Phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch đang là hướng đi mới được tỉnh tập trung nguồn lực thực hiện và bước đầu đã mang lại kết quả khả quan. Qua đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế, khơi dậy các tiềm năng về đất đai, sản vật, giá trị ẩm thực văn hóa vùng miền và mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối, giao thương cho sản phẩm OCOP Quảng Bình.
Tại Hợp tác xã (HTX) Sản xuất cây dược liệu sạch và Kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm (HTX Cự Nẫm, Bố Trạch). Nổi tiếng là cơ sở có nhiều sản phẩm được chế biến từ cây dược liệu tốt cho sức khỏe, những năm qua, HTX Cự Nẫm không ngừng nghiên cứu nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã và đa dạng sản phẩm. Hiện HTX có các sản phẩm, như: Cao lá vằng, trà túi lọc cà gai leo, lá xông…, trong đó, có 2 sản phẩm OCOP cấp tỉnh là cao cà gai leo Thanh Bình (3 sao) và cao thìa canh Thanh Bình (4 sao). Theo bà Nguyễn Thị Giang, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Cự Nẫm, cuối năm 2021, Sở Du lịch đã hỗ trợ xây dựng điểm tham quan du lịch HTX Cự Nẫm. Từ đây, HTX chúng tôi đã đón rất nhiều đoàn khách du lịch đến tham quan, mua sắm. Bên cạnh đó, HTX cũng triển khai hiệu quả việc kết nối, đưa sản phẩm OCOP vào các cửa hàng đặc sản, điểm du lịch. Nhờ vậy, sản phẩm bán qua kênh du lịch chiếm trên 40% tổng doanh thu mỗi năm của HTX
Đến với huyện Lệ Thủy được ví như” Đà Lạt thu nhỏ”thăm HTX Tổng hợp nông trại An Mã với rừng thông xanh thơ mộng, dưới tán cây là sim và các loài hoa nhiều màu sắc rực rỡ. Bà Hoàng Thị Thủy, Giám đốc HTX An Mã cho hay: HTX chúng tôi sản xuất hai sản phẩm chủ yếu là rượu sim (OCOP 3 sao cấp huyện, đang xét OCOP cấp tỉnh) và ống hút tre (OCOP 3 sao cấp tỉnh). Bên cạnh đó, chúng tôi còn xây dựng một AnMã Farm với nhiều điểm check-in ở rừng thông, các vườn hoa, thưởng thức món ăn địa phương, cắm trại… cho du khách. Với lợi thế từ việc đón khách tham quan tại An Mã Farm, chúng tôi đã kết hợp giới thiệu sản phẩm OCOP của HTX, hiệu quả thấy rõ khi đa phần những khách đến đây đều chọn mua một số sản phẩm về dùng hoặc làm quà.
Cùng với cao thìa canh, cao cà gai leo Thanh Bình, ống hút tre An Mã, nhiều sản phẩm OCOP, như: Khoai deo Linh Huệ, nấm Tuấn Linh, nước mắm Ngọc Biển, tinh bột nghệ đỏ Vân Di… đang trở thành những sản phẩm đặc sản, quà tặng được nhiều du khách yêu thích lựa chọn khi đến với Quảng Bình.
Ông Mai Xuân Hạp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc gắn kết sản phẩm OCOP với du lịch là hướng đi cần thiết và quan trọng, ngày càng được khuyến khích nhằm tạo ra không gian phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hoá, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương.
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, trong quá trình xây dựng và triển khai chương trình OCOP, Sở NN-PTNT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các chủ thể kinh tế đầu tư phát triển sản phẩm OCOP gắn liền với xây dựng, khai thác các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Đây là hướng đi nhằm tạo ra không gian phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn, để thu nhập của người nông dân không chỉ trông vào sản phẩm nông nghiệp mà còn từ đa dạng các ngành nghề dịch vụ.
Nhờ đạt sản phẩm OCOP, liên kết cùng hoạt động du lịch, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được thương hiệu sản phẩm, nâng cao sản lượng tiêu thụ, doanh thu, mở rộng quy mô sản xuất. Bà Trương Thị Minh Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Linh Huệ (TP. Đồng Hới) chia sẻ: Sản phẩm khoai deo Linh Huệ của chúng tôi đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh từ năm 2019. Nhờ đó, sản phẩm đã được người tiêu dùng khắp nơi biết đến và tin tưởng trong việc lựa chọn sử dụng. Cũng vì thế, quy mô sản xuất và sản lượng tiêu thụ của công ty ngày càng tăng. Thị trường hiện nay của công ty là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung, sản lượng tiêu thụ đạt 35-40 tấn/năm, trong đó bán qua kênh du lịch chiếm đến 60%.
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm OCOP; chú trọng đánh giá, phân hạng sản phẩm trước và sau khi được công nhận nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể đối với người tiêu dùng. Cần có thêm nhiều quy định chặt chẽ, chế tài về trách nhiệm của cơ sở kinh doanh du lịch, các điểm đến nếu để xảy ra tình trạng sản phẩm OCOP giả mạo, kém chất lượng; sử dụng rộng rãi công nghệ số, mã vạch giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP phải được chuẩn hoá và phát triển theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hoá của từng địa phương và yêu cầu thị trường; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, xây dựng các “điểm đến” về sản phẩm OCOP gắn với hoạt động du lịch, văn hoá. Phấn đấu đến năm 2025 tổ chức đánh giá, phân hạng thêm 65-70 sản phẩm, trong đó phấn đấu có 1-3 sản phẩm đạt 5 sao, 3-5 sản phẩm 4 sao, 45-50 sản phẩm 3 sao; toàn tỉnh có 1 điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP cấp tỉnh; mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1 điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP cấp huyện… Để đạt được những mục tiêu nêu trên, ngành Nông nghiệp của tỉnh và các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu. Trong đó, chú trọng tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng trên địa bàn tỉnh; tập trung phát triển đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hoá, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị., Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Mai Xuân Hạp cho biết thêm.
* Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương
Bảo Đan
Báo Văn hóa điện tử – baovanhoa.vn