Người dân phơi giảo cổ lam trên đảo Cồn Cỏ. Ảnh: Trần Tuyền
Nhiều năm qua, mỗi khi đến với huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị), khách du lịch thường tỏ ra tiếc nuối, hụt hẫng vì với tiềm năng, lợi thế sẵn có, Cồn Cỏ có thể bứt phá để xây dựng và phát triển du lịch mạnh mẽ. Một trong nhiều yếu tố khiến cho ngành du lịch dịch vụ của đảo chưa đặc sắc, chưa thu hút du khách quay lại là thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng. Tuy nhiên, so với gần 10 năm trước thì nay Cồn Cỏ đã có nhiều đổi thay.
Đầu tháng 8 vừa rồi, tôi có dịp ra đảo Cồn Cỏ dự lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập huyện và 65 năm ngày truyền thống lực lượng vũ trang đảo Cồn Cỏ. Tại đây, Hội Phụ nữ huyện có gian hàng trưng bày một số sản phẩm nông sản, hải sản và thảo dược của đảo. Trong đó, tôi và nhiều du khách khác đặc biệt chú ý đến sản phẩm trà túi lọc “Giảo cổ lam Cồn Cỏ” do Tổ hợp tác Giảo cổ lam huyện đảo Cồn Cỏ sản xuất. Sản phẩm này được đóng gói trong hộp giấy vuông vắn, có nhãn mác thương hiệu và cả tem chống hàng giả.
Nhìn rất chuyên nghiệp và hiện đại. Ngoài ra, còn có loại đựng trong túi nilon to để du khách lựa chọn. Ngoài thảo dược giảo cổ lam, Hội Phụ nữ huyện đảo còn trưng bày nước mắm nguyên chất, cá cơm khô, ruốc khô và một số loại thảo dược khác. Tất cả đều được đóng gói sạch sẽ, gọn gàng, phù hợp để khách du lịch mua về làm quà hoặc sử dụng trong gia đình. Nhiều du khách hôm đó đã mua các sản phẩm về làm quà.
Nếu như trước đây, đến với đảo Cồn Cỏ, khách du lịch không biết mua gì làm quà thì nay đã có thêm nhiều sự lựa chọn. Mặc dù sản phẩm chưa đa dạng về hình thức, bắt mắt về mẫu mã so với những địa điểm du lịch được tổ chức chuyên nghiệp nhưng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện đảo rất đáng ghi nhận. Điều đó không chỉ giúp quảng bá thương hiệu cho đảo ngọc Cồn Cỏ mà còn giúp cho đời sống Nhân dân trên đảo được khấm khá, sung túc hơn.
Nhìn rộng hơn, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có nhiều điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh. Thời gian gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh xây dựng, phát triển các sản phẩm riêng có, thế mạnh của địa phương, hướng đến đạt chứng nhận OCOP.
Có thể kể đến một số sản phẩm tiêu biểu như: cà phê Khe Sanh, tiêu Cùa, cao dược liệu cà gai leo, cao dược liệu an xoa, gạo hữu cơ Hải Lăng… Những sản phẩm này đã được đăng ký nhãn mác, thương hiệu, đóng gói sạch sẽ, gọn gàng trong những túi nilon hút chân không hoặc hộp giấy tiện dụng, đảm bảo tính thẩm mỹ và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tại một số địa điểm du lịch trong tỉnh đã trưng bày những sản phẩm này. Qua ghi nhận, khách du lịch rất thích thú và mua các sản phẩm về dùng thử hoặc làm quà. Trong đó, cà phê Khe Sanh là một trong những sản phẩm được nhiều khách du lịch chú ý. Những túi cà phê bột rang xay vừa đủ độ, dậy lên mùi thơm khó tả được đóng gói cẩn thận trong túi giấy bắt mắt với bộ nhận diện đặc trưng khiến những người sành cà phê khó bỏ qua…
Các sản phẩm du lịch thường có điểm chung là gắn liền với lịch sử, văn hóa, vùng đất nào đó. Do vậy, những người làm du lịch cần gắn sản phẩm với câu chuyện về nguồn gốc, quá trình làm ra sản phẩm đó cũng như văn hóa về vùng đất đã sản sinh ra nó. Để mỗi khi cầm bất cứ sản phẩm nào trên tay, du khách lập tức nhớ đến, liên tưởng đến nơi mình đã đi qua.
Tỉnh Quảng Trị có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch. Tuy vậy, để ngành du lịch thực sự phát triển xứng tầm thì các địa phương cần nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút, níu chân du khách một cách hiệu quả.
Trần Thanh
Báo Quảng Trị Online – baoquangtri.vn