Bưởi Bằng Luân của Hợp tác xã dịch vụ sản xuất và kinh doanh bưởi đặc sản xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao
Chương trình OCOP được đẩy mạnh theo hướng thực hiện kết hợp tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ tạo ra sản phẩm đa dạng, chất lượng, truy xuất được nguồn gốc. Ngay từ khi triển khai chương trình, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện công tác điều tra, khảo sát về điều kiện đất đai, vùng sản xuất để ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và triển khai các chính sách hỗ trợ. Trên cơ sở đó, lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, phù hợp với điều kiện và gắn với quy hoạch của từng địa phương.
Tỉnh đã xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP dựa trên cơ sở quy hoạch chung của tỉnh về phát triển nông nghiệp. Từ đó, đã hình thành 450 vùng trồng trọt tập trung các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của tỉnh với diện tích 19,6 nghìn ha. Trong đó, 157 vùng trồng lúa chất lượng cao với diện tích 9,6 nghìn ha; 70 vùng sản xuất chè với diện tích 5,8ha; 166 vùng sản xuất bưởi với diện tích 2,7 nghìn ha; 33 vùng sản xuất chuối với diện tích trên 1 nghìn ha; 24 vùng sản xuất rau với diện tích 430ha.
Hộ kinh doanh ông Đoàn Ngọc Quang (xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê) sản xuất mỳ gạo Minh Tân – sản phẩm OCOP 3 sao
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp đã phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, thường xuyên tổ chức hội thảo, hội nghị, tham quan, học tập kinh nghiệm để chia sẻ thông tin, nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia sản phẩm OCOP hiểu rõ nội dung, ý nghĩa, lợi ích khi tham gia chương trình.
Tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh. Quan tâm xây dựng và hình thành các chương trình xúc tiến thương mại, hoạt động quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh gắn với các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia thường niên; có kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh. Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP; phối hợp xúc tiến các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị lớn trên địa bàn; tổ chức lựa chọn sản phẩm tiêu biểu tham gia hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua việc sử dụng các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp (livestream).
Các chủ thể tham gia chương trình OCOP được hỗ trợ, định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Trên cơ sở đó, nhiều chủ thể đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, các quy định trong an toàn thực phẩm và môi trường. Trong đó, một số sản phẩm của hợp tác xã, làng nghề, nghề truyền thống như: Mỳ gạo Hùng Lô, nếp gà gáy Mỹ Lung, thịt chua Thanh Sơn, tương làng Bợ, bưởi Đoan Hùng, chè Hoài Trung, chè búp tím Thanh Ba, chè Phú Thịnh… đều đã đạt tiêu chuẩn chứng nhận OCOP hạng 3 sao, 4 sao và 5 sao.
Sản phẩm OCOP của thị xã Phú Thọ trưng bày, quảng bá tại Trung tâm Hội nghị tỉnh (tháng 12/2023)
Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP đã mang lại kết quả tích cực, có sức lan tỏa, tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tác động đến phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn. Nhận thức của cán bộ và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển các sản phẩm OCOP được nâng lên rõ rệt thông qua số lượng sản phẩm OCOP được công nhận tăng lên hằng năm (Năm 2020: 28 sản phẩm; năm 2021: 50 sản phẩm; năm 2022: 61 sản phẩm; năm 2023: 109 sản phẩm).
Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 237 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, với 160 chủ thể và 126/225 xã, phường, thị trấn có sản phẩm OCOP; đề nghị Hội đồng cấp trung ương đánh giá, phân hạng cho 2 sản phẩm OCOP có tiềm năng đạt hạng 5 sao là: Chè búp tím Thanh Ba của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Trà UT, xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba và sản phẩm Mì gạo sạch sinh ra từ làng Hùng Lô của Hợp tác xã mì gạo Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì.
Theo kế hoạch, năm 2024, tỉnh Phú Thọ phấn đấu có thêm 32 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Để đạt mục tiêu trên, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành, thị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các chủ thể thực hiện tốt chương trình OCOP. Tham mưu lồng ghép các nguồn lực, nhằm giúp các chủ thể đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng.
Sản phẩm chuối sấy lạnh đạt chuẩn OCOP 4 sao của Cty TNHH Maikafood (xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy)
Thực tế cho thấy, các sản phẩm OCOP hiện nay trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu ở nhóm ngành thực phẩm, đồ uống, dược liệu, thủ công mỹ nghệ, với 202 sản phẩm, chiếm 85% trên tổng số các sản phẩm OCOP của tỉnh. Trong thời gian tới, để phát triển sản phẩm OCOP ở đa dạng nhóm ngành, tỉnh sẽ tập trung phát triển làng nghề nông thôn với các sản phẩm là thế mạnh của tỉnh, có giá trị kinh tế cao, gắn sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội truyền thống của tỉnh. Huy động các nguồn lực, hỗ trợ các điều kiện phát triển khu, điểm tham quan du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch văn hóa, làng nghề; tạo điều kiện thuận lợi cho các làng nghề sinh vật cảnh của tỉnh ngày càng phát triển và đạt các tiêu chí để công nhận thành sản phẩm OCOP.
Thu Hương
Cổng TTĐT tỉnh Phú Thọ – phutho.gov.vn