Quảng Ninh: Ba Chẽ phát huy tiềm năng, thế mạnh về văn hóa gắn với sản phẩm du lịch

Huyện Ba Chẽ có 9 dân tộc cùng sinh sống với những nét đặc trưng riêng tạo ra một không gian văn hóa độc đáo và đa sắc màu. Xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển, huyện luôn coi công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, có tính chất quyết định quá trình xây dựng NTM.
Phụ nữ xã Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ) thi gói bánh trong Ngày hội văn hoá dân tộc Sán Chay năm 2023. Ảnh: Phòng VH-TT huyện Ba Chẽ cung cấp

 

Thực hiện chương trình xây dựng NTM, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất cho người dân, huyện Ba Chẽ còn chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

Huyện đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch cụ thể để chỉ đạo triển khai thực hiện, trong đó đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn như: Nghị quyết 02-NQ/HU ngày 5/11/2015 của BCH Đảng bộ huyện về xây dựng văn hóa con người Ba Chẽ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của huyện trong tình hình mới; đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ gắn với phát triển du lịch cộng đồng”; kế hoạch tổ chức Ngày hội văn hóa thể thao, Hội Trà hoa vàng, Lễ hội đình Làng Dạ, Lễ hội Miếu Ông – Miếu Bà, Lễ hội Bàn Vương…

Tính đến hết năm 2022, huyện đã đầu tư, tôn tạo được 4 di tích văn hóa gồm: Di tích lịch sử – văn hóa căn cứ địa cách mạng Hải Chi (đình Làng Dạ) xã Thanh Lâm; đình Đồng Chức (nhà văn hóa các dân tộc xã Lương Mông); miếu thờ Bàn Vương (ông tổ người Dao) và Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân tộc Dao, với tổng kinh phí hơn 27 tỷ đồng.

Huyện Ba Chẽ  cũng đã tiến hành phục dựng, mở 12 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể cho 320 người về các nội dung: Dạy hát dân ca, dân vũ, thêu hoa văn của dân tộc Dao; hát soóng cọ của dân tộc Sán Chay; hát then đàn tính của dân tộc Tày…Đồng thời, thành lập các CLB hát soóng cọ, hát đối, hát then, thêu thổ cẩm với hơn 230 người tham gia. Đặc biệt, một số nghi lễ đặc trưng của người Dao như nhảy lửa, múa rùa, các bài dân ca cổ, dân vũ đang từng bước được phục dựng.

Phong trào dân vũ thu hút ngày càng nhiều hội viên, phụ nữ DTTS huyện Ba Chẽ tham gia. Ảnh: Phòng VH-TT huyện Ba Chẽ cung cấp

Việc xây dựng các thiết chế văn hóa luôn được huyện quan tâm triển khai thực hiện. Cấp ủy, chính quyền huyện đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp trung tâm thể thao các xã Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh, Thanh Lâm, Thanh Sơn,  Đồn Đạc, với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng. Đồng thời, huy động nguồn lực xây dựng nhiều công trình điểm nhấn như Trung tâm văn hóa, thể thao huyện, Quảng trường 4/10, nhà sinh hoạt cộng đồng dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải (xã Nam Sơn), nhà văn hóa các dân tộc xã Lương Mông… với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng.

Hiện 65/66 thôn, khu phố trên địa bàn huyện đã được đầu tư xây dựng nhà văn hóa. Hầu hết các nhà văn hóa đều phát huy được công năng sử dụng, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị, sản xuất và đời sống; tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng, các hoạt động vui chơi, giải trí, trò chơi dân gian… cho cộng đồng dân cư ở thôn, khu phố.

Ông Hà Ngọc Tùng, Trưởng Phòng VH-TT huyện Ba Chẽ, cho biết: Nhờ quan tâm, làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, huyện Ba Chẽ đã từng bước bài trừ được một số hủ tục lạc hậu trong đời sống nhân dân; duy trì và phát huy những bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; việc cưới, việc tang được tổ chức tiết kiệm, phù hợp, không còn tình trạng tổ chức dài ngày, tốn kém. Mặt khác, Ba Chẽ đã giới thiệu, quảng bá được những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện tới du khách gần xa, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với xây dựng NTM.

Minh Yến
Báo Quảng Ninh Điện tử – baoquangninh.vn