Nhơn Ninh là xã thuần nông với những ruộng lúa bạt ngàn, vườn cây ăn trái trĩu quả quanh năm. Do đó, xã xác định cần khai thác các thế mạnh nông nghiệp này để tạo thành sản phẩm du lịch chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh. Qua đó, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương, góp phần XDNTM.
Hiện trên địa bàn xã có 2 mô hình kinh tế nông nghiệp giàu tiềm năng để phát triển du lịch gồm vườn nho của ông Huỳnh Văn Hóa (ấp Xóm Cò) và vườn dưa lưới của ông Ngô Văn Bảy (ấp Kênh Giữa). Thời gian qua, 2 mô hình kinh tế này tiếp đón nhiều đoàn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Đây là tiền đề tốt để xã Nhơn Ninh phát triển du lịch nông thôn trong thời gian tới.
Theo chân Chủ tịch UBND xã Nhơn Ninh, chúng tôi đến ấp Xóm Cò thăm điểm du lịch sinh thái Ngọc Châu của ông Huỳnh Văn Hóa. Được biết, năm 2019, tận dụng khoảng sân trống trước nhà, ông Hóa cải tạo đất trồng thử nghiệm hơn 400 gốc nho các loại. Với sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi, ông đã thành công khi trồng vườn nho. Chưa dừng lại ở đó, đầu năm 2023, ông quyết định phát triển vườn nho thành điểm du lịch để tạo sự lan tỏa đến cộng đồng và tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương.
Vườn nho của ông Huỳnh Văn Hóa (ấp Xóm Cò, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh) đang trong giai đoạn xử lý cho trái nhằm phục vụ khách tham quan, trải nghiệm vào những tháng cuối năm
Ông Hóa cho biết: “Việc phát triển điểm du lịch sinh thái ở địa phương là một hướng đi mới, được hình thành dựa trên nhu cầu du lịch, giải trí của người dân. Hiện bên cạnh vườn nho, tôi trồng thêm một số loại cây ăn quả khác như sầu riêng, mít, chôm chôm để tạo thêm không gian cho khách du lịch tham quan, trải nghiệm”.
Cũng giống như vườn nho của ông Hóa, khu nhà màng trồng dưa lưới hơn 1,5ha của ông Ngô Văn Bảy (ấp Kênh Giữa) cũng là một trong các điểm đến quen thuộc của khách du lịch và các đoàn học tập kinh nghiệm của các cấp Hội Nông dân trong và ngoài tỉnh. Theo ông Bảy, cách đây hơn 7 năm, ông quyết định đầu tư hơn 350 triệu đồng để biến 2ha đất trồng lúa kém hiệu quả thành khu nhà màng kiên cố, bảo đảm các quy chuẩn trong canh tác dưa lưới.
Hiện trung bình mỗi năm, ông Bảy trồng được 3 vụ, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. “Dưa lưới của gia đình tôi đã được chứng nhận VietGAP. Hướng tới, tôi sẽ thành lập hợp tác xã để có đầu mối kết nối với doanh nghiệp. Cùng với đó, gia đình tôi cũng định hướng phát triển khu nhà màng trồng dưa lưới thành điểm tham quan, trải nghiệm để tiêu thụ dưa lưới và tạo thêm việc làm cho lao động địa phương” – ông Bảy chia sẻ.
Vườn dưa lưới của ông Ngô Văn Bảy (ấp Kênh Giữa, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh) là điểm đến quen thuộc của các đoàn học tập kinh nghiệm của các cấp Hội Nông dân trong và ngoài tỉnh
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, thực tế cho thấy, hiện nay, phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn xã Nhơn Ninh còn mang tính tự phát, chưa có sự đầu tư bài bản. Việc kết hợp phát triển các hoạt động du lịch gắn kết với nông nghiệp vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Hiệu quả hoạt động du lịch kết hợp với nông nghiệp còn chưa tương xứng so với tiềm năng hiện có. Sự liên kết giữa các điểm du lịch với các công ty làm du lịch chưa chặt chẽ; việc quảng bá, truyền thông về công tác du lịch tại địa phương còn mang tính cá nhân, tự phát;…
Chủ tịch UBND xã Nhơn Ninh – Huỳnh Văn Hồng Phim thông tin: Thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên trong thực hiện chương trình XDNTM, xã xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân. Trong đó chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp nhằm mang lại thu nhập cao hơn cho người dân bên cạnh các hoạt động nông nghiệp thuần túy.
“Xã huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư làm du lịch nhằm làm xanh, sạch môi trường, phát huy bản sắc, xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương. Qua đó, giúp người dân thấy được lợi ích trong XDNTM, hướng tới xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh và tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế vùng nông thôn, XDNTM hiệu quả và bền vững” – ông Huỳnh Văn Hồng Phim thông tin thêm./.
Minh Tuệ – Hoàng Tuân
Báo Long An Online – baolongan.vn