản phẩm nhất định ở những khu vực nhất định, ví dụ vùng quanh núi Bà Đen là vùng trồng mãng cầu; vùng ở thị xã Trảng Bàng làm bánh tráng, muối ớt… Tuy nhiên, đây mới chỉ là định hướng chứ không phải bắt buộc người dân trong khu vực đó phải trồng loại đó, còn tuỳ theo nhu cầu thị trường gắn với sản xuất, chế biến. Những vùng nào thuận lợi, có thương hiệu, tiêu thụ tốt, người dân sẽ tập trung phát triển những sản phẩm đó, còn những vùng khác cũng làm nhưng ít hơn.
“Trên cơ sở nêu trên, một số sản phẩm chưa gắn với vùng nguyên liệu; một phần người dân muốn mua – bán một cách tự do trên thị trường, doanh nghiệp tuỳ theo thời giá mà mua, cho nên chưa có những đơn hàng lâu dài, giá cả ổn định để hai bên cùng có lợi”- ông Nguyễn Đình Xuân nói.
Theo Sở NN&PTNT, đối với quy hoạch vùng nguyên liệu, ngày 14/5/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 942/QĐ-UBND phê duyệt sửa đổi, bổ sung nội dung Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh, ban hành kèm theo Quyết định số 94/QĐ-UBND ngày 12/01/2023 của UBND tỉnh. Theo đó, tỉnh định hướng phát triển 22 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (12 vùng trồng trọt, 7 vùng chăn nuôi, 3 vùng hỗn hợp trồng trọt và chăn nuôi), trong đó có 11 vùng trồng trọt gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh như lúa, mãng cầu, sầu riêng, mít…
Cụ thể, vùng phát triển cây lúa chất lượng cao 200 ha tại 2 xã Phước Bình, Phước Chỉ – thị xã Trảng Bàng; 200 ha tại xã Thanh Điền – huyện Châu Thành. Vùng phát triển cây mãng cầu ta 300 ha tại xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh. Vùng phát triển cây ăn trái đặc sản 500 ha tại xã Suối Dây – huyện Tân Châu và 500 ha, tại xã Bàu Đồn – huyện Gò Dầu. Vùng phát triển cây ăn trái 600 ha tại xã Mỏ Công- huyện Tân Biên; trên 800 ha cây ăn trái như nhãn (700 ha), sầu riêng (100 ha) và một số cây ăn trái có giá trị kinh tế cao tại xã Truông Mít và Lộc Ninh- huyện Dương Minh Châu…
Về những điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Đình Xuân thông tin, hiện nay, sản phẩm OCOP của tỉnh đã vào các siêu thị, tuy nhiên, một cửa hàng riêng hoặc những không gian riêng dành cho sản phẩm OCOP vẫn còn hạn chế. Vừa qua, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cho sản phẩm OCOP, cụ thể là Nghị quyết số 73/2024/NQ-HĐND ngày 28/5/2024 của HĐND tỉnh quy định một số nội dung chi, mức hỗ trợ thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2025. Trong đó có chi hỗ trợ điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh; chi hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh; chi hỗ trợ chi phí bao bì, in tem…
“Ngoài ra, ngành Nông nghiệp sẽ đưa những sản phẩm này vào những kênh quảng bá cho doanh nghiệp, hỗ trợ tham gia triển lãm, xúc tiến thương mại… Trên cơ sở đó, ngành Nông nghiệp sẽ tuyên truyền và hỗ trợ về kỹ thuật để chủ thể thiết kế bao bì, in bao bì mới hay viết câu chuyện về sản phẩm để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng”- ông Nguyễn Đình Xuân chia sẻ.
Duy trì tính bền vững của sản phẩm OCOP
Theo ông Nguyễn Phước Nhiên- Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng thị xã Trảng Bàng, định hướng của Thị xã phấn đấu đến cuối năm 2025, có ít nhất 7 sản phẩm đăng ký tham gia, đạt chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Địa phương sẽ rà soát, định hướng cho các chủ thể đăng ký sản phẩm theo hướng vừa chú trọng phát triển sản phẩm mới, vừa chú trọng nâng cấp sản phẩm OCOP hiện có, không chạy theo số lượng, phấn đấu sản phẩm không những tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.
Địa phương cũng khuyến khích các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP luôn cải tiến mẫu mã, ghi nhãn hàng hoá, đăng ký mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý… nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát sau công nhận sản phẩm OCOP để kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ gìn và nâng cao uy tín cũng như xây dựng thương hiệu của sản phẩm OCOP đối với người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Thanh Hải- Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu cho biết: “Để phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn, huyện Gò Dầu sẽ đưa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến các chủ thể tham gia chương trình OCOP, nhất là nội dung Nghị quyết số 73 của HĐND tỉnh; phối hợp Trung tâm Khuyến công tỉnh, đề xuất các dự án hỗ trợ máy móc thiết bị sản xuất cho các chủ thể OCOP. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng sẽ chỉ đạo ngành chuyên môn quan tâm hỗ trợ chủ thể OCOP nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì các sản phẩm đã được công nhận; hỗ trợ chủ thể OCOP xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm; tham gia các điểm bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện, tỉnh”.
Theo Sở NN&PTNT, trong thời gian tới, Sở tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân và cộng đồng nắm được mục đích, yêu cầu, tiêu chuẩn, chính sách và nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, phát triển bền vững và chủ động nguồn nguyên liệu trong sản xuất sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, bảo đảm an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững, bảo đảm sự liên kết đi vào thực chất, mang đến lợi ích thực sự cho các bên tham gia.
Sở NN&PTNT phối hợp các ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm. Ngoài ra, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các sản phẩm sau công nhận, kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những bất cập, sai phạm nhất là về các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã bao bì, việc sử dụng logo OCOP, cũng như hạn chế tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng giả danh làm mất uy tín các sản phẩm OCOP.
Nhi Trần – Trúc Ly – Nhật Quang
Báo Tây Ninh – baotayninh.vn
Theo Sở NN&PTNT, sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, để duy trì tính bền vững cho sản phẩm, các chủ thể sản xuất cần không ngừng phát triển sản phẩm để đáp ứng các tiêu chí ngày càng cao của Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, đặc biệt chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất, bảo đảm công tác bảo vệ môi trường, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, nhãn mác và bao bì sản phẩm; xây dựng hệ thống phân phối phù hợp, từng bước thiết lập hệ thống giới thiệu và bán sản phẩm OCOP riêng và đặc trưng gắn với các sản phẩm quà tặng, quà biếu, đặc sản địa phương.