Ninh Thuận: Sản phẩm OCOP khẳng định vị thế trên thị trường

Từ thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Ninh Thuận ngày càng có nhiều sản phẩm chất lượng cao mang đặc thù riêng của vùng cực Nam Trung Bộ. Năm 2023, với việc tỉnh tổ chức hàng loạt chuỗi sự kiện quảng bá du lịch, thương hiệu sản phẩm OCOP Ninh Thuận đã khẳng định được vị thế trên thị trường, tạo lòng tin với người tiêu dùng.

Nhân viên Công ty TNHH Nước mắm Cana kiểm soát chất lượng sản phẩm nước mắm trước khi sản xuất ra thị trường. Ảnh: Văn Nỷ

Nho tươi, táo là sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận nhưng khó bảo quản lâu ngày bán cho du khách ngoài tỉnh. Thế nhưng, qua chế biến của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận – Ninh Thuận, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) đã cho ra đời sản phẩm táo sấy dẻo tách hạt, nho sấy dẻo nguyên hạt, thơm ngon đạt chứng nhận OCOP, có mẫu mã, bao bì đẹp, dễ dàng vận chuyển đi tiêu thụ khắp cả nước. Sản phẩm nho, táo sấy có sự kết hợp sản xuất theo chuỗi giữa canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm nên được nhiều khách hàng biết đến, tin tưởng sử dụng.

Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận – Ninh Thuận, chia sẻ: Những năm qua, với mong muốn phát triển thương hiệu táo, nho Ninh Thuận, công ty hợp tác với các trung tâm nghiên cứu chế biến nông sản chuyển giao công nghệ chế biến quả táo, nho. Đồng thời, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công quốc gia, công ty mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà xưởng, thiết bị chưng cất thủy đa năng, máy sấy, máy đóng gói để sản xuất các dòng sản phẩm chế biến từ quả táo và nho. Sản phẩm được xử lý sạch trên dây chuyền công nghệ hiện đại, áp dụng phương pháp tách hạt và sấy bằng công nghệ tiên tiến, tạo ra dòng sản phẩm táo, nho sấy thành phần dinh dưỡng cao, hương vị, màu sắc tự nhiên. Chỉ tính riêng quả táo, mỗi năm công ty chế biến khoảng 15 tấn táo sấy dẻo tách hạt và nguyên hạt, ô mai táo và sản xuất khoảng 3.000 lít sirô táo, giấm táo, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, đưa vào bán tại các siêu thị, chuỗi bán lẻ trên cả nước.

Tại sự kiện Ngày Văn hóa, du lịch Ninh Thuận năm 2023 tổ chức tại TP. Cần Thơ vào ngày 4/11 vừa qua, khách tham quan bị cuốn hút bởi 24 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩn OCOP, sản phẩm đặc thù, sản phẩm du lịch và ẩm thực của tỉnh Ninh Thuận. Nhiều sản phẩm của các đơn vị, doanh nghiệp như: Nho, táo, tỏi, măng tây xanh, dê, cừu, nước mắm… đã qua chế biến chất lượng thơm ngon đạt chuẩn OCOP cuốn hút khách tham quan. Với nguyên liệu đầu vào là cá cơm, qua bàn tay của những người thợ lành nghề, nước mắm Cana có hương vị thơm nồng không chỉ phục vụ người tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nước. Đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Từ khi được chứng nhận OCOP, nước mắm Cana cũng như nhiều sản phẩm đặc thù khác của tỉnh được ngành chức năng tạo điều kiện tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại, qua đó được nhiều khách hàng biết đến, giúp tăng doanh số bán hàng.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, triển khai Chương trình OCOP, các ngành, địa phương đã phối hợp tổ chức 14 lớp tập huấn, đào tạo cho cán bộ các cấp và các chủ thể tham gia chương trình. Qua đánh giá, phân loại năm 2022 đã có thêm 65 sản phẩm OCOP của 37 chủ thể trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn đạt chuẩn từ 3-4 sao, nâng tổng sản phẩm OCOP hiện có toàn tỉnh là 134 sản phẩm. Ngành chức năng hỗ trợ 2 điểm bán sản phẩm OCOP; hỗ trợ xúc tiến thương mại và đưa 22 sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử Voso và Postmart.

Chương trình OCOP đã tạo điều kiện cho các địa phương khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh phát triển các sản phẩm đặc trưng có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Xác định tham gia Chương trình OCOP là cơ hội để quảng bá, nâng cao giá trị các sản phẩm thế mạnh của địa phương, thời gian qua huyện Bác Ái đã chỉ đạo các phòng, ban, địa phương tập trung thực hiện, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ các chủ thể sản xuất, kinh doanh tham gia. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn huyện đã có 4 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh, gồm: Gạo sạch Phước Chính, dưa lưới Sun Farm, hạt điều Đồng Thuận và rượu chuối hột mồ côi. Mới đây, bưởi da xanh Phước Bình đã được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ phê duyệt và cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường nước này trong thời gian tới. Đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh được Hoa Kỳ phê duyệt và cấp mã số vùng trồng với diện tích 23ha, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22/6/2023. Toàn huyện Bác Ái có 236ha bưởi; riêng xã Phước Bình là 192ha. Dự kiến cuối năm 2023 sản phẩm bưởi da xanh Phước Bình xuất sang Hoa Kỳ thông qua Công ty Vina T&T Group.

Khách hàng tham quan, mua sản phẩm OCOP Nấm linh chi Tâm Đức tại sự kiện Ngày Văn hóa, du lịch Ninh Thuận năm 2023 được tổ chức ở TP. Cần Thơ. Ảnh: V.Nỷ

Chương trình OCOP cũng được các địa phương khác quan tâm thực hiện có hiệu quả. Đơn cử, huyện Ninh Hải đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù của địa phương; thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 36 sản phẩm OCOP. Thông qua chương trình, đã tạo sự lan tỏa đến hoạt động sản xuất sản phẩm nông sản có tác động tích cực đến việc phát triển các mô hình sản xuất mới; ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản. Các sản phẩm OCOP đã góp phần giúp các chủ thể thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa các kênh quảng bá, bán hàng giúp mở rộng thị trường. Đồng thời, mở ra cơ hội để người dân tham gia các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị các sản phẩm thế mạnh.

Tiếp tục thực hiện chương trình, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp định hướng phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương. Khuyến khích người dân, doanh nghiệp khái thác lợi thế ở từng địa phương để sản xuất sản phẩm OCOP trên quy mô rộng, tạo ra lượng hàng hóa dồi dào đảm bảo cung cấp cho thị trường và xuất khẩu. Đẩy mạnh hổ trợ các chủ thể sản xuất đạt tiêu chuẩn, xây dựng thương hiệu, lập hồ sơ để được công nhận sản phẩm OCOP.

Anh Tùng

Báo Ninh Thuận – baoninhthuan.com.vn