Tại hội nghị, lãnh đạo ngành liên quan, chính quyền các địa phương và một số chủ thể trên địa bàn tỉnh nhìn nhận, mặc dù đối diện với rất nhiều khó khăn nhưng từ năm 2018 đến nay Quảng Nam đã triển khai khá thành công chương trình OCOP. Hiện nay, tỉnh nằm trong tốp đầu về thực hiện chương trình trên phạm vi cả nước và đứng đầu khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Thực tế gần 6 năm qua cho thấy, chương trình OCOP đã tạo động lực rất lớn trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển mạnh kinh tế nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững.
Quang cảnh hội nghị đánh giá tình hình thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP giai đoạn 2018 – 2023. Ảnh: Sự – Vinh
Nỗ lực triển khai nhiều phần việc
Báo cáo tại hội nghị, đại diện Sở NN&PTNT cho hay, để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP, gần 6 năm qua ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm.
Theo đó, hàng năm Sở NN&PTNT ban hành và tham mưu UBND tỉnh ban hành một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình, đăng ký sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng. Tham mưu các nội dung công việc liên quan đến đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP.
Không gian triển lãm trưng bày thành tựu sản phẩm OCOP năm 2023. Ảnh: Sự – Vinh
Tổ chức tổ công tác liên ngành gồm đại diện Sở Công thương, Sở Khoa học – công nghệ, Sở Y tế, Chi cục Bảo vệ môi trường, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Phát triển nông thôn, Phòng Quản lý chất lượng nông – lâm – thủy sản trực thuộc Sở NN&PTNT đi cơ sở để hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các địa phương và các chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia chương trình; nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm và hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm…
Nhiều chủ thể OCOP đã đầu tư máy móc hiện đại, tìm hướng đi xuất khẩu cho sản phẩm. Ảnh: Sự – Vinh
Giai đoạn 2018 – 2023, Sở NN&PTNT cùng các đơn vị liên quan tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho cán bộ OCOP cấp tỉnh, cấp huyện và các chủ thể OCOP với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, đáng chú ý là việc triển khai phương án kinh doanh, dự án sản xuất – kinh doanh, phát triển sản phẩm; đánh giá, phân hạng sản phẩm; các quy định của nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất đối với sản phẩm là mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.
Cạnh đó, đăng ký và xây dựng thương hiệu; ghi nhãn mác hàng hóa; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; quản lý chất lượng sản phẩm; bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất…
Thành quả lớn
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam bên lề hội nghị, ông Trần Văn Noa – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, từ năm 2018 – 2023 ngân sách tỉnh đã chi hơn 63,7 tỷ đồng thực hiện chương trình OCOP. Phần lớn nguồn kinh phí vừa nêu ưu tiên hỗ trợ các chủ thể để có điều kiện đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất. Cạnh đó, thiết lập bao bì – mẫu mã, tem truy xuất nguồn gốc, kiểm định chất lượng sản phẩm.
Đáng ghi nhận là những năm qua các cấp, các ngành của tỉnh cũng tích cực hỗ trợ các chủ thể đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, kết nối đối tác và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ông Trần Văn Noa thông tin thêm, tính đến ngày 22/12/2023 toàn tỉnh có tổng cộng 395 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, gồm 334 sản phẩm hạng 3 sao và 61 sản phẩm hạng 4 sao. Trong số sản phẩm đạt chuẩn OCOP nêu trên, có 293 sản phẩm thực phẩm, 32 sản phẩm đồ uống, 23 sản phẩm dược liệu, 45 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 2 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. |
Những sản phẩm sau khi được công nhận OCOP có thể phát triển, mở rộng thị trường. Ảnh: Sự – Vinh
“Những địa phương đứng đầu về số lượng sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn 3 – 4 sao qua gần 6 năm thực hiện chương trình là Tiên Phước, Tam Kỳ, Thăng Bình, Đại Lộc” – ông Noa nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm qua chương trình OCOP đã thu hút 314 chủ thể là các tổ chức kinh tế khác nhau tham gia. Trong đó, hộ kinh doanh có số lượng lớn với 157 hộ (chiếm 50%), 107 hợp tác xã (chiếm 34,1%), 50 doanh nghiệp và tổ hợp tác (chiếm 15,9%).
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, gần 6 năm qua chương trình OCOP đã tạo động lực, sức sáng tạo, giúp người sản xuất đổi mới tư duy trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn. Nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, sản xuất theo đúng các quy định của nhà nước. Từ đó, các sản phẩm tham gia chương trình này khi được công nhận đạt chuẩn các hạng sao không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn thu hút người tiêu dùng cả nước; nhiều sản phẩm được phân phối rộng rãi ở các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch… giúp kinh tế nông thôn từng bước phát triển.
Theo ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, từ việc đẩy mạnh triển khai chương trình OCOP, các sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương đã dần được khẳng định thương hiệu, nâng cao chất lượng và được nhiều người biết đến, hướng đến xuất khẩu.
Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Sự – Vinh
Ông Tấn cho rằng, qua việc tham gia chương trình OCOP, nhiều chủ thể đã dần thay đổi nhận thức và quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc đầu tư mua sắm máy móc, kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng hồ sơ tự công bố, xây dựng kế hoạch kiểm soát chất lượng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Cạnh đó, bao bì sản phẩm được nâng cấp, cải tiến theo hướng đúng quy định, đẹp hơn, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
“Có thể nói, chương trình OCOP đã giúp nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, đa dạng hơn các loại hàng hóa nông sản, dịch vụ ở nông thôn. Đáng chú ý, đã xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào sản xuất như VietGap, GlobalGAP, GMP, ISO, HACCP. Phát triển chương trình OCOP đã góp phần thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa, góp phần to lớn vào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…” – ông Tấn nhìn nhận.
Văn Sự – Phan Vinh