Những ngày này, trên khắp các nương đồi, nông dân xã Tà Xùa đang tất bật thu hái chè. Ông Mùa A Sang, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Chung Chinh, chia sẻ: Cây chè đã gắn bó với đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào dân tộc Mông vùng cao Tà Xùa hàng trăm năm nay. Hiện nay, bản có gần 60 ha chè, nhận thấy giá trị từ cây chè mang lại, bà con đã áp dụng kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hái, chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nhanh tay hái những búp chè non, chị Lầu Thị Song, bản Chung Chinh, nói: Gia đình tôi có hơn 3 ha chè, trong đó có 1 ha chè cổ thụ. Những cây chè được trồng lâu năm, phát triển hoàn toàn tự nhiên nên có sản phẩm chất lượng cao, an toàn. Dự kiến vụ chè năm nay, gia đình thu về hơn 4 tấn chè búp tươi.
Còn tại bản Bẹ, có khoảng 40 ha cây chè cổ thụ từ 70-100 năm tuổi, có cây gần 300 năm tuổi. Để giữ được chất lượng riêng cho sản phẩm, các cây chè cổ thụ được giao cho từng hộ gia đình chăm sóc, nhờ đó, cây được phục hồi, xanh tốt, cho năng suất và chất lượng cao, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Anh Mùa A Dê, bản Bẹ, chia sẻ: Thu hái chè cổ thụ vất vả hơn, bởi phải đeo gùi, dùng thang trèo lên cây mới hái được. Để cho ra sản phẩm chè chất lượng, chúng tôi tuân thủ kỹ thuật hái chè hai lá một tôm. Với 2 ha chè, mỗi năm gia đình thu hơn 3 tấn chè búp tươi, thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Hiện nay, xã Tà Xùa có hơn 200 ha chè shan tuyết; trong đó, khoảng 40 ha cây chè cổ thụ, sản lượng khoảng hơn 300 tấn chè búp tươi/năm. Chè shan tuyết Tà Xùa thường thu hoạch từ 3 đến 4 lần trong năm; vụ chè đầu tiên cuối tháng 3 và đầu tháng 4, thường cho chất lượng tốt nhất; vụ tiếp theo thu hoạch vào tháng 5 và tháng 6, đây là vụ cho năng suất cao nhất trong năm; vụ thứ ba thu hoạch vào tháng 8 và vụ cuối năm thu hoạch vào tháng 10 và 11. Để xây dựng thương hiệu chè Tà Xùa, cùng với vận động bà con mở rộng diện tích, xã phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện hướng dẫn bà con chăm sóc đúng kỹ thuật, thu hoạch đúng thời vụ, đảm bảo năng suất, chất lượng; giữ gìn và bảo tồn diện tích chè cổ thụ.
Ông Đinh Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Xùa, cho biết: Cây chè là cây chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo cho bà con. Cùng với việc tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo, phục tráng diện tích chè hiện có, xã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX đầu tư sản xuất kinh doanh, chế biến, làm tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Những năm gần đây, phần lớn sản phẩm chè cổ thụ búp tươi ở xã Tà Xùa được Công ty TNHH trà và đặc sản Tây Bắc thu mua với giá 40.000-80.000 đồng/kg, để sản xuất thành các sản phẩm, như: Trà viên, trà trúc, trà mây và trà túi lọc… Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Công ty TNHH trà và đặc sản Tây Bắc, thông tin: Trung bình mỗi năm Công ty thu mua 50 tấn chè cổ thụ búp tươi, chế biến thành hơn 10 tấn sản phẩm. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, Công ty vừa đầu tư thêm máy ép trà bánh để chế biến chè theo công nghệ lên men hiện đại. Với ưu điểm của trà bánh là có thời hạn sử dụng kéo dài, càng để lâu, chất lượng trà càng tăng lên.
Việc bảo tồn và phát triển cây chè shan tuyết Tà Xùa đã gắn kết nông dân với doanh nghiệp tạo ra sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương và thu hút khách du lịch, góp phần cải thiện đời sống nhân dân và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.