Phát triển du lịch nông nghiệp: Hướng đi mới cho du lịch U Minh Thượng – Kiên Giang

Huyện U Minh Thượng là một trong những địa phương có kinh tế nông nghiệp phát triển của tỉnh Kiên Giang. Nếu được khai thác đúng nguyên tắc tài nguyên nông nghiệp sẽ là một nguồn tài nguyên rất lớn phục vụ cho phát triển sản phẩm du lịch, mở ra hướng phát triển mới cho du lịch của huyện.

Trên cơ sở những giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa đặc trưng có được. Từ năm 2010, du lịch U Minh Thượng đã bắt đầu tổ chức những hoạt động du lịch đầu tiên để phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch. Qua quá trình hình thành và phát triển, đến nay, du lịch U Minh Thượng đã dần khẳng định được vai trò, vị trí của mình trên bản đồ du lịch của tỉnh Kiên Giang, là một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh đang được quy hoạch, đầu tư phát triển. Trong định hướng giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2035, phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trong tâm của huyện U Minh Thượng. Trong đó, lấy thế mạnh về tài nguyên nông nghiệp để xây dựng sản phẩm cho phát triển du lịch, về sản phẩm du lịch nông nghiệp “Xây dựng phương án và đề xuất các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân phát triển mô hình du lịch nông nghiệp. Nghiên cứu mở rộng diện tích cây ăn trái với những loại trái cây đặc trưng phù hợp điều kiện của huyện. Hỗ trợ nông dân về kiến thức và kỹ thuật trồng trọt để nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ du khách. Đồng thời hỗ trợ kiến thức, kỹ năng và kiến thức phát triển du lịch cộng đồng để tạo điều kiện cho các nhà nông phát triển du lịch nông nghiệp”[1].

 

Xã An Minh Bắc, địa điểm được chọn phát triển du lịch nông nghiệp của huyện U Minh Thượng.

Hiện tại lượng khách du lịch đến với U Minh Thượng khá nhiều, bao gồm khách tham quan theo chương trình của công ty lữ hành và khách tham quan tự túc, các điểm tham quan chủ yếu là Vườn quốc gia U Minh Thượng, các di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn huyện. Đối với những hộ dân đang tổ chức hoạt động đón khách du lịch ghé tham quan các vườn cây ăn trái, các ruộng lúa, vuông tôm hay các ruộng rau màu là do nhu cầu của khách du lịch và sự tự phát của người dân, chưa có sự hướng dẫn của chính quyền địa phương và sự liên kết chương trình du lịch giữa các công ty lữ hành với các hộ dân. Phần nhiều do người dân tận dụng mô hình kinh tế có sẵn như: lao động tại hộ gia đình; sản phẩm nông nghiệp của gia đình tự sản xuất, tự trồng, tự nuôi,…để phục vụ khách du lịch. Về dịch vụ, người dân cũng tận dụng những phương tiện có sẵn và giao tiếp theo kiểu một bên là người bán (người nông dân) và một bên là người mua (khách du lịch). Người dân chưa được tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ về làm du lịch, nên đây sẽ một trong những vấn đề quan trọng cho chính quyền địa phương trong phát triển du lịch nói chung, du lịch nông nghiệp nói riêng cho huyện U Minh Thượng.

Việc xây dựng sản phẩm, khai thác nông nghiệp làm du lịch hiện nay mới chỉ dừng lại ở giai đoạn bước đầu, giá trị của du lịch nông nghiệp chưa phát huy nhiều, quy mô đơn lẻ, sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu. Hầu hết các hoạt động du lịch kết hợp với nông nghiệp mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp; sản phẩm nông nghiệp chưa hấp dẫn. Phát triển loại hình du lịch nông nghiệp góp phần đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ du lịch hỗn hợp cho du khách, gia tăng lượng du khách đến với huyện. Tham gia hình thức du lịch này, du khách được trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp, thưởng thức vẻ đẹp văn hóa do hoạt động sản xuất nông nghiệp tạo ra.

 

Mô hình sản xuất nông nghiệp tại xã An Minh Bắc

Từ mục tiêu phát triển du lịch nông nghiệp đang rất được chính quyền quan tâm nên địa phương đang dần hình thành các các trang trại nông – lâm – ngư (với 10 Hợp tác xã đã được thành lập[2]) thuận lợi kết hợp cho du khách tham quan, học hỏi. Việc tạo điều kiện cho dân cư địa phương tham gia vào hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp đã mang lại những lợi ích thiết thực và ổn định sinh kế. Nhà nước đã thực hiện các chính sách hỗ trợ trong việc đầu tư định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, tập huấn và đào tạo kiến thức về nuôi trồng trong nông nghiệp, thủy hải sản cho người dân. Những mô hình hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ra đời đang dần kết hợp với du lịch, bước đầu đã đạt được hiệu quả đáng kể đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy tài nguyên du lịch cho địa phương. Du lịch không chỉ tạo ra thu nhập cho người dân mà còn khuyến khích người dân tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy tài nguyên du lịch của địa phương, tạo cơ hội để người dân được nâng cao giá trị cho cuộc sống.

Tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp tại U Minh Thượng rất lớn, cần được khai thác, bảo tồn và gìn giữ để phát huy tốt các thế mạnh sẵn có, góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để đánh thức, biến các tài nguyên nông nghiệp thành các sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn, kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Muốn vậy người dân cần được tạo điều kiện để phát triển các mô hình du lịch cộng đồng và nông nghiệp kết hợp sinh thái, cảnh quan thiên nhiên nhằm phát huy sản xuất nông nghiệp, làng nghề cùng với những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

[1] Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2020 của Ủy ban nhân dân huyện U Minh Thượng về phát triển du lịch huyện U Minh Thượng giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030;

[2] Báo cáo số 151/BC-UBND ngày 30 tháng 6 năm 2023 của Ủy ban nhân dân huyện U Minh Thượng kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Phạm Luyển
Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang – kiengiang.gov.vn