Để chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất, các chủ thể OCOP ở Đại Lộc (Quảng Nam) đã tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, góp phần mở ra nhiều cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất để phát triển kinh tế nông nghiệp – nông thôn theo hướng bền vững.
HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa xây dựng vùng nguyên liệu rộng lớn để sản xuất bánh tráng Đại Lộc và gạo an toàn Ái Nghĩa. Ảnh: L.Q
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ái Nghĩa (Đại Lộc) có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP gồm Bánh tráng Đại Lộc (4 sao) và Gạo an toàn Ái Nghĩa (3 sao). Để có nguồn nguyên liệu cho sản xuất, HTX đã chủ động sản xuất và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với 165ha lúa lai F1, 30ha gạo an toàn Ái Nghĩa, 34ha lúa thuần, 77ha lúa thương phẩm sản xuất manh mún. Hằng năm dự trữ từ 300-500 tấn lúa phục vụ cho chế biến gạo và bánh tráng.
Ông Trương Cảm – Giám đốc HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa cho biết, khi sản phẩm Bánh tráng Đại Lộc và Gạo an toàn Ái Nghĩa được công nhận OCOP, sản phẩm được thị trường đón nhận, nhu cầu càng nhiều hơn, do vậy, huyện đã quy hoạch cho hợp tác xã xây dựng vùng nguyên liệu để phục vụ chế biến, sản xuất.
HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa liên kết với nông dân địa phương trồng vùng nguyên liệu. Ảnh: L.Q
HTX chủ động liên kết với nông dân địa phương để sản xuất giống lúa theo quy trình sản xuất riêng, tuân thủ các quy định nghiêm ngặt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. HTX cung cấp giống, vật tư đầu vào để bà con sản xuất và thu mua toàn bộ loại lúa này để sản xuất bánh tráng và gạo an toàn. Nhờ đó, nguồn nguyên liệu đầu vào được kiểm soát, góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương.
“HTX tích cực tuyên truyền các tổ chức và cá nhân tích tụ ruộng đất để liên kết sản xuất cùng HTX, xây dựng phương án tích tụ ruộng đất để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng tốt thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao đời sống cho nông dân” – ông Cảm nói.
Đối với HTX Phát triển sản phẩm nông nghiệp Hồng Vân (xã Đại Hiệp, Đại Lộc) có sản phẩm Nước cốt chanh Hồng Vân đạt 4 sao OCOP năm 2022 hiện cũng đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu tại địa phương.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân – Giám đốc HTX cho biết, từ khi còn là hộ kinh doanh, bà đã chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu để phát triển sản phẩm. Ban đầu, bà thu mua chanh, bưởi từ các hộ dân, sau khi sản phẩm phát triển mạnh, nhu cầu nguyên liệu nhiều hơn, bà Vân liên kết với các hộ dân để trồng chanh, quật theo phương pháp hữu cơ, không dùng thuộc bảo vệ thực vật hay thuốc tăng trưởng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân và các sản phẩm từ quả chanh, quật, bưởi trồng tại địa phương. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
“Việc đặt trồng các loại chanh, quật được bà con địa phương rất ủng hộ vì trước đây chỉ bán lẻ, giá cả bấp bênh, giờ được thu mua ổn định nên an tâm trồng, chăm sóc và cung cấp nguyên liệu cho HTX” – bà Vân nói.
Bà Vân cho biết, HTX đang nghiên cứu phát triển thêm nhiều sản phẩm mới từ quả chanh, bưởi, quật theo hướng tuần hoàn để nâng cao giá trị các loại quả này, mang lại sức khỏe tốt hơn cho người dùng, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, tạo việc làm nhiều hơn cho bà con nông dân địa phương.
Bà Hồng Vân đã liên kết với HTX nông dược hữu cơ Đại Hồng trồng vùng nguyên liệu hữu cơ chanh, tắc, bưởi. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
“HTX đang mở rộng vùng nguyên liệu gần 8ha, dự án đang trong giai đoạn trồng thử nghiệm. Chúng tôi mong muốn, HTX ngày càng phát triển, liên kết được các hộ dân hình thành được vùng nguyên liệu khép kín, ổn định, từ đó cũng giúp bà con nâng cao quy trình kỹ thuật, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất” – bà Vân nói.
Theo Phòng NN&PTNT Đại Lộc, từ năm 2018 – 2023, Đại Lộc có 30 sản phẩm được đánh giá đạt từ 3 sao OCOP trở lên, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao. Chương trình OCOP đã giúp một số chủ thể có điều kiện đầu tư phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng và hoàn thiện sản phẩm theo đúng quy định.
Ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, điểm nổi bật của sản phẩm OCOP ở huyện Đại Lộc là các sản phẩm từ sản xuất thuần túy nay đã có những thay đổi rõ nét với quy trình sản xuất hiện đại, chuyên sâu, chất lượng ngày được nâng cao, bao bì, nhãn mác bắt mắt, được thị trường đón nhận.
Tại Đại Lộc, nhiều sản phẩm OCOP đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng như bánh tráng Đại Lộc, gạo an toàn Ái Nghĩa, nước cốt chanh Hồng Vân, dầu phộng Đại Hồng, Đại Thắng… Các địa phương thực hiện tích tụ ruộng đất tạo vùng nguyên liệu để chế biến sâu các sản phẩm. Nguồn nguyên liệu ổn định, sản phẩm nâng cao chất lượng, chủ thể tích cực tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, trưng bày giới thiệu sản phẩm giúp đưa sản phẩm đặc trưng của địa phương vươn xa.
“Từ các loại nông sản thuần túy, nông dân thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, nhờ đó, kinh tế nông nghiệp tại địa phương có nhiều khởi sắc – ông Mẫn nói.
Ông Mẫn cho biết thêm, trong năm 2024, Đại Lộc tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm với quyết tâm sản phẩm phải đưa ra thị trường.
“Địa phương xác định phát triển sản phẩm OCOP theo hướng nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị. Tập trung củng cố, phát triển các sản phẩm đã có, phát triển mới các sản phẩm có thế mạnh và tập trung vào chế biến, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu” – ông Mẫn cho biết.
Mỹ Linh – Hồ Quân
Báo Quảng Nam Online – baoquangnam.vn