Quảng Ngãi: Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

Quảng Ngãi phấn đấu trong năm 2024, có ít nhất một điểm du lịch cộng đồng nông thôn (du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề) theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững được công nhận.

Hình thành sản phẩm du lịch nông thôn

Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới năm 2024, tỉnh Quảng Ngãi xây dựng, phát triển điểm đến và hình thành sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi huyện, thị xã, thành phố phấn đấu xây dựng một mô hình, sản phẩm du lịch nông thôn gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương.

Quảng Ngãi: Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn
Xây dựng sản phẩm du lịch dã ngoại (trekking), khám phá thiên nhiên

Tập trung phát triển các điểm, mô hình du lịch nông thôn nổi trội như: Mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn xóm Cây Gạo gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các địa điểm khác tại huyện Mộ Đức; mô hình du lịch sinh thái Cà Ninh, xã Bình Phước và du lịch sinh thái cộng đồng Bàu Cá Cái, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn (phát triển du lịch nông nghiệp gắn bảo vệ rừng ngập mặn, hệ sinh thái rong nho); du lịch cộng đồng tại thôn Bình Thành, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành; các mô hình, sản phẩm du lịch cộng đồng nông thôn tại thành phố Quảng Ngãi đã và đang triển khai, hướng đến hình thành để công nhận các điểm du lịch nông thôn.

Quảng Ngãi hình thành các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn đảm bảo đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Phấn đấu trong năm 2024, tỉnh Quảng Ngãi có ít nhất một điểm du lịch cộng đồng nông thôn (du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề) theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững được công nhận.

Phấn đấu hình thành mô hình chuỗi liên kết du lịch nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể là cộng đồng. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho người dân tại các mô hình du lịch nông thôn, cán bộ quản lý văn hóa – xã hội tại địa phương và các chủ thể có hoạt động kinh doanh du lịch nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ số các điểm du lịch nông thôn và được giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện thông tin.

Quảng Ngãi: Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

Xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

Phát triển du lịch nông thôn dựa trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan của khu vực nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, nhằm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.

Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là từ khu vực tư nhân và sự tham gia tích cực từ cộng đồng địa phương đầu tư cho phát triển du lịch nông thôn của Quảng Ngãi để xây dựng, phát triển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ về lĩnh vực du lịch có lợi thế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, người dân và cộng đồng trong việc xây dựng, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Theo Đề án phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quảng Ngãi sẽ phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh như: Xây dựng các mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại Gành Cả – Châu Tân (huyện Bình Sơn), rừng dừa nước Tịnh Khê; hướng dẫn, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng Sung Tích (TP. Quảng Ngãi).

Quảng Ngãi: Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

Phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế

Tiếp tục phát huy giá trị văn hóa Sa Huỳnh gắn với phát triển du lịch; phát triển mô hình du lịch cộng đồng quanh đầm An Khê trên cơ sở các hạt nhân là sản phẩm OCOP 3 sao Công viên di sản làng Gò Cỏ, làng gốm, hợp tác xã du lịch cộng đồng Hoa Muối Sa Huỳnh (TX. Đức Phổ); mô hình du lịch cộng đồng làng quê Sơn Mỹ (TP. Quảng Ngãi); mô hình du lịch cộng đồng “Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn – Một ngày làm nông dân đất đảo” (Lý Sơn) thông qua các hoạt động quảng bá, giới thiệu điểm đến, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Quảng Ngãi tổ chức khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch dã ngoại (trekking), khám phá thiên nhiên, văn hóa cộng đồng tại các điểm có tiềm năng: Làng Ra Manh và hồ Đăk Đring (Sơn Tây), Long Môn – Thác Trắng (Minh Long), thác Cao Muôn (Ba Tơ). Tổ chức khảo sát tài nguyên du lịch ở các huyện, thị xã, thành phố để tư vấn, định hướng và hỗ trợ địa phương phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức Hội thảo chuyên đề về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tỉnh Quảng Ngãi năm 2024.

Mỹ Bình 

Tạp chí Làng nghề Việt Nam – langngheviet.com.vn