Triển vọng từ nông nghiệp
Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch được xây dựng theo mô hình trải nghiệm này chủ yếu diễn ra tại nông trại, trang trại hoặc thôn xóm, bản làng nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí của du khách. Hoạt động này mang lại nhiều giá trị to lớn cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời giúp quảng bá văn hoá, nông đặc sản địa phương. Nói tới du lịch nông nghiệp không thể không nhắc tới các mô hình hiệu quả ở Đông Triều.
Theo lãnh đạo thị xã Đông triều: Thời gian quan, địa phương khai thác tốt du lịch nông nghiệp, tận dụng triệt để nét đẹp văn hóa làng quê. Tiêu biểu là mô hình làng quê Yên Đức, lựa chọn hàng đầu của du khách quốc tế khi tới Quảng Ninh. Gần đây, nhiều người còn cảm thấy háo hức hơn khi sẽ có sản phẩm du lịch nông nghiệp có sức hút tương tự là trải nghiệm vườn cây ăn quả ở thôn Tân Thành (xã Việt Dân).
Với sức lan tỏa, thành công tại Đông Triều đã mở ra “cánh cửa mới”, tạo điều kiện cho loại hình du lịch mới mẻ này phát triển ở rất nhiều địa phương trong toàn tỉnh. Dọc theo chiều dài khoảng 200km của Quảng Ninh có rất nhiều làng nghề, những hợp tác xã vừa sản xuất vừa phát triển du lịch, đem lại hiệu quả kép.
Sản phẩm nông nghiệp được bày bán giới thiệu cho du khách du lịch Móng Cái
Bà Nguyễn Lan Hương – Du khách Hải Phòng cho biết: Tôi đã đến trải nghiệm tại các xã Sơn Dương, Dân Chủ (TP Hạ Long), Vạn Yên (Vân Đồn). Ở đây, có nhiều diện tích trang trại, xây dựng các khu trải nghiệm để phát triển du lịch. Tôi và gia đình đã trại nghiệm tại trang trại ổi của ông Đinh Mạnh Đới (xã Dân Chủ), ông Ân Văn Kim (xã Sơn Dương), vườn cam 68 của anh Trần Văn Hậu (xã Vạn Yên)…
Đến đây, tôi được chủ nhà giới thiệu toàn bộ quy trình chăm sóc để cho ra những giống quả đặc sản mà lọt vào khung cảnh miệt vườn tuyệt đẹp, được tự tay lựa chọn những trái cây chín thưởng thức tại vườn hoặc mang về làm quà.
Với những vườn hoa nổi tiếng tại phường Hoành Bồ, xã Lê Lợi, xã Quảng La (TP Hạ Long), vườn hoa Cao Sơn (Bình Liêu)…,Theo bà Hương, du khách tham quan ở đây sẽ được khám phá không gian rực rỡ với trăm hoa đua nở. Đến đây, du khách không chỉ lựa chọn được những loài hoa xinh đẹp trang trí nhà cửa mà còn được ngắm trọn không gian tuyệt đẹp.
Còn theo ông Trần Hải Long – Du khách Thái Nguyên: Tìm về Quảng Long, miền Đông của Quảng Ninh, du khách không chỉ thấy vẻ đẹp nông trường, mà còn được tìm hiểu câu chuyện thú vị về nghề trồng chè, đặc sản chè xuất khẩu, gắn bó với vùng đất này nửa thế kỷ qua.
Theo ông Long, tôi được tham quan đồi chè thuộc Công ty TNHH Chè Thuấn Quỳnh. Đứng giữa màu xanh ngút ngàn của những vạt chè uốn lượn như xua tan cảm giác mệt mỏi của tôi dường như tan biến hết.
Du khách trải nghiệm hái chè tại huyện Hải Hà
Theo Sở Du lịch: Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có vô số điểm đến giàu tiềm năng, như: Trang trại rau an toàn của Công ty CP Đầu tư Song Hành (TX Quảng Yên), trang trại hoa lan Đồng Ho, khu trồng cây ăn quả chất lượng cao xã Dân Chủ, xã Thống Nhất, cánh đồng rau, hoa chất lượng cao xã Lê Lợi (TP Hạ Long)…
Còn bà Đỗ Thị Hà, Trưởng Phòng Văn hoá – Thông tin TX Đông Triều, chia sẻ: Ngoài giá trị cảnh quan, giá trị trải nghiệm, câu chuyện canh nông ở vùng làng quê đã mang tới cho du khách, đặc biệt khách quốc tế những cảm nhận mới lạ, hấp dẫn. Cùng với Yên Đức, mô hình canh nông mới ở Việt Dân kỳ vọng sẽ hút khách Hàn Quốc. Điều này còn đem lại thu nhập cao, mở hướng mới cho nông nghiệp ở Đông Triều cũng như các địa phương trong tỉnh.
Dù hình thức du lịch này đầy triển vọng, giúp nông dân, doanh nghiệp tăng thêm thu nhập từ các sản phẩm độc đáo nhưng vẫn còn nhiều yếu điểm. Theo các chuyên gia nhận định thì du lịch nông nghiệp đang chỉ tận dụng nguồn lực sẵn có mà thiếu nhân lực chuyên ngành. Vì vậy, dẫn đến tình trạng có cái gì phục vụ cái đó, chưa bài bản và tính bền vững cao. Đây là nhược điểm cần khắc phục.
