Du khách trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng tại xã Đại Dực, huyện Tiên Yên. Ảnh: Việt Hưng
Khai thác tốt những tiềm năng, thế mạnh sẵn có về cảnh sắc thiên nhiên, khí hậu, các hợp tác xã, chủ trang trại tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã có ý tưởng kết hợp phát triển trang trại nông nghiệp với phát triển du lịch, cho ra đời nhiều mô hình hấp dẫn, như: Du lịch trang trại đồng quê, trải nghiệm làm nông dân, trải nghiệm những sinh hoạt, lao động, ẩm thực thường ngày của người dân bản địa… Đến nay, các mô hình này đã dần tạo được điểm đến hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách, nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp đã trở thành những thương hiệu thu hút du khách bốn phương.
Điển hình như mô hình tham quan trải nghiệm vườn chè tại xã Quảng Long (Hải Hà)- một trong những mô hình ra đời khá sớm và được nhiều du khách trong và ngoài nước ưa thích. Với lịch sử trồng chè từ hơn 50 năm qua, người dân ở xã Quảng Long đã nắm bắt xu thế của Cách mạng công nghệ lần thứ tư, đưa cây chè gắn với du lịch, nhằm nâng cao đời sống người dân các vùng trồng chè, đồng thời quảng bá chè Hải Hà đến với du khách trong nước và quốc tế. Xã Quảng Long có 425ha chè, trong đó tập trung cho du lịch hơn 41ha, chủ yếu ở khu vực đồi chè của Công ty TNHH Thuấn Quỳnh. Khi du khách đến đây không chỉ tham quan, chụp hình mà còn được trải nghiệm tự tay hái chè, tự sao chè và thưởng thức chè bằng sản phẩm do chính mình chế biến ở ngay trên hệ thống nhà sàn được xây dựng trên những đồi chè trùng điệp và thưởng ngoạn khung cảnh nên thơ, yên tĩnh để ngắm suối và các giếng tắm, bãi đá. Ngoài ra, khi tới đây du khách có thể tìm hiểu về nguồn gốc xuất xứ giống chè, tác dụng lợi ích trong việc uống chè, phương thức pha chè sao cho chè có hương vị thơm ngon và đậm đà nhất… Đây chính là những trải nghiệm vô cùng thú vị của mỗi du khách khi đến với Hải Hà.
Tiên Yên được coi là nơi kết nối sắc màu các dân tộc vùng Đông Bắc, có nhiều tiềm năng lợi thế, giá trị khác biệt để phát triển du lịch. Cùng với sự quan tâm của tỉnh, trong những năm qua, huyện Tiên Yên đã dành nhiều nguồn lực, xây dựng các đề án, bố trí nguồn kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến hình ảnh, tạo động lực cho phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa. Đặc biệt, đầu năm 2024, được sự vận động, hỗ trợ của chính quyền địa phương, 6 hộ dân thôn Khe Lục (xã Đại Dực, huyện Tiên Yên) đã xây dựng khu homestay và thành lập tổ hợp tác du lịch cộng đồng. Mô hình chính thức đi vào hoạt động từ giữa tháng 3 năm nay và thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Sán Chỉ xã Đại Dực. Từ mô hình này, người dân địa phương cũng dần chú trọng hơn đến việc bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào và phát huy thế mạnh nông nghiệp để phục vụ phát triển du lịch bền vững.
Du khách thích thú với đồi chè Quảng Long, huyện Hải Hà. Ảnh: CTV
Ngoài các mô hình trên, tại Quảng Ninh hiện còn có rất nhiều mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch hấp dẫn, thu hút đông du khách như: trang trại hoa lan Đồng Ho, khu trồng cây ăn quả chất lượng cao xã Dân Chủ, xã Thống Nhất, cánh đồng rau, hoa chất lượng cao xã Lê Lợi (TP Hạ Long); trang trại rau an toàn của Công ty CP Đầu tư Song Hành (TX Quảng Yên); Vườn hoa Cao Sơn (huyện Bình Liêu), vườn cam Vạn Yên (huyện Vân Đồn)…
Với những giá trị, tiềm năng sẵn có, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đang dần trở thành xu hướng phát triển kinh tế bền vững tại một số địa phương có thế mạnh của tỉnh. Thực tế cho thấy, du lịch nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho cả sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ở các vùng nông thôn, không chỉ góp phần đa dạng hóa các hoạt động thương mại, giải quyết các vấn đề đầu ra cho các mặt hàng nông sản, mà còn trực tiếp hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. Mặt khác, du lịch nông nghiệp ở một số địa phương còn gắn liền với chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, chương trình OCOP, chương trình bảo tồn các giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống với việc phát triển đa dạng sản phẩm… Do đó, có ý nghĩa lớn trong hỗ trợ duy trì và quảng bá đời sống nông thôn, nâng cao ý thức về phong tục tập quán cũng như bảo tồn các phương thức canh tác truyền thống của địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những mô hình thành công, những sản phẩm du lịch nông nghiệp hiệu quả, việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp một cách bền vững trên địa bàn tỉnh vẫn còn đối mặt với một số thách thức. Đó là, các mô hình du lịch dựa trên khai thác thế mạnh của nông nghiệp hầu hết còn đang ở dạng tự phát, nhỏ lẻ, trùng lặp, chưa có sự đầu tư bài bản, chuyên sâu. Các mô hình du lịch nông nghiệp hiện nay phần lớn mới chỉ đáp ứng được nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản, chưa có nhiều dịch vụ hấp dẫn. Bên cạnh đó chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa người dân với doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước, các làng nghề, các lĩnh vực nông nghiệp, để tạo ra và phát triển các sản phẩm du lịch một cách chất lượng và chuyên nghiệp. Nhiều điểm du lịch nông thôn còn thiếu đầu tư cho kết cấu hạ tầng, không có bãi đỗ xe, không có nơi cho du khách nghỉ chân. Việc thay đổi nhận thức, thái độ, kỹ năng của những người nông dân, của người dân bản địa về am hiểu văn hóa địa phương, cũng như có kỹ năng phục vụ du lịch còn thiếu và yếu…
Để từng bước khắc phục hạn chế, đưa du lịch nông nghiệp của tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, hiện tỉnh cũng đã và đang xây dựng chiến lược phát triển bài bản, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới với nhiều chính sách về hỗ trợ các công trình hạ tầng kỹ thuật nông thôn, hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn; chú trọng phát triển nền nông nghiệp xanh, khôi phục sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương. Cùng với đó, tiếp tục xây dựng thêm nhiều quy định chặt chẽ, chế tài về trách nhiệm của cơ sở kinh doanh du lịch, các điểm đến; đẩy mạnh sử dụng công nghệ số, mã vạch giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, gắn sản phẩm OCOP với hoạt động du lịch, văn hóa…
Hoài Anh
Báo Quảng Ninh – baoquangninh.vn