Sản phẩm chuối sấy dẻo Lao Bảo của Công ty TNHH Green Globe đạt chứng nhận OCOP có mẫu mã bắt mắt, tạo được chỗ đứng trên thị trường
Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT), toàn tỉnh hiện có 115 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 42 sản phẩm 4 sao (1 sản phẩm đang đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp quốc gia đề nghị OCOP 5 sao) và 73 sản phẩm 3 sao. Với sự tham gia của 58 chủ thể, trong đó có 16 chủ thể là hợp tác xã (HTX), 4 chủ thể là tổ hợp tác, 16 chủ thể là doanh nghiệp, 22 chủ thể là hộ sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, việc phát triển sản phẩm OCOP đã tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong doanh nghiệp, HTX kinh doanh… Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, định hướng phát triển sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp OCOP đã chủ động thay đổi từ khâu sản xuất cho đến khâu tiêu thụ. Qua đó, ngày càng hoàn thiện sản phẩm theo những yêu cầu khắt khe của thị trường.
Chị Trương Thị Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Green Globe cho biết, năm 2021, chị đã tìm tòi, nghiên cứu và đưa sản phẩm chuối sấy dẻo Lao Bảo trở thành sản phẩm OCOP 3 sao. Hòa nhập với xu thế thị trường, đơn vị đã từng bước chủ động đầu tư máy móc, thay đổi mẫu mã, tạo mã QR, logo thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) cho sản phẩm.
Hiện mỗi ngày, công ty của chị Nhung tiêu thụ khoảng 4 – 5 tấn chuối quả tươi của người dân và cho ra gần 1 tấn sản phẩm. Với những lợi thế như được chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm từ nguồn nguyên liệu đạt chứng nhận VietGAP, đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh, mẫu mã, bao bì đẹp mắt, sản phẩm chuối sấy dẻo của chị Nhung đã tạo được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Tại huyện Cam Lộ, sau gần 5 năm triển khai, chương trình OCOP đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ. Đến nay toàn huyện đã có 30 sản phẩm được chứng nhận OCOP cấp tỉnh. Trong đó có 13 sản phẩm OCOP đạt 3 sao; 17 sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 1 sản phẩm đang trình Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp quốc gia công nhận hạng 5 sao.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh, các sản phẩm OCOP khi được chứng nhận đã tác động rất nhiều đến hoạt động kinh doanh của các chủ thể. Do đó, các doanh nghiệp, chủ thể OCOP không ngừng hoàn thiện dây chuyền sản xuất, mẫu mã sản phẩm.
“Huyện Cam Lộ cũng đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu cho sản phẩm OCOP. Hỗ trợ các chủ thể tham gia các hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP; thúc đẩy hệ thống thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, đặc biệt là đối với các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, ưu tiên các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các sản phẩm đặc sản, sản phẩm có lợi thế, làng nghề truyền thống và dịch vụ du lịch nông thôn”, ông Linh cho biết thêm.
Theo Chi cục trưởng Chi cục PTNT Hoàng Minh Trí, chương trình OCOP đã có tác động tích cực, hiệu quả đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương; thúc đẩy sơ chế, chế biến nhằm gia tăng giá trị sản phẩm; phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường; hình thành các liên kết trong sản xuất và chế biến. Với việc đạt được chứng nhận OCOP đã làm cho các chủ thể có nhiều động lực phấn đấu để hoàn thiện sản phẩm, số chủ thể đăng ký tham gia chương trình ngày càng nhiều.
Các sở, ngành, địa phương cũng đã chủ động trong việc hỗ trợ các chủ thể nâng cao trình độ sản xuất, chất lượng sản phẩm, từng bước đáp ứng về tiêu chuẩn kỹ thuật, hoàn thiện về bao bì sản phẩm… Nhờ đó, 100% sản phẩm đạt chứng nhận OCOP có bao bì hoàn chỉnh, phù hợp, đáp ứng các quy định của nhà nước về nhãn hàng hóa để lưu thông trên thị trường. Ngoài ra, các chủ thể còn được trợ lực tích cực về nguồn vốn; hỗ trợ về quảng bá, xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, ông Trí cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả tích cực, chương trình OCOP vẫn đang còn gặp những “điểm nghẽn”. Có thể kể đến như nhiều sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh như sản phẩm từ thủy, hải sản, chăn nuôi chưa được phát triển và đăng ký tham gia chương trình; chưa phát triển được sản phẩm dịch vụ du lịch, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Các sản phẩm OCOP vẫn còn gặp khó khăn trong tìm kiếm, mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu; số sản phẩm tham gia các chuỗi bán lẻ hiện đại, siêu thị còn ít.
Ông Trí cho biết, thời gian tới, các sở ngành, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP với việc xây dựng, triển khai dự án phát triển sản phẩm chủ lực cấp tỉnh theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn cao và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu. Trong đó, tập trung phát triển các nhóm sản phẩm, như: nông sản, dược liệu…
Hỗ trợ triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển, hoàn thiện công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP. Hỗ trợ các chủ thể nâng cấp công nghệ sản xuất, mẫu mã sản phẩm. Đồng thời, vận dụng cơ chế, chính sách hiện hành về hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại… để thúc đẩy phát triển sản xuất ở các cá nhân, tổ chức kinh tế tham gia OCOP.
Lê An
Báo Quảng Trị Online – baoquangtri.vn