Quảng Nam gắn kết sản phẩm OCOP với du lịch

Ngày càng có nhiều khu, điểm du lịch tại Quảng Nam bố trí các gian hàng bày bán sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề địa phương nhằm mang đến sự tiện lợi mua sắm cho du khách.

o3.jpg

Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại Mỹ Sơn phục vụ khách mua sắm khi tham quan khu di sản. Ảnh: V.L

Đưa vào khu, điểm đến

Cuối tháng 4/2023, Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn (Duy Xuyên) bố trí gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại khu vực đầu cầu Khe Thẻ phục vụ khách mua sắm khi tham quan Khu di tích Mỹ Sơn.

Với gần 200 sản phẩm các loại, chủ yếu hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc trưng địa phương…, gian hàng không chỉ là điểm tiêu thụ hàng hóa hiệu quả mà còn giúp quảng bá, giới thiệu nhiều sản phẩm bản địa đến du khách trong nước, quốc tế.

Bà Văn Thị Cẩm Tú – Phó Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, Khu di tích Mỹ Sơn hiện có 3 điểm chính bán hàng lưu niệm, hầu hết có trưng bày hàng OCOP và sản phẩm đặc trưng của các địa phương trên địa bàn tỉnh.

“Việc đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm nông thôn vào bày bán tại khu di tích không chỉ tạo nên sự đa dạng hàng hóa, vật phẩm lưu niệm mà còn tạo cơ hội thuận lợi để nhiều sản phẩm địa phương, đặc biệt sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng, nhất là khách du lịch” – bà Tú nói.

Quảng Nam hiện có 407 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP (61 sản phẩm đạt 4 sao, 346 sản phẩm đạt 3 sao) của 325 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (43 doanh nghiệp, 118 tổ hợp tác, HTX, 164 hộ sản xuất).

Đa số sản phẩm OCOP Quảng Nam được đánh giá tốt bởi đã được các cơ quan chức năng sàng lọc, đánh giá, kiểm nghiệm và công nhận chặt chẽ.

Đáng chú ý, sản phẩm OCOP Quảng Nam khá đa dạng chủng loại, nhóm ngành với 302 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 32 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống, dược liệu, 24 sản phẩm từ dược, 47 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 2 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng du lịch sinh thái và điểm du lịch. Hầu hết sản phẩm này đều có mẫu mã đẹp, phù hợp tâm lý, thị hiếu khách du lịch.

o5.jpg
Du khách nước ngoài tìm hiểu, mua sắm tại Trung tâm OCOP TP.Hội An. Ảnh: V.L

Mới đây, TP.Hội An tổ chức khai trương Trung tâm OCOP Hội An trong khu vực phố cổ với gần 100 nhóm sản phẩm, hàng lưu niệm, quà tặng (hơn một nghìn đơn vị mẫu mã các loại trong và ngoài tỉnh).

Riêng các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng trên địa bàn TP.Hội An như “bộ sưu tập” động vật được chế tác từ gỗ tái chế làng Củi Lũ Hội An, gốm tráng men Thanh Hà, chiếu cói Cẩm Kim, mây tre Cẩm Thanh, đầu lân, mặt nạ, giấy tái chế… đều được bày bán nơi này.

Bà Hồ Thị Bông – Giám đốc Trung tâm OCOP TP.Hội An cho biết, rất nhiều sản phẩm bày bán thuộc hàng thủ công mỹ nghệ được chế tác xinh xắn, độc đáo phù hợp tâm lý, thị hiếu khách du lịch.

“Đa số khách nước ngoài thường thích sản phẩm có bao bì chất liệu thân thiện môi trường, màu sắc nhẹ nhàng, kích thước nhỏ nhắn để dễ dàng mua sắm mang đi. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu sản phẩm nhập vào phải đáp ứng được yêu cầu này, đồng thời cũng phù hợp với xu hướng du lịch xanh, phát triển bền vững” – bà Bông nói.

Xuất khẩu tại chỗ

Tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua hoạt động du lịch được đánh giá là phương thức xuất khẩu hàng hóa tại chỗ hiệu quả nhằm đưa sản phẩm địa phương vươn ra thị trường quốc tế.

o2.jpg
Du khách nước ngoài rất thích thú và quan tâm đến các sản phẩm OCOP Quảng Nam. Ảnh: V.L

Bà Lưu Thị Thu – Giám đốc Công ty TNHH SXTM Quý Thu (Quế Sơn) chia sẻ, phần lớn sản phẩm của doanh nghiệp được tiêu thụ thông qua các hoạt động du lịch.

Đến nay, bánh dừa nướng Quý Thu đã có mặt tại kệ hàng nhiều trung tâm mua sắm, lưu niệm trong các khu điểm du lịch, nhất là các khu vực sân bay, bến tàu, hệ thống siêu thị Đà Nẵng, Quảng Nam…

Có thể nhận thấy, đưa sản phẩm OCOP vào thị trường du lịch là hướng đi cần thiết, vừa góp phần định vị điểm đến, gia tăng trải nghiệm cho du khách, vừa quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ, gia tăng giá trị cho sản phẩm OCOP, phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Đây cũng chính là xu hướng mà các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng Quảng Nam hướng đến.

Bà Nguyễn Thị Thu Tâm – hộ kinh doanh Đại Bình Xanh (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) cho rằng, việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ góp phần đưa sản phẩm đi xa.

Tuy nhiên, để sản phẩm ra thị trường du lịch ổn định, Nhà nước và các bên liên quan cần hỗ trợ bố trí không gian trưng bày sản phẩm OCOP tại các trung tâm du lịch như Đà Nẵng, Hội An…; kết hợp với các đơn vị lữ hành xây dựng chương trình đưa vào phục vụ du khách mua sắm.

Đặc biệt, tập trung quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP trên nền tảng số nhằm không chỉ kết nối người tiêu dùng thuận lợi, mà còn có thể kết nối với khách du lịch từ khắp nơi dễ dàng tìm hiểu, nắm bắt khi đến Quảng Nam.

Theo ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Giám đốc Đảo Ký ức Hội An, việc gắn kết sản phẩm OCOP với du lịch sẽ giúp mang lại lợi ích nhiều bên, giúp khu, điểm du lịch đa dạng hàng hóa, sản phẩm; chủ thể OCOP tiêu thụ sản phẩm thuận lợi và du khách cũng dễ dàng trong việc chọn mua sản phẩm địa phương mang về làm quà lưu niệm.

Tại Đảo Ký ức Hội An, từ năm 2022 đã bắt đầu nhập sản phẩm OCOP và các sản phẩm thủ công địa phương về bày bán, hiệu quả mang lại rất tích cực, đặc biệt là các sản phẩm đặc trưng Quảng Nam như trầm, tiêu, trà sâm Ngọc Linh, hàng thủ công mỹ nghệ…

Dù vậy, thực tế cho thấy, nếu chọn hướng tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, các chủ thể cần nắm bắt được tâm lý, thị hiếu khách hàng nhằm thay đổi mẫu mã, màu sắc bao bì theo hướng nhỏ ngọn, đơn giản, thân thiện môi trường gắn với giá thành sản phẩm tương đối nhằm đáp ứng nhu cầu mua làm quà tặng của khách du lịch.

Vĩnh Lộc

Báo Quảng Nam – baoquangnam.vn