Xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) có nghề làm hương ngót trăm năm nay. Trước kia, nghề làm tăm hương chỉ xuất hiện chủ yếu ở khu vực thôn Phú Lương Thượng, rồi dần dần lan rộng ra khắp các thôn Đạo Tú, Cầu Bầu. Vì lẽ đó, cả xã Quảng Phú Cầu trở thành một trung tâm sản xuất hương tăm thuộc diện lớn nhất miền bắc.
Ngay từ khi đặt chân đến Quảng Phú Cầu, những hình ảnh khiến du khách ấn tượng là những bó hương được phơi khắp nẻo đường, sân đình, sân nhà hay bất cứ bãi đất trống nào. Điều đặc biệt là các bó hương có nhiều mầu sắc, trong đó mầu đỏ là chủ đạo khiến khung cảnh những ngôi làng làm hương ở Quảng Phú Cầu luôn được nhuộm những gam mầu rực rỡ.
Nếu đến làng hương vào đúng ngày nắng đẹp, chỉ cần tản bộ quanh làng, khách du lịch sẽ bắt gặp vô vàn những khoảnh khắc đẹp. Những bó hương lớn được người thợ bó lại phía chân, phía đầu xòe ra để chóng khô. Mỗi bó hương trông tựa như một bó hoa mầu sắc. Cả một “rừng hương” cũng là một “rừng hoa”. Có những gia đình phơi hương từng lớp, từng lớp trên những giá cao, tạo thành một bức tường hoa. Ngay bên cạnh là những người phụ nữ miệt mài với công việc nhuộm mầu, se hương, phơi hương… Quảng Phú Cầu thu hút nhiều tay săn ảnh, nhất là những người mê ảnh về làng nghề, mê nét đẹp hoài cổ tìm đến khám phá.
Những năm gần đây, nhận thấy nhu cầu tham quan, khám phá cảnh đẹp làng hương, người dân Quảng Phú Cầu đã tạo ra những không gian để khách du lịch thỏa sức chụp ảnh. Họ sắp xếp những bó chân hương là hình bản đồ Việt Nam, hình cờ đỏ sao vàng, hình những bông hoa, cây hoa… Ngay hình bản đồ Việt Nam cũng có nhiều sáng tạo, với nhiều hình thức, cách bố cục mầu sắc khác nhau. Thông thường, người ta hay tạo hình bằng cách để rỗng ở giữa, các bó hương tạo thành viền, nền chung quanh để khách đứng giữa “rừng hương” chụp ảnh. Khách du lịch khi đến đình thôn Cầu Bầu, thường thích nhất là được check-in tại không gian riêng được tạo ra từ tháng 2/2023.
Đến làng hương, sẽ là thiếu sót nếu không tìm hiểu câu chuyện làm hương của người dân. Phần lớn các hộ gia đình vẫn sử dụng các nguyên liệu truyền thống có trong tự nhiên như: Trầm, tùng, trắc, bạch chỉ, hoa hồi, quế chi, nhựa cây trám, củ, rễ cây hương bài, than xoan… Tùy thuộc vào mỗi loại hương mà người dân pha trộn với tỷ lệ thích hợp. Đi dạo bất cứ không gian nào trong làng, mùi hương dịu nhẹ thoảng trong gió làm khách du lịch cảm thấy dễ chịu.
Thời gian đẹp nhất để đến với làng hương Quảng Phú Cầu là những ngày nắng nhẹ, khi người dân tận dụng mọi không gian để phơi hương. Dịp cuối năm âm lịch, do người dân tăng sản lượng phục vụ cho Tết và mùa lễ hội, cho nên không khí nhộn nhịp hơn hẳn và cũng có nhiều cảnh đẹp hơn. Cách trung tâm Hà Nội khoảng 35 km, ngoài việc di chuyển bằng ô-tô, xe máy, khách có thể đến làng hương bằng xe buýt số 91. Đây cũng là một trong những lý do mà ngày càng nhiều khách du lịch đến với làng hương Quảng Phú Cầu.
Bài và ảnh: Quỳnh Anh
Báo Nhân dân – nhandan.vn