Dưa lê bạch ngọc được trồng tại Dfarm Quảng Trị cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.T
Bắt kịp xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đầu năm 2019, chị Trần Thu Trang, quê ở xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh quyết định tìm hiểu thị trường, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng tại thôn Động Sỏi, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh.
Mô hình được đặt tên là Dfarm Quảng Trị, hoàn thiện vào năm 2020 trên diện tích 3 ha, trong đó hệ thống 10 nhà kính rộng 5.120 m2. Hiện tại trang trại chọn các loại cây chủ lực đang được thị trường ưa chuộng gồm dưa lê bạch ngọc, dưa lưới, dưa hấu để đưa vào sản xuất. Ngoài ra, trang trại còn trồng các loại cây khác như táo xanh, dưa đỏ da đen, rau các loại…
Chị Thu Trang cho biết: “Ngoài mục tiêu sản xuất nông nghiệp, chúng tôi đang triển khai xây dựng điểm tham quan trải nghiệm các hoạt động trồng, thu hoạch các sản phẩm của farm cũng như thưởng thức các món ăn được chế biến từ các sản phẩm của farm và hải sản của địa phương. Tổ chức các dịch vụ theo yêu cầu của du khách đến trải nghiệm, bước đầu đã hình thành liên kết với các trường học để tham quan trải nghiệm theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời đã xây dựng trang thông tin để quảng bá hình ảnh đến với các đối tượng du khách trong và ngoài tỉnh”.
Hệ thống giếng cổ Gio An, huyện Gio Linh đang là điểm đến hấp dẫn, thu hút đông du khách trong và ngoài tỉnh tham quan thời gian qua. Điểm du lịch cộng đồng này đã được đầu tư khá bài bản với hệ thống các tuyến đường được trải nhựa và bê tông hóa đến 14 giếng cổ, thuận tiện đi lại.
Hệ thống các giếng cổ, lễ hội và phong tục tập quán địa phương như thượng nêu, khai hạ, đại tự, các câu chuyện văn hóa lịch sử như động Ông Voi, chùa Long Phước … đem lại sự hiếu kỳ và muốn tìm hiểu của du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan trải nghiệm. Theo đánh giá của ngành chức năng, đây là điểm có tiềm năng, lợi thế để xây dựng, phát triển và đề nghị công nhận khu du lịch nông thôn.
Kết quả khảo sát, đánh giá hiện trạng các điểm du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh của các ngành chức năng cho thấy, các hoạt động du lịch bước đầu đã tạo việc làm, đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản, hàng hoá, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kinh tế của người dân trong khu vực nông thôn, khai thác được các tiềm năng, lợi thế về văn hóa, cảnh quan, môi trường sinh thái và nông nghiệp của khu vực nông thôn. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch được quan tâm đầu tư xây dựng, các hoạt động văn hóa truyền thống được phục hồi và duy trì.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Đó là các mô hình du lịch nông thôn còn mang tính tự phát, một số điểm chưa hình thành chủ thể để tổ chức thực hiện dịch vụ.
Hoạt động du lịch chưa bài bản, chưa đa dạng về sản phẩm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm thực tế và mua sắm của du khách nên hiệu quả chưa cao. Chưa có mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP…
Các ngành chức năng đã thống nhất lựa chọn 4 mô hình gồm: Điểm du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Dfarm Quảng Trị (Vĩnh Linh), điểm du lịch cộng đồng Hệ thống giếng cổ Gio An, Gio Linh, điểm du lịch cộng đồng thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng (Hướng Hóa), khu du lịch sinh thái Rú Lịnh, thôn Hoà Bình, xã Hiền Thành (Vĩnh Linh) để lập kế hoạch hỗ trợ xây dựng và công nhận sản phẩm du lịch nông thôn trong thời gian tới.
Du lịch nông nghiệp, nông thôn rất cần sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước bằng các cơ chế, chính sách như đầu tư đồng bộ về hạ tầng, ưu đãi tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số, sự đầu tư đa dạng từ các nguồn lực xã hội khác.
Ngoài những điểm được các ngành chức năng khảo sát, chọn để hỗ trợ, các địa phương cần tiếp tục rà soát tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn nhằm xây dựng mô hình phù hợp với mục tiêu của chương trình phát triển du lịch nông thôn và lợi thế của địa phương.
Để phát triển du lịch nông thôn một cách bền vững, cần chú trọng xây dựng điểm đến gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có giá trị gia tăng cao, lấy chất lượng làm chính. Trong đó, cần chú ý bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm đặc sản, truyền thống… để phục vụ du khách thông qua các trải nghiệm thực tế.
Các địa phương cần sớm có quy hoạch cho du lịch nông thôn cũng như các chính sách cụ thể hỗ trợ phát triển lĩnh vực này. Các ngành chức năng liên quan cần tăng cường hỗ trợ xúc tiến, truyền thông, quảng bá du lịch, đào tạo nhân lực, hướng dẫn nghiệp vụ, kết nối với các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng các tour du lịch.
Quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực du lịch nông thôn. Phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng, đẩy mạnh sự tham gia tích cực và chủ động của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế thông qua hình thức liên kết chuỗi giá trị du lịch hiệu quả.
Bảo Bình
Báo Quảng Trị – baoquangtri.vn