Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch ở Si Ma Cai, Lào Cai

Si Ma Cai (Lào Cai) có nhiều lợi thế về tài nguyên tự nhiên và văn hóa, phù hợp cho phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái, du lịch cộng đồng. Những năm gần đây, địa phương cũng đã tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ nhằm “đánh thức” những tiềm năng, thế mạnh để phát triển ngành du lịch gắn với nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản xuất cũng như thu nhập cho người dân.

Gia đình anh Chùa có 3 ha trồng mận. Nếu như trước kia, đến mùa thu hoạch, anh Chùa phải hái và chở mận xuống chợ để bán, giá cả rất bấp bênh thì từ năm 2022, địa phương tổ chức Lễ hội mận Tả Van, vườn mận của gia đình anh được rất nhiều du khách đến tham quan và hái quả, bán quả tại vườn, mang lại thu nhập tốt.


Vườn mận anh Chùa được rất nhiều du khách đến tham quan và hái quả, bán quả tại vườn, mang lại thu nhập tốt.

Anh Hảng Seo Chùa, thôn Seng Sui, xã Lùng Thẩn, huyện Si Ma Cai chia sẻ: “Bây giờ có khách du lịch đến mua tại vườn, cũng bán được giá cao, mình không phải mang ra chợ, khách vào vườn bán tại vườn”.

Lùng Thẩn là địa phương có diện tích trồng lê và mận Tả Van nhiều nhất huyện Si Ma Cai với trên 300 ha. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, gắn nông nghiệp với du lịch, cấp ủy, chính quyền địa phương vận động, hướng dẫn bà con áp dụng kỹ thuật vào khâu chăm sóc, cải tạo vườn cây ăn quả, xây dựng các điểm check-in, hình thành sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng gắn với mùa hoa mận, mùa hoa lê, mùa thu hoạch quả.

Ông Hảng Seo Toán, Chủ tịch UBND xã Lùng Thẩn, huyện Si Ma Cai nói: “Chúng tôi xác định làm nông nghiệp phải đổi mới. Đổi mới phải cụ thể đến từ người dân, chúng ta nâng cao chất lượng quả, sản phẩm kết hợp với du lịch là hướng đi đúng, các sản phẩm ra thị trường cũng phải hợp thị hiếu người tiêu dùng”.

Với mục tiêu phát triển vùng cây ăn quả ôn đới lê khoảng 1.500 ha vào năm 2025, cùng với quy hoạch, mở rộng diện tích trồng mới, huyện Si Ma Cai cũng chú trọng xây dựng nhiều sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp như: Lễ hội hoa lê trắng ở Quan Hồ Thẩn, Lễ hội mận Tả Van ở Lùng Thẩn và chuỗi các hoạt động trải nghiệm tại Lễ hội hương sắc vùng cao Si Ma Cai. 2 năm gần đây, lượng khách du lịch đến Si Ma Cai đạt hơn 50.000 lượt người/năm, doanh thu du lịch đạt hơn 10 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai (ảnh trên) cho biết: “Chúng tôi tạo các vườn mận hữu cơ, tạo đường đi, không gian cạnh đó trồng hoa, kích thích du khách đến tham quan, trải nghiệm, bên cạnh đó là các điểm check-in biển mây. Đây là một trong những lợi thế của Si Ma Cai làm sao gắn vào thành chuỗi các hoạt động”.


Si Ma Cai đang dần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch của người dân.

Với định hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh và đặc thù địa phương, Si Ma Cai đang dần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân, vừa góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho đồng bào vùng cao vừa góp thêm một điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch Lào Cai.

Thế Long – Thành Thuận
Đài PT-TH Lào Cai – laocaitv.vn