Đây được xem là cơ hội để Điện Bàn giới thiệu sản phẩm du lịch nông thôn bền vững làng Cẩm Phú – Gò Nổi đến các tổ chức phi Chính phủ, các đối tác kinh doanh du lịch, công ty lữ hành… trong và ngoài nước. Qua đó, đẩy mạnh quảng bá, truyền thông, kết nối thị trường khách không chỉ tại làng Cẩm Phú mà rộng hơn là các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn thị xã thời gian tới.
Tài nguyên phong phú
Điểm đầu tiên đoàn ghé đến là khu tưởng niệm liệt sĩ Hải Đà trước khi đi bộ hơn 1km vào làng. Tại Khu sinh thái Bến Phẩm (Điện Phong), điểm nhấn nổi bật của du lịch nông thôn Gò Nổi, các đại biểu, khách mời đã được trải nghiệm các hoạt động văn hóa dân gian như nghe hô hát bài chòi, thưởng thức ẩm thực, tham quan mô hình tái sử dụng tuần hoàn rác thải Echo Hup – Gò Nổi và vườn ươm cây tại Bến Phẩm…
Bà Phạm Ánh Huyền – Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN-MT) chia sẻ, bà ấn tượng với không gian sinh thái làng quê, nhất là mục tiêu phát triển bền vững mà cộng đồng, chính quyền địa phương cam kết thực hiện.
Theo bà Phạm Ánh Huyền, những năm qua Bộ TN-MT cũng như các bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản, chính sách, đưa ra nhiều lộ trình giảm rác thải nhựa cũng như tăng giá trị, tái sử dụng rác thải nhựa kết quả mang lại khá tích cực.
Thời gian tới, Bộ TN-MT sẽ có những hợp tác với Quảng Nam tiếp tục phát triển các mô hình, đưa ra những chính sách ưu đãi với các mô hình tái sử dụng, tái chế rác thải nhằm thúc đẩy các mô hình phù hợp, nhất là tại các vùng quê như Cẩm Phú…
Chia sẻ sau chuyến trải nghiệm, hầu hết ý kiến đều nhìn nhận, vùng Gò Nổi, Điện Bàn sở hữu rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông thôn. Theo ông Nguyễn Đức Vinh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tư vấn và phát triển địa phương (Bộ KH-CN), khi nói đến du lịch cộng đồng có nghĩa bao hàm 2 yếu tố gồm du lịch và cộng đồng, và điều này thể hiện rất rõ tại làng Cẩm Phú với một cộng đồng rất mạnh và văn hóa đa dạng, phong phú. Đây đây cũng chính là yếu tố cái lõi để phát triển du lịch.
“Có 6 loại tài nguyên bản địa để phát triển du lịch cộng đồng, bên cạnh lấy văn hóa làm lõi, còn có thể kể đến tài nguyên thiên nhiên. Hiện nay, địa phương đã sẵn có tài nguyên thiên nhiên rồi, bây giờ chỉ cần khai thác hợp lý, gắn với bảo vệ môi trường. Dù vậy, quan trọng nhất vẫn là văn hóa truyền thống, chúng ta cố gắng khôi phục những nét văn hóa đẹp của địa phương.
Nếu Cẩm Phú có thể khôi phục lại một phiên chợ ngày xưa làm điểm nhấn hoặc có thể tổ chức chợ phiên để du khách trải nghiệm thì quá tốt. Dựa trên các nền tảng này sẽ xây dựng nên những sản phẩm đặc thù phục vụ du lịch cộng đồng” – ông Vinh đặt vấn đề.
Phát triển theo hướng xanh
Làng Cẩm Phú nằm ven sông Thu Bồn, mang đậm nét đặc trưng của vùng đất Gò Nổi. Trong định hướng phát triển du lịch Điện Bàn, nơi đây được phát triển theo hướng xanh, bền vững gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, du lịch dựa trên nền tảng nông nghiệp, nông thôn.
Tháng 3/2022, Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú được UBND tỉnh công nhận điểm du lịch của tỉnh.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, những năm qua, địa phương đã dành nhiều quan tâm phát triển du lịch có trọng điểm, đặc biệt theo hướng xanh. Trong đó, làng Cẩm Phú được chọn là mô hình thí điểm để phát triển du lịch dựa vào cộng đồng của vùng Gò Nổi – Điện Bàn.
“Trải qua bao thế hệ, cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây dường như không bị biến đổi nhiều, vẫn gắn với những rặng tre xanh mát; là bến đò chở người trồng rau trên bãi bồi, những bàu nước tự nhiên, trù phú; là những di tích còn lưu dấu như đình làng Cẩm Lậu, miếu thờ Thần Nông, khu sinh thái Bàu Lỡ, bến đò Bến Phẩm, bãi bồi Gò Đình, chợ Phú Bông… cùng các nghề truyền thống đan mây tre, đan tranh, chạm khắc gỗ nghệ thuật Âu Lạc…” – bà Châu nói.
Làng Cẩm Phú sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau nhằm tiếp tục khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên; bảo vệ cảnh quan, môi trường để phát triển du lịch. Chú trọng khai thác đi đôi với bảo tồn, giữ gìn và xây dựng kế hoạch phát triển các dịch vụ du lịch phù hợp với tiêu chí du lịch xanh, tạo sự khác biệt, lôi cuốn du khách trong nước và quốc tế”
Bà Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn
Đến nay, sau hơn 2 năm được công nhận điểm du lịch của tỉnh, Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú đã đón nhiều đoàn khách quốc tế đến trải nghiệm. Đặc biệt, năm 2024, đối tác World Challenge quốc tế đã bình chọn hoạt động của Green Youth Collective ở Cẩm Phú là một trong 8 dự án trên toàn thế giới được nhận giải thưởng về Tác động tích cực đối với cộng đồng địa phương và với du khách của World Challenge.
Vĩnh Lộc
Báo Quảng Nam – baoquangnam.vn