Lan's Homestay (làng Háng Thoang, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh) nằm gần thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, thuộc tuyến du lịch "xứ sở thần tiên" là mô hình du lịch cộng đồng tiêu biểu của tỉnh Cao Bằng. Hiện nay, đây là homestay duy nhất của tỉnh đạt 4 sao OCOP theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở loại hình dịch vụ du lịch nông thôn.

Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Cao Băng, tính đến nay, toàn tỉnh Cao Bằng có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn, gồm: Lan’s Homestay, Yến Nhi – Bản Giốc Homestay, Mế Farmstay. Đặc biệt, mô hình Lan’s Homestay (Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh) đạt chuẩn OCOP 4 sao ở loại hình dịch vụ du lịch nông thôn của tỉnh Cao Bằng.

Trên mảnh đất 4000m2 của gia đình và người thân, chị Hoàng Thị Lan – Chủ homestay đã cải tạo, xây dựng hai dãy nhà sàn truyền thống, một nhà đá cổ. Phía trước nhà là dòng sông Quây Sơn xanh mát chảy qua, xung quanh là ruộng, vườn, núi đồi – tạo nên vẻ đẹp hữu tình. Từ homestay này, du khách có thể đi dạo để tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên, chèo thuyền ngắm sông Quây Sơn, đạp xe hay đi xe máy tới thăm các địa danh nổi tiếng như: thác Bản Giốc, thượng nguồn sông Quây Sơn tại xã Ngọc Côn, chợ phiên…Đặc biệt, du khách có thể hòa mình vào cuộc sống người dân tộc Nùng tại địa phương: mặc trang phục truyền thống, cùng bà con làm vườn, trồng lúa, cưỡi ngựa, chế biến các món ăn truyền thống như thịt gà, thịt lợn đen, xôi nếp nương, cá sông, rau rừng, bánh cuốn…

Hiện homestay có thể đón tối đa 70 khách/ngày. Công suất phòng ngày cuối tuần thường xuyên đạt tới 85 – 90%, thu hút du khách tới từ khắp cả nước và quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu. Cơ sở homestay của chị Lan đang tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 10 người dân bản địa. Bên cạnh đó, chị cùng bà con địa phương kết hợp trồng lạc, ngô, gạo… hữu cơ và hỗ trợ tiêu thụ cho bà con. Chị Lan cũng phối hợp chính quyền xã, huyện tổ chức các buổi hướng dẫn, đào tạo bà con làm hướng dẫn viên, học ngoại ngữ để đưa du khách trải nghiệm leo núi, đi thuyền trên sông…

Thời gian tới, Homestay sẽ tiếp tục nâng cấp, cải tạo, bảo tồn văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách cũng như gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống bản địa bằng các giải pháp cụ thể, trong đó có việc duy trì tổ chức biểu diễn văn nghệ dân gian và truyền dạy cho thế hệ trẻ, tập hợp sản phẩm bản sắc văn hóa của người Tày, Nùng để giới thiệu với du khách những giá trị văn hóa truyền thống, chị Lan chia sẻ thêm.

Ông Lương Văn La – Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy, Trùng Khánh cho biết: việc gắn sao OCOP cho sản phẩm du lịch góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo được lợi thế so sánh, tích hợp đa giá trị trong từng sản phẩm, tạo sự gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Lan’s homestay là mô hình du lịch tiêu biểu để bà con trong địa phương xã học tập, noi theo, góp phần bảo vệ văn hóa truyền thống và tạo sinh kế bền vững cho người dân góp phần vào xây dựng nông thôn mới hiệu quả.

Hướng đến mục tiêu phát triển du lịch nông nghiệp bền vững, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đăng ký mỗi xã một sản phẩm OCOP, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc hữu như: hạt dẻ, gạo nếp ong, nếp Pì Pất, tương mẹc cảng, vịt cỏ, thạch trắng mác púp, bánh khảo Thông Huề… Phát triển du lịch cộng đồng homestay gắn với bảo tồn văn hóa bản địa từ không gian kiến trúc, cảnh quan, ẩm thực, văn hóa dân gian, bảo vệ môi trường…Ông Lương Văn La nói

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Cao Bằng  Ông Nông Thanh Mẫn: với việc quan tâm, đầu tư và tham gia “sân chơi” OCOP sẽ giúp nâng tầm sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch các địa phương, nâng thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững. Du lịch nông nghiệp có nhiều tiềm năng để “đánh thức” và nâng cấp thành sản phẩm OCOP. Có thể nói, những tín hiệu vui về lượng khách du lịch đến Cao Bằng, tổng doanh thu từ du lịch tăng qua từng năm đã cho thấy du lịch Cao Bằng đi đúng hướng và được khai thác hiệu quả. Từ đây cũng mở ra nhiều cơ hội để các địa phương, đơn vị khai thác lợi thế sẵn có, xây dựng thành công những sản phẩm OCOP trong nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng, đưa những sản phẩm đặc trưng “bước ra từ làng” tới người dân và du khách.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số địa phương, việc xây dựng sản phẩm du lịch OCOP gặp nhiều khó khăn do nguyên nhân chủ quan và khách quan, như: một số chính quyền địa phương và người dân chưa nhận thức đúng vai trò sản phẩm du lịch OCOP và lợi ích khi tham gia OCOP nên chưa quan tâm đầu tư xây dựng sản phẩm; các tiêu chí đánh giá cụ thể đối với sản phẩm du lịch OCOP chưa được tiếp cận đầy đủ; chưa có sự gắn kết giữa các điểm du lịch với sản phẩm OCOP; quy mô, năng lực quản trị các tổ chức kinh tế tham gia sản phẩm du lịch OCOP còn nhỏ và yếu; thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị; nhiều nội dung xây dựng sản phẩm du lịch phụ thuộc vào tư vấn nên không xây dựng được sản phẩm du lịch OCOP độc đáo mang đặc trưng và bản sắc văn hóa truyền thống tại mỗi địa phương…

Trong thời gian tới, để phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch đạt chuẩn OCOP, Cao Bằng cần thực hiện các giải pháp đồng bộ với sự chung tay của cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan chức năng liên quan, sự hưởng ứng của các doanh nghiệp, chủ thể và người dân. Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch OCOP gắn với phát huy giá trị tri thức bản địa, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch và các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, lễ hội văn hóa. Liên kết doanh nghiệp làm du lịch và các chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP, thực hiện quảng bá du lịch gắn với Chương trình OCOP của địa phương đến với du khách…. kết nối chuỗi giá trị du lịch nông thôn, giải quyết việc làm cho cộng đồng tại chỗ, nâng cao thu nhập và trình độ của người dân sinh sống tại nông thôn, để các giá trị tự nhiên, văn hóa bản địa của địa phương được bảo tồn, phát huy.

Minh Ngọc
Báo Văn hóa – baovanhoa.vn