Khai thác lợi thế
Việt Dân là xã nông thôn kiểu mẫu hiện đại. Cùng với ruộng vườn cây trái trù phú, tốt tươi, ấn tượng với những nông dân hồn hậu, hiếu khách, tự tin năng động… Tất cả giúp Việt Dân trở nên hấp dẫn trong mắt du khách.
Từ nền tảng đang có, người dân Việt Dân nhanh nhạy bắt tay vào làm du lịch nông nghiệp. Việc hình thành mối liên kết giữa Công ty TNHH Han Nong (Hàn Quốc) với các hộ dân thôn Tân Thành có thể coi là mô hình du lịch nông nghiệp tiên phong ở Việt Dân. Du khách đến đây sẽ được thăm vườn, trải nghiệm quy trình canh tác nông nghiệp cũng như thưởng thức hoa trái, sản phẩm của vườn theo xu hướng “mùa nào thức ấy”…
Theo ông Trần Khắc Tiến – Hướng dẫn viên tour làng quê Việt: Thực tế cho thấy, những vùng thôn quê tươi đẹp như Việt Dân đang ngày càng nhân rộng, đồng nghĩa với việc những mô hình du lịch nông nghiệp, điểm đến của du khách tìm về với không gian đồng quê ngày càng nhiều, trải dài từ Đông Triều cho đến Móng Cái.
Theo ông Tiến, nếu như TP Hạ Long có những vườn ổi VietGAP, vườn mía tím hữu cơ, vùng trồng hoa thương phẩm, vùng trồng cây dược liệu… thì Vân Đồn có những vườn cam trĩu quả, những khu nuôi thuỷ sản bằng vật liệu mới; Bình Liêu có những mùa sở, mùa hồi, mùa lúa chín; Hải Hà có những đồi chè xanh ngắt đã được tạo hình để check-in; Móng Cái có những ngôi làng bích hoạ… Tất cả đều là những điểm du lịch nông nghiệp lý thú, hấp dẫn, ấn tượng du khách. Ở những nơi này, du khách hoà mình vào không gian canh tác, trải nghiệm quy trình canh tác và thụ hưởng sản phẩm canh tác…
Theo ông Trần Việt Phương – Giám Công ty Du lịch Việt Long chia sẻ: Hiện nay, nhiều tour du lịch nông thôn tìm về Quảng Long của Hải Hà. Đến đây, du khách không chỉ thấy vẻ đẹp nông trường mà còn được tìm hiểu câu chuyện thú vị về nghề trồng chè, con đường đặc sản chè xuất khẩu. Màu xanh ngút ngàn của những vạt chè uốn lượn như xua tan cảm giác mệt mỏi của du khách.
Theo lãnh đạo huyện Bình Liệu: Huyện có trên 800ha ruộng bậc thang trồng lúa. Vào độ cuối tháng 10 dương lịch, lúa chín vàng như dòng thác giữa nền trời thu xanh ngắt, tạo nên khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Khu vực ruộng bậc thang Lục Hồn mới đây còn được công nhận là di tích danh thắng cấp tỉnh. Đến nay, huyện Bình Liêu đã tổ chức Hội mùa vàng được 4 mùa liên tiếp, giúp cho du khách được tham gia trải nghiệm gặt lúa, tham gia nghi lễ mừng cơm mới.
Lễ hội hoa sở của huyện Bình Liêu còn được tổ chức thường niên trước Hội mùa vàng. Dưới những cánh rừng sở, du khách check-in với hoa sở, trải nghiệm việc ép dầu sở, thưởng thức ẩm thực được chế biến từ dầu sở, đua xe đạp, bay dù lượn trên rừng sở… Đó là những sản phẩm du lịch độc đáo chỉ có ở mô hình du lịch nông nghiệp, ở những vùng nông thôn, miền núi mà sản xuất nông nghiệp là chủ đạo, nông dân là chủ thể.
Trải nghiệm đỉnh núi tại Bình Liêu
“Một ngày làm ngư dân” ban đầu chỉ có ở xã đảo Quan Lạn của huyện Vân Đồn, nay trở thành sản phẩm du lịch quen thuộc ở khắp các vùng biển Cô Tô, Móng Cái, Đầm Hà, Hải Hà. Công việc khua chèo, thả lưới, buông câu, bồng bềnh trên những con sóng nhẹ, bắt lên thuyền những con cá, con mực… vốn là công việc hàng ngày, quen thuộc của ngư dân, nay trở nên mới lạ, hấp dẫn đối với du khách, đưa du khách đến niềm vui của thành quả lao động…
Với quan điểm xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc như hiện nay, khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng lớn mạnh, sôi động, trở thành cực tăng trưởng mới của tỉnh. Và đây cũng là lý do để du lịch nông nghiệp Quảng Ninh đang và sẽ ngày càng có lợi thế phát triển, từ đó giúp Quảng Ninh đa dạng hoá sản phẩm du lịch, tạo thêm sức hút về vùng đất giàu đẹp địa đầu Tổ quốc
Minh Huệ
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp – diendandoanhnghiep.vn