Phát triển du lịch nông thôn tại Bạc Liêu: Tài nguyên phong phú chưa được khai thác

Cảnh quan làng quê yên bình, sản vật thiên nhiên phong phú, văn hóa bản địa đặc sắc cùng tính cách người dân chất phác, mến khách… là những yếu tố đang được nhiều địa phương, các đơn vị lữ hành khai thác để phát triển du lịch. Tại Bạc Liêu, nguồn tài nguyên du lịch ở những xã nông thôn mới hiện rất đa dạng, phong phú nhưng vẫn chưa được đánh thức.


Hòa mình vào phong cảnh nông thôn yên mình đang trở thành thị hiếu của du khách hiện nay.

SẢN PHẨM “BỎ PHỐ, VỀ QUÊ” LÊN NGÔI

Cảm thấy ngột ngạt với không khí ồn ào, môi trường ô nhiễm của đô thị hay ngán ngẩm khi trở lại những điểm tham quan quen mặt, thị hiếu du lịch ngày nay đang hướng về những vùng nông thôn – nơi còn nhiều dư địa để làm du lịch. Bạc Liêu đang sở hữu 11 điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên những địa chỉ như: Khu Quán âm Phật đài, Cụm nhà Công tử Bạc Liêu, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu… dù tạo được thương hiệu nhưng không tránh khỏi việc gây nhàm chán khi chậm hoặc rất ít đổi mới.

Đại diện một công ty lữ hành hàng đầu trong nước nhận định: “Chúng tôi trân trọng tình cảm, sự mời gọi liên kết của tỉnh nhưng việc bán tua ở Bạc Liêu rất khó khăn. Nguyên nhân là quanh đi quẩn lại, Bạc Liêu chỉ có du lịch văn hóa, du lịch tâm linh tập trung tại TP. Bạc Liêu. Chính vì vậy, tua về miền Tây, trong đó có đi qua Bạc Liêu thì tỉnh chỉ là trạm dừng, đa số du khách sẽ chọn lưu trú lại Cà Mau. Từ thực trạng chậm mở rộng không gian du lịch về nông thôn nên du lịch của tỉnh giảm sức hút, khó giữ chân du khách và không khai thác được giá trị gia tăng”.

Theo thống kê của các công ty lữ hành, sản phẩm “bỏ phố, về quê” đang lên ngôi trong những năm gần đây. Nhất là sau đại dịch COVID-19, du khách chú trọng nhiều hơn đến sức khỏe nên họ rất thích đi du lịch ở những vùng quê với môi trường trong lành, ẩm thực sạch và trải nghiệm văn hóa bản địa.


Du khách thưởng thức những món đặc sản tại điểm tham quan Cánh đồng Cậu Ba (huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: H.T

“CÚ HÍCH” CHO DU LỊCH NÔNG THÔN

Thời gian gần đây, người dân nông thôn ngày càng cho thấy sự quan tâm, nhận thức rõ hơn về vai trò của phát triển du lịch bằng việc bắt tay làm du lịch sinh thái. Thế nhưng, hầu hết các điểm này được đầu tư với quy mô nhỏ, theo hình thức tự phát và chưa tạo ra nhiều giá trị cộng thêm. Mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2024 với mục đích tạo “cú hích” cho du lịch làng quê.

Để khai thác tiềm năng, nhất là làm nổi bật những đặc trưng riêng có về du lịch nông nghiệp và nông thôn, UBND tỉnh giao Sở VHTTDL tham gia không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn và sản phẩm OCOP tại Hội chợ Du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh; tổ chức chương trình khảo sát tiềm năng phát triển du lịch nông thôn, trọng tâm là sản phẩm muối Bạc Liêu. Ngoài ra, xây dựng ấn phẩm phục vụ công tác xúc tiến, quảng bá du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM.

Theo Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025, tại vùng phía Bắc Quốc lộ 1A, tỉnh hình thành tuyến du lịch dọc theo Quảng Lộ – Phụng Hiệp với sản phẩm “Miệt đồng quê”. Ở vùng Nam Quốc lộ 1A, tỉnh định hướng phát triển du lịch cộng đồng vườn nhãn Bạc Liêu; xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển nghề sản xuất muối truyền thống gắn với du lịch, nghề nuôi nghêu thuộc huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải…

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp và đột phá để huy động tối đa nguồn lực xã hội đầu tư phát triển các mô hình, dự án. Trong đó, tập trung thu hút nguồn vốn từ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, huy động sự tham gia của người dân để xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Từ đó, góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và xây dựng NTM bền vững.

Hữu Thọ
Báo Bạc Liêu – baobaclieu.vn