Phú Yên: Nỗ lực xây dựng mô hình du lịch cộng đồng

Hội đồng khoa học công nghệ cấp tỉnh vừa nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) đặc thù gắn với bảo tồn rạn san hô Hòn Yến và quần thể gành Đá Đĩa”. Đề tài do TS Nguyễn Hữu Xuân, Trường đại học Quy Nhơn làm chủ nhiệm, thời gian nghiên cứu từ tháng 2/2021 đến nay, với tổng kinh phí hơn 1,4 tỉ đồng.

Tham quan trải nghiệm bằng thuyền thúng ở Hòn Yến. Ảnh: Trần Quới

Theo đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng, chuyển giao 2 mô hình DLCĐ với sản phẩm du lịch đặc thù gắn liền việc bảo tồn rạn san hô Hòn Yến và quần thể gành Đá Đĩa; xây dựng được bộ tiêu chí DLCĐ; đề xuất một số chính sách và giải pháp cụ thể nhằm vận hành có hiệu quả mô hình DLCĐ gắn với sản phẩm du lịch đặc thù tại Hòn Yến và gành Đá Đĩa; xây dựng công cụ và các ấn phẩm quảng bá, truyền thông để phát triển du lịch tại Hòn Yến và gành Đá Đĩa.

Mô hình và bộ tiêu chí DLCĐ

Theo TS Nguyễn Hữu Xuân, sản phẩm chính của đề tài là đã xây dựng được 2 mô hình DLCĐ và bộ tiêu chí DLCĐ gắn với sản phẩm du lịch đặc thù địa phương Phú Yên. Bộ tiêu chí là công cụ nhận diện một điểm du lịch đạt điều kiện trở thành điểm DLCĐ hay chưa, từ đó xây dựng mô hình DLCĐ cho địa phương và có thể nhân rộng cho các điểm du lịch khác trong tỉnh.

Qua nghiên cứu và khảo sát, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được bộ tiêu chí DLCĐ gắn với sản phẩm du lịch đặc thù Phú Yên với 8 nhóm và 26 tiêu chí. Bộ tiêu chí DLCĐ có tính thực tiễn và ứng dụng giúp ngành Du lịch Phú Yên phát triển đúng hướng và bền vững. Mặt khác, việc phát triển DLCĐ sẽ giúp cải thiện đời sống người dân địa phương, tăng cường sự hiểu biết giữa các nền văn hóa, đồng thời bảo vệ môi trường và tài nguyên văn hóa.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được 2 mô hình DLCĐ với sản phẩm du lịch đặc thù gắn liền việc bảo tồn rạn san hô Hòn Yến và quần thể gành Đá Đĩa trên cơ sở xác lập căn cứ khoa học và thực tiễn về DLCĐ của địa phương.

Hai mô hình này giải quyết được các vấn đề: Phát triển du lịch ở các vùng vệ tinh những điểm du lịch hiện tại, nhằm hạn chế quá tải khách du lịch cho Hòn Yến và quần thể gành Đá Đĩa; phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân vùng lân cận; đa dạng hóa loại hình du lịch, làm phong phú sản phẩm du lịch của tỉnh, thu hút, giữ chân du khách lâu hơn…

Hữu ích

Theo PGS.TS Phạm Trung Lương (Viện Du lịch bền vững Việt Nam), đề tài này rất hữu ích để ứng dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên, để phát huy hết giá trị của đề tài thì cần có cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích thêm các hoạt động nghiên cứu ứng dụng KH-CN cho ngành Du lịch như: Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ; đầu tư sản xuất các phần mềm, ứng dụng tiện ích thông minh cho ngành Du lịch; ứng dụng công nghệ cho công tác bảo tồn, phục chế các giá trị di sản, di tích phục vụ du lịch.

Còn PGS.TS Trần Đức Thanh (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: Đối với doanh nghiệp du lịch, kết quả nghiên cứu khoa học của đề tài này sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo, gia tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh du lịch.

Ngoài ra, mô hình DLCĐ tại Hòn Yến, gành Đá Đĩa gắn với không gian văn hóa đá của Phú Yên và các hoạt động tham quan, trải nghiệm, khám phá tự nhiên, văn hóa bản địa sẽ là những sản phẩm du lịch đặc trưng, có sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong và ngoài nước.

Điều này góp phần tạo việc làm, thu nhập, nâng cao mức sống cho các hộ dân địa phương tham gia mô hình tại Hòn Yến, gành Đá Đĩa và không gian văn hóa đá Phú Yên…; sẽ hình thành các điểm đến mới hấp dẫn, thân thiện của du lịch Phú Yên.

“Xây dựng được mô hình và bộ tiêu chí DLCĐ sẽ giúp địa phương tận dụng hết các lợi thế tiềm năng về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật sẵn có cùng các nguồn lực xã hội cho phát triển du lịch và tham gia vào hoạt động bảo tồn Hòn Yến và gành Đá Đĩa.

Áp dụng thành công mô hình DLCĐ thử nghiệm trong quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên tự nhiên và văn hóa trên cơ sở sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp theo cơ chế đồng quản lý và chia sẻ lợi ích sẽ góp phần quan trọng vào phát triển sinh kế của cộng đồng địa phương”, PGS.TS Trần Đức Thanh nói.

Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN, kết quả nghiên cứu của đề tài được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao, là cơ sở định hướng quan trọng cho các cơ quan chức năng của tỉnh hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược phát triển, nhân rộng các mô hình du lịch dựa vào cộng đồng tại địa phương.

Ngoài ra, lợi ích của đề tài mang lại là rất lớn, đó là việc xác lập cơ sở lý luận DLCĐ và mô hình DLCĐ gắn với sản phẩm du lịch đặc thù; đồng thời khẳng định nguyên lý “Bảo tồn cho phát triển – phát triển phải bảo tồn” trong chiến lược phát triển du lịch xanh của Phú Yên nói riêng và Việt Nam nói chung.

Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần phát triển du lịch Phú Yên theo hướng bền vững trên cơ sở tạo ra các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn có sức thu hút du khách cho du lịch Phú Yên.
Giám đốc Sở KH&CN Dương Bình Phú

Văn Tài

Báo Phú Yên – baophuyen.vn