![]() |
Đây là một trong những loại hình du lịch được huyện quan tâm bên cạnh du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng. Phát triển du lịch vườn, du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng gắn với nền tảng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương.
Nhiều mô hình du lịch mới
Huyện Tân Phú đã tập trung hỗ trợ nông dân trồng cây ăn trái ứng dụng kỹ thuật, sản xuất nông sản theo hướng an toàn, cho năng suất, chất lượng cao trong thời gian qua. Qua đó, tạo lợi thế để phát triển mô hình du lịch vườn, du lịch sinh thái, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Bên cạnh đó, mạng xã hội phát triển cũng tạo điều kiện không nhỏ giúp nhiều mô hình du lịch vườn tại địa phương quảng bá, giới thiệu để du khách trong và ngoài tỉnh biết đến, từ đó chọn nhiều điểm du lịch vườn ở Tân Phú làm điểm dừng chân trên hành trình du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh lên Đà Lạt, cũng như xây dựng các tour, tuyến du lịch với các điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn huyện và các địa phương lân cận.
Khoảng vài năm trở lại đây, vườn dâu Ông Lâm (ở ấp Bàu Mây 1, xã Phú Thanh) là một trong những địa chỉ được nhiều du khách, nhất là các bạn trẻ đến “check in” mỗi khi vào mùa dâu chín rộ.
Bà Lê Thị Kim Liên, chủ vườn dâu Ông Lâm, chia sẻ: “Gia đình tôi trồng vườn dâu này năm nay đã tròn 20 năm với diện tích khoảng 1 hécta. Ban đầu, dâu thu hoạch chủ yếu để bán cho các mối quen. Khoảng 5 năm trở lại đây, tôi mở cửa vườn dâu để đón du khách đến chụp ảnh, tham quan vào mùa thu hoạch. Thường thì mùa dâu bắt đầu vào đầu tháng 4 nên vườn dâu là địa chỉ để nhiều người đến tham quan, nhất là vào cao điểm dịp Lễ 30/4 và 01/5, lượng khách đổ về khá đông, có ngày lên đến 200-300 người, chủ yếu là khách ở xa như Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa…”.
Theo bà Liên, khi được du khách biết đến nhiều hơn, người này truyền tai người kia, rồi họ đăng hình vườn dâu lên mạng xã hội nên khách ở xa biết đến nhiều hơn. Khách có thể trải nghiệm ăn dâu tại vườn, nếu thấy ngon thì khách sẽ mua thêm để mang về. Một mùa dâu kéo dài khoảng 2 tháng.
Tương tự, vườn thanh trà hơn 30 năm tuổi ở ấp 4, xã Trà Cổ của gia đình ông Nguyễn Hiệp và bà Trần Thị Nga cũng trở thành điểm đến được nhiều du khách tìm đến trong thời gian qua.
Chị Thảo Linh (ngụ xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) bày tỏ: “Qua những clip trên mạng xã hội, tôi biết nhiều vườn trái cây ở Tân Phú, trong đó có vườn thanh trà cổ thụ, vườn dâu sai trĩu quả nên tôi lựa dịp cuối tuần để đến tham quan, chụp ảnh kết hợp một tour du lịch ngắn cùng với gia đình. Đây là mô hình du lịch mang lại nhiều trải nghiệm du lịch mới dành cho du khách”.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú PHẠM THANH HẢI, trên địa bàn huyện đã bắt đầu phát triển nhiều mô hình du lịch cộng đồng, du lịch vườn; trong đó nổi bật như: vườn ca cao ở xã Tà Lài, vườn dừa ở xã Phú Thịnh, vườn dâu ở xã Phú Thanh…
Cần phát triển theo hướng bền vững
Tân Phú có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình dịch vụ du lịch vườn, nhất là trong bối cảnh huyện đang đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tìm kiếm, phát triển thị trường cho các sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, phát triển du lịch trên địa bàn.
Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình du lịch vườn tại địa phương hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Một số vườn trái cây trên địa bàn chỉ chủ yếu phục vụ khách tham quan địa phương. Việc kết hợp các tour du lịch trên địa bàn huyện với tham quan nhà vườn, thưởng thức trái cây đặc sản trên địa bàn huyện còn khá mới mẻ. Ngoài ra, nhiều nông dân chưa thật sự quan tâm, đầu tư đúng mức nên mô hình du lịch sinh thái vườn vẫn còn thiếu tính đồng bộ, chuyên nghiệp.
Do đó, để phát triển du lịch vườn theo hướng bền vững, liên kết được các tour, tuyến du lịch đặc trưng trên địa bàn, các mô hình du lịch vườn nói riêng và ngành du lịch nói chung của huyện cần xây dựng kế hoạch phát triển mang tính dài hơi, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, phát triển du lịch xanh, an toàn; thúc đẩy các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch cộng đồng, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương.
Các mô hình như tham quan vườn cây ăn trái, trải nghiệm làm nông dân và tham quan làng nghề truyền thống cần có sự liên kết, tự thay đổi tư duy, từng bước chuyên nghiệp, sáng tạo hơn với mô hình kinh tế mới đầy tiềm năng như du lịch nông nghiệp, du lịch vườn.
Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú Phạm Thanh Hải chia sẻ, huyện đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm khơi gợi và phát triển tiềm năng mô hình du lịch sinh thái vườn gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Trong đó, huyện chú trọng gắn việc phát triển sản phẩm OCOP với phát triển du lịch, qua đó góp phần gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trên địa bàn.
Hải Quân
Báo Đồng Nai – baodongnai.com.vn – Đăng ngày 29/4/2025