Sản phẩm gốm Bồ Bát, xã Yên Thành, huyện Yên Mô đã được tôn vinh là sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tiêu biểu quốc gia.
Gốm Bồ Bát, xã Yên Thành, huyện Yên Mô nổi tiếng bởi những sản phẩm tinh xảo, đã được tôn vinh là sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tiêu biểu quốc gia. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách khi về với Ninh Bình, đội ngũ thợ có tay nghề giỏi luôn tập trung nghiên cứu, chọn lọc tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng, hiện vật đặc sắc, cô đọng của quê hương như: Đền Vua Đinh, Vua Lê, Nhà thờ đá Phát Diệm, Khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc – Bích Động để chuyển tải thành nét vẽ hoa văn tinh tế, hình ảnh cách điệu trên sản phẩm gốm.
Nghệ nhân Phạm Văn Vang ,Giám đốc Công ty TNHH bảo tồn và phát triển Gốm Bồ Bát, huyện Yên Mô giới thiệu sản phẩm với du khách
Nghệ nhân Phạm Văn Vang, Giám đốc Công ty TNHH bảo tồn và phát triển Gốm Bồ Bát, huyện Yên Mô: “Về khôi phục lại nghề thì tôi đã hoạch định từng bước một. Đầu tiên tôi phải tìm hiểu và biết được trong các công đoạn làm gốm sứ, sau khi đã thành thạo về gốm sứ rồi thì tôi bắt đầu tìm hiểu thị trường để gắn kết sản phẩm giúp khách hàng biết đến. Đối với tôi thì mong muốn hoàn thiện dây chuyền sản xuất, đào tạo thợ và mở rộng quy mô sản xuất, giúp khách hàng biết, đến với Gốm Bồ Bát ngày một nhiều hơn.”
Khi tham gia vào Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm nổi tiếng của Ninh Bình như thêu ren làng Văn Lâm, gốm cổ Bồ Bát, cơm cháy, mật ong Cúc Phương, trà sen Cố đô… đã được tiếp thêm sức mạnh, có sức cạnh tranh hơn trên thị trường. Điều này không chỉ giúp người dân tăng thu nhập mà mỗi sản phẩm như một sứ giả góp phần quảng bá văn hóa vùng miền và chứa đựng, gìn giữ những giá trị nhân văn sâu sắc.
Chị Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Đại Long, huyện Nho Quan bộc bạch: “Từ khi sản phẩm đạt OCOP 3 sao có rất nhiều cái tích cực. Sản phẩm sản lượng chúng tôi bán ra tốt hơn năm ngoái rất nhiều, nhiều khách hàng biết đến chúng tôi hơn và rất ưa chuộng sản phẩm, đánh giá rất cao. Về quy trình hoàn thiện sản phẩm thì OCOP đã hỗ trợ chúng tôi thiết lập bản quy trình chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, các khâu tuyển chọn nguyên liệu rồi thành phẩm được thiết kế với mẫu mã bao bì đẹp, bắt mắt và hợp thị hiếu với người tiêu dùng hơn.”
Để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa trong sản phẩm OCOP, tỉnh Ninh Bình đã tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, lợi thế, sản phẩm nghề, làng nghề truyền thống gắn với khai thác nguồn nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa. Đặc biệt là tập trung phát triển các vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa sản xuất của người dân..
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Với Ninh Bình ngay từ đầu năm 2019 triển khai chương trình đã xác định chương trình OCOP của tỉnh phải phát triển các sản phẩm là đặc sản của địa phương mang bản sắc giá trị văn hóa, bề dày lịch sử của các vùng đất con người của Ninh Bình. Sở Nông nghiệp đã có định hướng chỉ đạo để tập trung phát triển chương trình OCOP để xây dựng dấu ấn điểm nhấn bản sắc thương hiệu cho OCOP Ninh Bình. Quy mô sản lượng không nhiều chúng ta phải hướng đến phát triển những sản phẩm OCOP vừa phù hợp với lợi thế tiềm năng, đặc điểm đặc trưng riêng của từng vùng đất nhưng đồng thời cũng phải phù hợp với hướng phát triển của tỉnh thành trung tâm du lịch quốc gia. Chính vì thế giai đoạn hiện nay chúng tôi đang tập trung phát triển OCOP phục vụ cho thị trường khách du lịch đến với Ninh Bình.”
Nhắc đến Ninh Bình, giờ đây người ta không chỉ nói về một vùng đất non nước yên bình mà còn nhớ tới những sản phẩm OCOP nổi tiếng, vang danh mang đậm giá trị văn hóa, tinh hoa. Điều đó càng tiếp thêm động lực để các chủ thể hồi sinh những nét độc đáo riêng có, khẳng định thương hiệu OCOP của vùng đất Cố đô./.
nbtv.vn