Phú Yên: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn

Thời gian qua, việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) góp phần thổi làn gió mới vào phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Những kết quả bước đầu tạo tiền đề cơ bản để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chương trình này theo hướng gắn phát triển sản phẩm OCOP với khai thác du lịch nông thôn.

Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của HTX Nông nghiệp và dịch vụ BB Fram (huyện Sơn Hòa) với nhiều sản phẩm đạt OCOP 3 sao, có nhiều triển vọng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Ngọc Hân

Gắn OCOP với du lịch

Theo Sở NN&PTNT, đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh, gắn với phát triển du lịch nông thôn, sản phẩm OCOP và các giá trị tài nguyên văn hóa bản địa, thế mạnh của từng địa phương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Do vậy, Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng NTM đang được các địa phương triển khai, nhân rộng.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cho biết: “Tại Phú Yên, Chương trình OCOP được thực hiện tương đối đồng bộ và toàn tỉnh hiện có 118 sản phẩm OCOP được công nhận. Sản phẩm OCOP bước đầu khai thác được tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương, đặc biệt là dịch vụ du lịch. Các địa phương đã thấy được lợi thế, cơ hội để phát huy và khai thác giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển dịch vụ du lịch nông thôn”.

Thời gian gần đây, tại HTX Nông nghiệp công nghệ cao Dũng Lỗ Chài ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Đến đây, du khách sẽ được tham quan vườn cây ăn trái trồng theo hướng hữu cơ, cũng là những sản phẩm OCOP của tỉnh. Ông Ngô Quốc Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Dũng Lỗ Chài, cho hay: “Hiện nay, HTX mở rộng các khu tham quan về nông nghiệp trải nghiệm (trồng rau, thu hoạch trái cây…) dành cho học sinh các trường mầm non, trung tâm kỹ năng. Đây là định hướng phát triển lâu dài nên HTX tiếp tục đăng ký tham gia Chương trình OCOP với mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm vườn cây ăn trái”.

Ông Phạm Thọ Trường, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ BB Fram ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa) cho biết: Sau một thời gian nỗ lực, 3 sản phẩm của HTX đã được UBND tỉnh công nhận OCOP 3 sao. Hiện nay, HTX đang phát triển các loại hình nông nghiệp công nghệ cao trồng các loại rau và trái cây như: dâu tây, cà chua cherry, ớt chuông, rau má, xà lách… để phục vụ khách đến tham quan. HTX còn tổ chức các chương trình đốt lửa trại, biểu diễn các vũ điệu cồng chiêng… thể hiện bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở cao nguyên Vân Hòa. Những hoạt động này thu hút rất đông khách tham quan đến từ các tỉnh lân cận như Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk.

Khảo sát thực tế vườn đỏ ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa), một trong những điểm có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Ngọc Hân

Đánh thức tiềm năng du lịch

Qua khảo sát thực tế tại một số địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh mới đây, ông Phạm Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế du lịch nông nghiệp, đánh giá: Phú Yên có nhiều sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng của từng địa phương. Trong tương lai, nếu gắn kết được hoạt động sản xuất các sản phẩm OCOP này với hoạt động du lịch như kết nối với các tuyến, tour du lịch hiện có trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần nâng cao giá trị cho các sản phẩm.

“Khi làm những mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, cần xác định du lịch cộng đồng chỉ là sinh kế cộng thêm. Sản phẩm du lịch không được phá vỡ đi những giá trị, không gian chung của cộng đồng. Người nông dân vẫn phải sống trên những giá trị có sẵn. Vì vậy, mỗi cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch cần phải có sự liên kết để tạo ra những sản phẩm đặc trưng riêng nhưng vẫn dựa trên những lợi ích chung của cộng đồng, tránh sự trùng lắp. Để làm được điều này, các chủ thể tham gia cần có sự hướng dẫn để thay đổi tư duy trong làm du lịch”, ông Tùng nhấn mạnh.

Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay: “Thực hiện Quyết định 922 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình này. Theo kế hoạch, toàn tỉnh sẽ có 41 mô hình đăng ký tham gia với mục tiêu chung là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa truyền thống, cảnh quan và môi trường sinh thái của các địa phương, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc riêng của tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững”.

Theo bà Thủy, để đánh thức tiềm năng phát triển điểm du lịch, sản phẩm du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM, Sở NN&PTNT đã và đang tiếp tục tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, số liệu về tài nguyên, thị trường du lịch nông thôn trong tỉnh để phân tích, đánh giá thực trạng và tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn của các địa phương. Đồng thời tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo về nghiệp vụ, kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, kiến thức làm du lịch cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Theo UBND tỉnh, phấn đấu đến năm 2025, mỗi địa phương cấp huyện có tối thiểu 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh; 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; mỗi huyện NTM xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù…

Ngọc Hân

Báo Phú Yên – baophuyen.vn