Phú Giáo (Bình Dương) phát triển du lịch canh nông

Nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Bình Dương, huyện Phú Giáo có quỹ đất nông nghiệp khá dồi dào, được coi là “lá phổi xanh” của tỉnh. Ngoài việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), huyện Phú Giáo còn hướng đến du lịch canh nông nhờ thế mạnh về vị trí địa lý, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên và con người, góp phần quảng bá nông sản địa phương.


Sản xuất chuối và dưa lưới công nghệ cao tại Khu NNCNC An Thái

Thêm trải nghiệm cho du khách

Mô hình Khu NNCNC An Thái của Công ty CP Nông nghiệp U&I, ở xã An Thái, huyện Phú Giáo có quy mô 411ha, đang cung cấp sản phẩm đạt chuẩn GlobalGAP ra thị trường quốc tế và đón tiếp du khách đến tham quan quy trình sản xuất nông nghiệp, thưởng thức các loại trái cây sạch.

Ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc công ty, cho biết, Khu NNCNC An Thái đang có 625.000 cây chuối trên diện tích 250ha và dùng hệ thống tưới tự động, ròng rọc vận chuyển chuối và phần mềm quản lý để theo dõi từng gốc chuối. Huyện Phú Giáo còn có hệ thống đường bộ phát triển với trục đường huyết mạch ĐT741 nối TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) với TP Đồng Xoài (Bình Phước), tạo thuận lợi cho huyện trong giao thương, du lịch. Từ TP. Hồ Chí Minh đến các tỉnh Tây Nguyên đều phải đi qua địa bàn huyện Phú Giáo. Trên cung đường này, du khách dễ dàng nhìn thấy màu xanh đầy sức sống của các mô hình NNCNC, có cơ hội xuôi dòng ký ức về các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như Cầu Gãy sông Bé, chùa Bửu Phước…

Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù

Dưới góc nhìn lữ hành, bà Phan Yến Ly, đại diện Công ty Du lịch Saigontourist, cho biết, huyện Phú Giáo chưa có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam, nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng hầu như còn sơ khai và chưa có nhiều tuyến điểm du lịch tạo điểm nhấn. Vì vậy, với một tỉnh đặc thù phát triển công nghiệp như Bình Dương, việc chọn điểm nhấn du lịch NNCNC là hướng đi phù hợp. Đặc biệt, Phú Giáo đang giữ gìn “lá phổi xanh” của tỉnh Bình Dương và du lịch canh nông NNCNC sẽ là đòn bẩy định danh du lịch huyện Phú Giáo”. Tuy nhiên, cái khó là hiện hầu hết các công ty, trang trại, HTX nông nghiệp ở huyện Phú Giáo chỉ mới bắt đầu ý tưởng, chưa sẵn sàng làm du lịch nông nghiệp. Do đó, vai trò định hướng và tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương rất quan trọng.

Theo TS Ngô Thị Thu Trang (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM), Phú Giáo có địa hình đồi thoai thoải, lượn sóng và các dải đất hẹp ven Sông Bé, khí hậu quanh năm ôn hòa, nhiều mảng xanh và suối, hồ. Từ đó giúp Phú Giáo hình thành thế mạnh trong định hướng vùng xanh của Bình Dương và với nhiều mô hình NNCNC tiêu biểu như vườn cây ăn trái được đầu tư bài bản, sẽ có nhiều tiềm năng khai thác phục vụ du lịch. Về tài nguyên du lịch văn hóa, ngoài 3 di tích lịch sử cấp tỉnh, trên địa bàn huyện còn có Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên, khu vực suối Rạc, dọc dòng sông Bé có nhiều bãi đá tự nhiên… có thể phát triển sản phẩm du lịch đặc thù từ thế mạnh nông nghiệp và hệ sinh thái tự nhiên địa phương.

Ông Peter Portheine, Giám đốc Phát triển Tập đoàn Brainport, thành viên Ban điều hành Thành phố thông minh Bình Dương, nhận định, phát triển du lịch canh nông là hướng đi đúng đắn hiện nay. Phú Giáo đang thí điểm triển khai tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp và điểm du lịch ngắn ngày; cho phép tham quan quy trình sản xuất nông sản, không chỉ hấp dẫn du khách mà còn góp phần quảng bá nông sản địa phương đến với thị trường mới, đối tác mới.

Khánh hy
Báo SGGP – sggp.org.vn