Quảng Nam: Gắn kết bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch khi xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới (NTM) trên cơ sở bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cũng như gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch xanh... là mục tiêu mà các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hướng đến.


Phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM là điều Quảng Nam đang hiện thực hóa. Trong ảnh: Du khách tham quan Làng cổ Lộc Yên. Ảnh: Q.T

Tọa đàm “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội truyền thống gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam diễn ra hôm nay 06/10, thu hút gần 200 đại biểu tham dự. 

Môi trường văn hóa lành mạnh

Ông Đặng Văn Minh – Phó phòng VH-TT huyện Duy Xuyên cho biết, thời gian qua, địa phương đặt tiêu chí bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống gắn với xây dựng huyện NTM, hướng đến huyện NTM nâng cao. Duy Xuyên đã triển khai xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng các thuần phong mỹ tục mới để nâng cao đời sống văn hóa của người dân.

Quang cảnh buổi tọa đàm “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội truyền thống gắn với xây dựng NTM và phát triển du lịch”. Ảnh: X.H

“Công tác bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống trên địa bàn đã trở thành cuộc vận động xã hội rộng lớn. Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, các vùng quê của Duy Xuyên có cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở được đầu tư xây dựng đảm bảo các điều kiện sinh hoạt, hội họp, vui chơi giải trí của người dân” – ông Đặng Văn Minh nói. 

Đây cũng là diện mạo chung của các làng quê NTM ở xứ Quảng. Ông Tào Viết Hải – Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết, tại Quảng Nam, hơn 10 năm qua, hầu hết các địa phương đều thực hiện thành công tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM. Việc hoàn thiện, sử dụng, khai thác có hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở đã đảm bảo các điều kiện sinh hoạt văn hóa, hội họp, học tập suốt đời của người dân.

Bảo tồn bản sắc văn hóa cộng đồng để xây dựng NTM bền vững. Ảnh: X.H

Các địa phương cũng thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, xây dựng những chuẩn mực ứng xử trong gia đình, cộng đồng, xã hội, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang cũng như duy trì hoạt động thường xuyên các lễ hội truyền thống, góp phần phát triển du lịch cộng đồng.

Du lịch gắn với NTM

Ông Trần Hữu Phước – Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Tiên Phước cho biết, trong Đề án xây dựng huyện Tiên Phước đạt chuẩn huyện NTM giai đoạn 2023 –  2025, yêu cầu “phát huy tiềm năng, thế mạnh kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch nông thôn; xây dựng huyện trở thành huyện trọng điểm phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng”.

“Chúng tôi đã triển khai hàng loạt hoạt động nhằm phát triển sản phẩm du lịch làng cổ Lộc Yên. Công tác quảng bá được quan tâm như xây dựng website, tổ chức Hội làng Lộc Yên lần thứ 2 và duy trì tổ chức các hoạt động vào những ngày đầu tháng. Đồng thời, huy động sự tham gia cộng đồng dân cư làm du lịch ở địa phương, làm xanh, sạch môi trường, phát huy bản sắc, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Cùng với đó, việc đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP khơi dậy tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn vừa gắn với phát triển du lịch cộng đồng, điểm du lịch nông thôn để tăng thu nhập của người nông dân… góp phần phát triển kinh tế vùng nông thôn, xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững” – ông Trần Hữu Phước nói. 

Tôn tạo cảnh quan, giữ gìn không gian xanh ở làng quê để xây dựng NTM. Ảnh: X.H

Để phát triển du lịch cộng đồng hiệu quả, có tính đột phá nhằm góp phần đạt được mục tiêu về xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, đại diện Phòng Quản lý du lịch – Sở VHTTDL cho biết, Quảng Nam cần có định hướng, cơ chế chính sách phù hợp, trong đó phải sử dụng lồng ghép các nguồn lực, khai thác các chuỗi giá trị của khu vực nông thôn để xây dựng những sản phẩm du lịch có tính đặc trưng khác biệt, hấp dẫn du khách, hình thành các cơ sở kinh tế du lịch có sự tham gia của cộng đồng địa phương.

Đào tạo nhân lực làm du lịch chuyên nghiệp cũng như tăng cường quảng bá là điều cần thiết. Ảnh: X.H

Các đại biểu tham dự tọa đàm cho rằng, cần đặt yêu cầu xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch xanh nhằm khai thác, phát huy giá trị của lễ hội truyền thống, cảnh quan, bản sắc của làng quê. Ngoài ra, cần có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch ở nông thôn.

Cạnh đó, tọa đàm cũng đề xuất những mô hình, cách làm mới để việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội ngày càng hiệu quả và chất lượng hơn. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề ra giải pháp để nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao chất lượng các danh hiệu gia đình văn hóa, thôn văn hóa, tộc văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh; giải pháp phát huy giá trị văn hóa truyền thống để xây dựng NTM gắn với giữ gìn hồn cốt làng quê…

 Lê Quân
Báo Quảng Nam – baoquangnam.vn