Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Sơn La xác định phấn đấu đến năm 2025 phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; các huyện, thành phố có tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch phấn đấu có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương và xây dựng từ 01 đến 02 sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch; trên 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá. Phấn đấu các huyện, thành phố có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù. Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh sẽ xây dựng, hoàn thiện văn bản hướng dẫn về phát triển du lịch nông thôn, đồng thời phát triển, nâng cao chất lượng điểm du lịch, sản phẩm du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, tập trung khai thác, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, xây dựng mô hình du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững; phát triển các sản phẩm du lịch mới. Xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn theo các nhóm: Du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề,… Ưu tiên các mô hình gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống địa phương; bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân. Khuyến khích mỗi huyện, thành phố xây dựng từ 01 đến 02 sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch… Quảng bá, giới thiệu, kết nối và xúc tiến thị trường du lịch nông nghiệp, nông thôn, thông qua tổ chức sự kiện, lễ hội, diễn đàn giới thiệu và kết nối cung – cầu du lịch nông nghiệp, nông thôn ít nhất 01 lần/năm. Lồng ghép giới thiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các sự kiện quảng bá du lịch của tỉnh, các chương trình kết nối nông sản gắn với quảng bá, tuyên truyền sản phẩm OCOP. Tăng cường áp dụng chuyển đổi số trong xây dựng các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là số hóa các điểm đến, tổ chức các hoạt động trải nghiệm du lịch nông thôn áp dụng thực tế ảo. Xây dựng các ấn phẩm, chương trình truyền hình, chuyên trang mạng xã hội (Youtube, Zalo, Facebook, TikTok,…) giới thiệu các điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đánh giá thực trạng về nguồn nhân lực du lịch nông thôn, chi tiêu của khách du lịch tại khu vực nông thôn. Đặc biệt tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực về du lịch nông thôn.
Diệp Hương
Cổng TTĐT tỉnh Sơn La – sonla.gov.vn