Chợ miền núi Bình Liêu mang nét văn hóa đặc trưng
Khai thác tiềm năng của địa phương, huyện Bình Liêu đang tích cực phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Trong đó, huyện đã ban hành Quyết định 569/QĐ-UBND ngày 7/3/2023 phê duyệt Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030.
Theo đó, huyện phấn đấu đến năm 2025 thu hút trên 500.000 lượt khách, doanh thu trên 450 tỷ đồng, trên 3.500 lao động trực tiếp liên quan đến du lịch. Huyện sẽ hoàn thiện 9 điểm du lịch cộng đồng, du lịch bản, du lịch sinh thái và 7 điểm tham quan trên địa bàn. Đồng thời, triển khai đón khách tại 3 điểm du lịch cộng đồng đại diện cho 3 dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ. Trên cơ sở đó, huyện sẽ xây dựng các tuyến du lịch nội vùng, ngoại vùng, quốc tế.
Cùng với đó, huyện đang phối hợp hoàn thiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người Tày Bình Liêu phục vụ phát triển du lịch cộng đồng; Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá người Sán Chỉ tại bản Lục Ngù (xã Húc Động) gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng cuốn sách “Học tiếng Tày Bình Liêu”. Đồng thời, xây dựng sách ảnh về thiên nhiên, văn hóa, con người Bình Liêu; kế hoạch đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nhân lực du lịch…
Lễ rước quanh đình Lục Nà mở đầu cho nghi lễ của Lễ hội đình Lục Nà 2023. Ảnh: Hà Phong
Huyện Bình Liêu cũng duy trì tổ chức các lễ hội, ngày hội hằng năm đảm bảo văn minh, hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa như: Lễ hội đình Lục Nà, hội soóng cọ, hội kiêng gió… từ đó, thu hút du khách đến tham quan.
Không chỉ tại Bình Liêu, các địa phương, doanh nghiệp, HTX, cơ sở kinh doanh trong toàn tỉnh cũng đang tích cực tận dụng sự đa dạng văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc để hình thành những điểm du lịch hấp dẫn. Khu du lịch Kỳ Thượng Am Váp Farm (TP Hạ Long) là một trong số đó.
Du khách trải nghiệm nghề thêu truyền thống tại khu du lịch Kỳ Thượng Am Váp Farm. Ảnh: Kỳ Thượng Am Váp Farm
Kỳ Thượng Am Váp Farm là một trong những điểm đến yêu thích đối với du khách khi tới TP Hạ Long, bởi khung cảnh thiên nhiên đẹp, bầu không khí trong lành, yên tĩnh, khác hẳn chốn thị thành. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS nơi đây cũng được khai thác song song cùng với giá trị sinh thái, trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo, mang đặc trưng phong cách người dân bản địa.
Theo đó, khu du lịch Kỳ Thượng Am Váp Farm được thiết kế nhà sàn bằng gỗ cùng khuôn viên rộng gần 2.000m2 phục vụ các dịch vụ ăn, nghỉ, vui chơi. Sau khi trải nghiệm với thiên nhiên, du khách được chào đón bởi nhân viên là chính những người dân địa phương trong trang phục Dao truyền thống. Đồng thời, tham quan nhà cộng đồng là nơi trưng bày trang phục, nông cụ sản xuất, nghe giới thiệu về văn hóa bản địa và xem, học thêu thổ cẩm cùng các bà, các chị là người dân địa phương.
Thêm vào đó, du khách còn được thưởng thức các tiết mục biểu diễn nhạc cụ, múa, hát, nhảy sạp… mang đậm bản sắc văn hóa của con người nơi đây; được trải nghiệm bơi lội, chèo SUP, bè, thuyền thúng trên thác, suối rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe, tự mình khám khám phá vẻ đẹp thiên nhiên.
Du lịch nông thôn là một trong những sản phẩm mang đậm nét văn hóa, con người, hình ảnh của vùng đất Quảng Ninh. Phát triển loại hình du lịch này sẽ là giải pháp quan trọng bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Hạ An
Báo Quảng Ninh điện tử – baoquangninh.com.vn