Quảng Ngãi: Bảo tồn và nâng cao giá trị nghề muối truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng

Dự án “Bảo tồn đồng muối truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ – Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP) tài trợ sẽ góp phần bảo tồn và nâng giá trị nghề muối truyền thống gắn phát triển du lịch, tạo sinh kế, giải quyết việc làm.

 

Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn vừa Phê duyệt Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật “Bảo tồn đồng muối truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ – Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP) tài trợ.

Theo đó, tổng mức đầu tư thực hiện dự án gần 2 tỷ đồng, được tài trợ từ Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc, Chương trình tài trợ các án nhỏ – Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP/GEF-SGP); Hội nông dân phường Phổ Thạnh được giao làm chủ dự án, thời gian thực hiện từ tháng 5/2024 – 10/2025.

Mục tiêu của dự án là bảo tồn đồng muối truyền thống, phát huy Văn hóa Sa Huỳnh và phát triển du lịch cộng đồng. Phát triển muối truyền thống Sa Huỳnh trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái ngập mặn. Diện tích sản xuất muối nền đất tăng lên. Giá thu mua muối nền đất so với muối nền bạt, tổng doanh thu của hộ diêm dân sản xuất muối nền đất (muối hột +hoa muối) cao hơn và ổn định.

Phát triển đồng muối Sa Huỳnh trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái ngập mặn. Xây dựng tổ sản xuất hoa muối giá trị cao. Trồng cây ngập mặn xung quanh đầm nước mặn và đồng muối Sa Huỳnh. Thành lập câu lạc bộ văn nghệ truyền thống Sa Huỳnh . Đăng kí chứng nhận OCOP 3-4 sao Du lịch muối Sa Huỳnh.

Xây dựng mô hình homestay lối sống sinh thái (homestay với lối sống sinh thái là thân thiện với môi trường, ở đó rác thải được phân loại, giảm thiểu và không dùng túi nylon, đồ nhựa dùng một lần; rộng hơn nữa là gắn liền với nông nghiệp thân thiện môi trường không dùng thuốc trừ sâu, không phân hóa học, bảo tồn biển, phục hồi rừng ngập mặn, đồi giữ nước… Trong vườn của homestay có thể nhìn được chim, bướm, côn trùng).

Ngoài ra, tạo một số điểm check in tham quan cho du khách, khách vãng lai đến du lịch Sa Huỳnh: Khảo sát các địa điểm đẹp, chọn một số địa điểm ấn tượng, mang nét độc đáo; chụp hình để quảng bá điểm đến check in; giới thiệu các điểm tham quan, di tích lịch sử, làng nghề trên bảng đồ du lịch Sa Huỳnh…

Theo các nhà sử học, nghề muối Sa Huỳnh được hình thành từ thế kỷ 19 và được tiếp nối qua các thế hệ, gìn giữ đến ngày nay, trở thành nghề truyền thống đặc trưng của cư dân Sa Huỳnh. Nghề muối Sa Huỳnh có từ lâu đời và hiện nay đã xây dựng được thương hiệu, có nguồn lao động dồi dào, diêm dân Sa Huỳnh cần cù, chịu khó. Hệ thống hạ tầng phục vụ đồng muối như đê biển, đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước… được đầu tư xây dựng cơ bản.

Đến cánh đồng muối Sa Huỳnh, ngoài chiêm ngưỡng cánh đồng muối trắng tinh đẹp như tranh vẽ, du khách còn được học tập, nghiên cứu về hệ sinh thái trên đồng muối và tác động của chúng tới môi trường, và kế sinh nhai của người dân địa phương. Du khách cũng được trải nghiệm làm muối hạt, hoa muối, ngắm bình minh và hoàng hôn trên đồng muối. Kết hợp du lịch đồng muối với một số địa điểm du lịch nổi tiếng xung quanh như: bãi biển Sa Huỳnh, nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh hay làng gốm cổ truyền, làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ…, tạo nên đến những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách.

Như Đồng

Báo Văn hóa Điện tử – baovanhoa.vn