Để mở rộng và phát triển, các chủ thể OCOP tại Quảng Nam đã tìm nhiều cách mở rộng thị trường, đối tượng khách hàng tiềm năng.
Xác định rõ nhu cầu
Là địa phương có thế mạnh về du lịch và các sản phẩm OCOP, các chủ thể, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã nghĩ đến việc sẽ kết nối với nhau nhằm đi chung đường phát triển. Tuy nhiên, để “bắt tay” được với du lịch, sản phẩm OCOP cần hiện diện nhiều hơn trên các “cung đường vàng” mà du lịch đi qua.
Ví dụ điển hình là TP Hội An, đây là thị trường tiêu thụ rất lớn bởi lượng khách du lịch đến đây hàng năm rất lớn. Vì vậy, địa phương này thể hiện mong muốn thúc đẩy sự gắn kết giữa hệ thống sản phẩm OCOP với thị trường du lịch thông qua các gian hàng, cơ sở hiện hữu.
Du khách mua sắm sản phẩm OCOP để trải nghiệm trong thời gian du lịch tại Quảng Nam.
Theo tìm hiểu, giai đoạn 2018 – 2022, TP Hội An có 18 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 – 4 sao. Dù vậy, trong số này chỉ có 1 sản phẩm ở nhóm dịch vụ – du lịch.
Nguyên nhân được chi ra là các sản phẩm OCOP và công nghiệp nông thôn tiêu biểu hiện đang có găp vấn đề về trùng lắp ý tưởng và sản phẩm. Chính vì lý do này đã dẫn đến hiện tượng cạnh tranh thương mại hóa khốc liệt.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, địa phương đang có một số vùng nguyên liệu, loài thực vật rất đặc hữu nhưng chưa khai thác hiệu quả giá trị, gắn với du lịch. Ông Hùng cho rằng nếu địa phương có một vùng nguyên liệu ổn định và cộng đồng cùng bắt tay tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị để hình thành các sản phẩm thì mới có chỗ đứng ở thị trường du lịch.
“Thời gian tới, Hội An sẽ tiếp tục tích cực làm kênh trung gian để sản phẩm OCOP tiếp cận thị trường du lịch. Tuy nhiên, các chủ thể sản xuất cũng cần nhìn lại những điều chưa ổn để điều chỉnh cho phù hợp với thị trường du lịch”, ông Nguyễn Thế Hùng nhìn nhận.
Để đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với du lịch, các đơn vị cần phát triển sản phẩm có chiều sâu và cung cấp số lượng ổn định cho thị trường.
Theo đánh giá của nhiều đơn vị, tiềm năng thị trường và yêu cầu phát triển của sản phẩm OCOP vẫn chưa được chú trọng trọng du lịch. Hiện nay, các đơn vị, chủ thể sản xuất OCOP trên địa bàn mới chỉ đang bước đầu tiếp cận thị trường này, rất cần doanh nghiệp du lịch hỗ trợ kết nối điểm trưng bày, hỗ trợ lựa chọn sản phẩm.
Ngoài ra, nhiều đơn vị cũng có ý kiến về việc doanh nghiệp du lịch chia sẻ về nhu cầu sản phẩm hoặc trực tiếp đặc hàng để sản xuất. Qua đó, cùng gắn kết để phát triển hệ thống sản phẩm của các loại hình.
Thêm sợi dây liên kết chính quyền – doanh nghiệp
Bà Pham Thị Duy Mỹ, Chủ cơ sở sản xuất Ngũ Cốc Duy Oanh (huyện Duy Xuyên) cho hay tại địa phương có nhiều lợi thế cho việc kết nối sản phẩm OCOP vào du lịch. Theo bà Mỹ, trên hành trình du khách đi từ các địa điểm khác đến với Khu đền tháp Mỹ Sơn nên có một điểm dừng chân để tham quan, trải nghiệm. Tại đây, các gian hàng kết nối sản phẩm OCOP sẽ được trưng bày để tiếp cận khách du lịch.
“Qua đó có thể gia tăng cơ hội để khách du lịch hiểu hơn về hệ thống sản phẩm địa phương. Từng bước, mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các sứ giả marketing miễn phí chính là khách du lịch. Trong việc này, địa phương và các chủ thể OCOP có thể phối hợp với nhau để cùng làm, cùng phát triển”, bà Mỹ nói.
Theo các đơn vị, với nhu cầu hiện tại khách du lịch rất chuộng hàng lưu niệm mang tính đặc thù địa phương, nhỏ gọn, giá cả phải chăng. Tuy nhiên, để tiếp cận thị trường này các chủ thể OCOP cần xác định thị trường mục tiêu của sản phẩm mình.
Nhiều doanh nghiệp du lịch cùng chung nhận định sản phẩm OCOP còn phải học hỏi rất nhiều chiến lược phát triển xây dựng thương hiệu. Trong đó, các chủ thể OCOP cần phải học hỏi rất nhiều chiến lược phát triển xây dựng thương hiệu. Cùng với đó, cần hoạch định sản phẩm đặc trưng theo vùng miền, có quỹ đất để duy trì vùng nguyên liệu ổn định và kiên trì theo đuổi ý tưởng thì mới có thể chinh phục được thị trường du lịch.
Với lợi thế về lượng khách du lịch, việc tìm đầu ra cho các sản phẩm OCOP tại Quảng Nam có nhiều thuận lợi, được nhiều đơn vị đặt kỳ vọng.
Bà Trịnh Diễm Vy, Giám đốc Công ty TNHH Tổ chức sự kiện Hội An cho rằng, không cần phải phát triển quá nhiều sản phẩm OCOP mà cần hoạch định sản phẩm đặc trưng theo vùng miền. Cùng với đó là có quỹ đất để duy trì vùng nguyên liệu ổn định và kiên trì theo đuổi ý tưởng thì mới có thể chinh phục được thị trường du lịch.
Theo ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam thì để OCOP tiếp cận được thị trường du lịch cần tìm giải pháp phân tích thúc đẩy thị trường, bởi từ đòn bẩy du lịch sản phẩm OCOP Quảng Nam hoàn toàn có thể lan tỏa ra thế giới. Ông Thanh cho rằng sản phẩm OCOP cần địa phương chuyển từ lượng sang chất, chất ở đây là giá trị văn hóa, giá trị nền tảng bản địa mà chúng ta đang có.
“Nhiều doanh nghiệp có thể rất muốn đưa sản phẩm OCOP vào khách sạn nhưng thực sự là đến giờ không có sự kết nối nào và chưa có điểm nhìn chung giữa các chủ thể. Vì vậy, sản phẩm OCOP cần phải phát triển đủ chiều sâu để một số doanh nghiệp du lịch có thể đứng ra bảo trợ”, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam nói.
Tuấn Vỹ
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp – diendandoanhnghiep.vn