Hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn
Quảng Nam có 10 nghề truyền thống, 30 làng nghề và làng nghề truyền thống. Trong số các làng nghề được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận, có 11 làng nghề thuộc nhóm ngành chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; bốn làng nghề thuộc nhóm ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 15 làng nghề thuộc nhóm ngành sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Viết Tích, việc công nhận nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống đã góp phần khôi phục, bảo tồn, phát triển được nhiều nghề truyền thống, phát triển các nghề mới.
Việc công nhận nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống đã góp phần khôi phục, bảo tồn, phát triển được nhiều nghề truyền thống, phát triển các nghề mới.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Viết Tích
Thực tế cho thấy, khi các làng nghề được khôi phục, phát triển không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn giữ vai trò quan trọng trong bảo tồn gìn giữ không gian, cảnh quan làng nghề, nét đẹp văn hóa truyền thống và có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch xanh.
Những năm qua, các sở, ngành của tỉnh đã tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách có nội dung liên quan hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia các hoạt động ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ, đặc biệt trong năm 2022, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 38/2022/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025.
Theo đó, tỉnh hỗ trợ xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý môi trường tại cơ sở ngành nghề nông thôn, mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 240 triệu đồng/cơ sở ngành nghề nông thôn; hỗ trợ lãi suất vốn vay để mua nguyên vật liệu; đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ, với mức hỗ trợ tối đa 50% lãi suất cho các khoản vay trong thời hạn hai năm đầu, song không quá 400 triệu đồng/cơ sở ngành nghề nông thôn.
Đồng thời, tỉnh cũng hỗ trợ mở lớp truyền nghề, với mức hỗ trợ bằng 100% định mức chi phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp dưới ba tháng theo quy định hiện hành và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú đang hoạt động ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống với mức hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế theo quy định, với thời gian hỗ trợ tối đa 3 năm, kể từ ngày thụ hưởng chính sách.
Tổng số tiền dành cho công tác hỗ trợ này gần 80 tỷ đồng; trong đó, vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh hơn 36,8 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện 11,9 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình, đề án, dự án khác; vốn huy động từ các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề và các nguồn vốn hợp pháp khác hơn 28,559 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống tỉnh Quảng Nam còn rất nhiều khó khăn, hạn chế. Sản xuất ngành nghề, làng nghề nông thôn manh mún, nhỏ lẻ, thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu, thủ công; một số nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm, không ổn định, giá thành cao; mặt bằng sản xuất tại nhiều làng nghề quá chật hẹp, không có khả năng mở rộng, hoạt động sản xuất chủ yếu trong khuôn viên của hộ gia đình, xen lẫn trong khu dân cư; một số cơ sở thiếu vốn sản xuất nhưng việc tiếp cận vốn vay còn hạn chế, lãi suất vốn vay còn cao…
Phần lớn lao động tại các làng nghề đều ở tuổi trung niên, lớn tuổi, già yếu, mất sức lao động; tư duy sản xuất tiểu nông, sản xuất theo kiểu lấy công làm lời, tâm lý ngại thay đổi; sản phẩm làng nghề tương tự nhau, mẫu mã kiểu dáng còn đơn điệu, giá bán sản phẩm còn cao…
Bên cạnh đó, nhu cầu của người tiêu dùng đã có sự thay đổi, chuyển sang dùng những sản phẩm tiện lợi hơn. Do vậy, sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn… Qua khảo sát mới đây, trong 30 làng nghề, làng nghề truyền thống được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận, có 16 làng nghề hoạt động duy trì ở mức độ ổn định, 14 làng nghề hoạt động sản xuất cầm chừng, không duy trì thường xuyên, một số làng nghề đứng trước nguy cơ mai một.
Bảo tồn và phát triển làng nghề trong thời kỳ hội nhập
Để vực dậy các làng nghề, cùng với triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 38/2022/NQ-HĐND, Quảng Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Mới đây, tỉnh tổ chức Festival Nghề truyền thống-Quảng Nam 2024 thu hút các thế hệ nghệ nhân, các nhà nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tham gia.
Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức tọa đàm “Những giải pháp bảo tồn, phát triển nghề truyền thống trong thời kỳ hội nhập” nhằm tìm hiểu, học hỏi thêm kinh nghiệm trong phát triển nghề truyền thống ở các tỉnh bạn; đồng thời nghe các hiệp hội, chủ cơ sở ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh phản ánh những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, có giải pháp chỉ đạo kịp thời nhằm bảo tồn, phát triển nghề truyền thống tỉnh Quảng Nam trong thời kỳ hội nhập.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng, cùng với việc tập trung đầu tư phát triển du lịch Khu phố cổ Hội An, Cù Lao Chàm, Mỹ Sơn, du lịch biển đảo, Quảng Nam chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch tại các làng nghề, làng nghề thủ công truyền thống.
Cùng với việc tập trung đầu tư phát triển du lịch Khu phố cổ Hội An, Cù Lao Chàm, Mỹ Sơn, du lịch biển đảo, Quảng Nam chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch tại các làng nghề, làng nghề thủ công truyền thống.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng
Du lịch cộng đồng gắn với các làng nghề tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua là một trong những sản phẩm thu hút khách du lịch của tỉnh. Một số mô hình du lịch cộng đồng gắn với làng nghề hiệu quả như: Làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng thành phố Hội An; làng trồng cây ăn quả Đại Bình (huyện Nông Sơn), làng chiếu chẻ Triêm Tây (thị xã Điện Bàn), các làng nghề dệt thổ cẩm như: Làng Zara tại xã Tà bhing (huyện Nam Giang), tại thôn Đhrôồng, thôn Bhơ Hôồng (huyện Đông Giang), tại thôn Pơr’ning, xã Lăng (huyện Tây Giang).
Đáng nói là các sản phẩm làng nghề truyền thống đồng thời trở thành sản phẩm thu hút thêm chi tiêu của du khách tại các điểm du lịch cộng đồng. Chẳng hạn như sản phẩm nước mắm của làng nghề nước mắm Tam Ấp, xã Tam Thanh (thành phố Tam Kỳ), làng Cửa Khe, xã Bình Dương (huyện Thăng Bình), làng nghề chế biến nước mắm Tam Tiến, xã Tam Tiến (huyện Núi Thành), nghề đan võng từ vỏ cây ngô đồng ở đảo Cù Lao Chàm (thành phố Hội An). Ngoài ra, các điểm du lịch là nơi trưng bày, tái hiện lại các nghề thủ công truyền thống như:
Gỗ nghệ thuật Âu Lạc tại làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú và Làng lụa Hội An với nghề dâu tằm cũng rất thu hút khách du lịch. Ước tính, trong tổng số lượt du khách đến Quảng Nam, có 15% số du khách có tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề.
Để khắc phục những khó khăn trong phát triển du lịch cộng đồng gắn với làng nghề, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị các cơ quan liên quan của tỉnh và các địa phương cần tập trung thu hút khách du lịch đến những làng nghề du lịch đang được quản lý khai thác, chú trọng công tác bảo vệ môi trường và tinh hoa của làng nghề. Quan tâm công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa cũng như khôi phục và phát triển các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống trong khu vực làng nghề nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa của làng nghề, tạo sức hút với du khách.
Chú trọng xây dựng môi trường du lịch văn hóa tại làng nghề; tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn tại làng nghề nhằm trang bị cho cán bộ địa phương và nhân dân làng nghề những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong hoạt động du lịch. Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng nguồn kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch làng nghề, hỗ trợ kinh phí để các làng nghề tham gia liên hoan làng nghề, festival làng nghề, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế; tiếp tục tổ chức lễ hội, sự kiện làng nghề lớn của tỉnh để thu hút khách du lịch.
Bài và ảnh: Tấn Nguyên
Báo Nhân Dân – nhandan.vn