Thông qua Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), nhiều sản phẩm nông nghiệp, làng nghề đã được “thổi hồn” để trở thành những sản phẩm đặc trưng, đại diện, biểu trưng, ghi đậm dấu ấn đời sống sản xuất, văn hóa của các địa phương trong tỉnh Phú Thọ. Để Chương trình OCOP đạt mục tiêu đề ra, vấn đề quan trọng là phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực, đặc trưng có triển vọng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng có thị trường ổn định, nâng tầm sản phẩm để nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân.
Sản phẩm OCOP được trưng bày, quảng bá, kết nối tiêu thụ tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ năm 2024
Chuẩn hóa, phát triển sản phẩm gắn với thị trường
Mục tiêu của Chương trình OCOP là phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ, sự sáng tạo, lao động, nguyên liệu và văn hóa địa phương); gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Việc tiếp tục phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, trong đó đẩy mạnh Chương trình OCOP có vai trò quan trọng, là hạt nhân để phát triển các sản phẩm nông thôn có chất lượng, giá trị gia tăng cao.
Trong nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm OCOP, điều quan trọng là phải phát triển sản phẩm dựa trên chuỗi giá trị bền vững, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong chế biến, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn để nâng tầm giá trị, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước, hướng đến thị trường xuất khẩu; xây dựng các chuỗi giá trị OCOP khép kín, đồng bộ gắn với năng lực tổ chức, quản trị, phát triển thương mại bền vững.
HTX Mì gạo Hùng Lô (thành phố Việt Trì) có 3 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao, HTX đầu tư đổi mới công nghệ, tự động hóa một số khâu sản xuất và chú trọng xúc tiến thương mại. Ông Cao Đăng Duy – Giám đốc HTX cho biết: “Chúng tôi kết hợp bí quyết làm nghề lâu năm, truyền thống với quy trình sản xuất hiện đại, tạo sự độc đáo cho sản phẩm. Công nghệ mang đến cho chúng tôi những cơ hội thị trường mới thông qua cách tiếp cận mới, hiện đại. Mỗi tháng HTX sản xuất khoảng 40 – 50 tấn mì các loại. Hiện tại, sản phẩm của HTX được tiêu thụ ở trên 40 tỉnh, thành trong cả nước và đã có những lô hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản”.
Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ OCOP được coi là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển sản phẩm OCOP. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, trong đó ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm OCOP tham gia đánh giá hạng 5 sao, sản phẩm Quốc gia, hạng 4 sao sản phẩm cấp tỉnh; hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống gắn với thực hiện Chương trình OCOP. Qua đó, góp phần xây dựng, triển khai hỗ trợ các tổ chức kinh tế áp dụng khoa học, công nghệ trong phát triển sản phẩm OCOP theo hướng nghiên cứu ứng dụng, xây dựng tiêu chuẩn hóa sản phẩm, đổi mới công nghệ, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Trong chuẩn hóa sản phẩm OCOP cần sự vào cuộc tích cực của bản thân chủ thể. Các chủ thể cần phát triển về chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, tạo lập các kênh tiêu thụ một cách bền vững; xác định rõ phân khúc khách hàng của sản phẩm, có tính sáng tạo trong từng sản phẩm để tạo ra giá trị riêng biệt. Hiện nay, việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất được nhiều hộ, HTX, doanh nghiệp chú trọng từ việc đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị, áp dụng vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đến chủ động tìm kiếm, hợp tác với các đơn vị để liên kết sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm an toàn, chất lượng. Hiệu quả từ các mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ cho thấy ưu thế vượt trội, yếu tố quyết định trong nâng cao năng suất, giá trị của sản phẩm và là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp.
Anh Lý Kim Lợi ở xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tiết kiệm chi phí sản xuất, đảm bảo chất lượng cây nho nhằm xây dựng sản phẩm OCOP
Phát triển Chương trình, nâng tầm sản phẩm
Chứng nhận OCOP không chỉ là danh hiệu công nhận cho chất lượng sản phẩm mà còn là tiền đề để các sản phẩm tiến xa hơn ra thị trường. Theo đồng chí Trần Tú Anh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để các chủ thể và người dân hiểu rõ, hiểu đúng về Chương trình OCOP, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Chương trình OCOP, xem Chương trình là “chìa khóa” giúp khơi dậy tiềm năng sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, góp phần tôn vinh các giá trị đích thực, tốt đẹp của Chương trình OCOP tới người dân; phổ biến cách làm hay, sáng tạo trong phát triển, xây dựng thương hiệu, nâng tầm sản phẩm OCOP gắn với gìn giữ, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa địa phương. Ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn triển khai; tập huấn nội dung, hồ sơ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm; đào tạo quản trị sản xuất, kinh doanh cho các nhà quản lý tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia Chương trình; hỗ trợ quản lý nhãn hiệu các sản phẩm; tổ chức đánh giá, xếp hạng các sản phẩm đúng thực chất; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.
Hiện nay, tỉnh và các địa phương đang tập trung tiêu chuẩn hóa, phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản có triển vọng theo hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng, thương hiệu, có sức cạnh tranh gắn với thị trường tiêu thụ ổn định. Giai đoạn 2021-2023, kinh phí hỗ trợ nâng cấp, tiêu chuẩn hóa, nâng tầm, phát triển sản phẩm OCOP (máy móc thiết bị, tem nhãn, bao bì…) trên 6,7 tỷ đồng. Để sản phẩm OCOP phát triển trọng tâm, trọng điểm, có sức cạnh tranh lớn, các địa phương chú trọng lựa chọn những nghề có sản phẩm đặc trưng nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở tập trung nguồn lực, đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra sự khác biệt so với sản phẩm cùng loại của địa phương khác. Đồng thời, định hướng cho các doanh nghiệp, cơ sở liên kết, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng liên vùng, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu dùng của các thị trường tiềm năng.
Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh giai đoạn 2021-2025, đặt ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu có 368 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó ít nhất 40% sản phẩm đạt chứng nhận OCOP có sản lượng hàng hóa ổn định, được kết nối liên kết tiêu thụ với các siêu thị, trung tâm thương mại. Mỗi huyện, thành, thị hỗ trợ xây dựng thêm ít nhất 1 điểm quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP gắn với hoạt động các tua, tuyến du lịch, lễ hội trong tỉnh, tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức. Các ngành chức năng và chính quyền địa phương hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình xây dựng hệ thống, điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP tại các địa phương; ứng dụng thương mại điện tử trong giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đó, hỗ trợ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất – kinh doanh, thương mại điện tử, xây dựng website quảng bá sản phẩm cho các chủ thể và truyền thông đa phương tiện về chương trình; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo chuỗi giá trị OCOP gắn với giám sát, chứng thực của công tác quản lý nhà nước. Đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số trong thúc đẩy phát triển hệ thống thương mại điện tử sản phẩm OCOP thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng livestream, đặc biệt là đối với với các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương.
Để Chương trình OCOP đạt kết quả cao, đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành, địa phương và các chủ thể cùng chung tay triển khai thực hiện. Đó sẽ là cơ sở quan trọng thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, là nền tảng vững chắc xây dựng nông thôn mới bền vững.