Chợ phiên số lần đầu tiên được tổ chức tại Cà Mau thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp chủ thể OCOP và nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng số.
Tỉnh Cà Mau hiện có 142 sản phẩm OCOP và nhiều sản phẩm đặc sản, đặc trưng có tiềm năng khác. Với các hoạt động chuyển đổi số, xúc tiến tiêu thụ hàng hóa trên sàn thương mại điện tử, thời gian qua, việc tiêu thụ nông sản trong tỉnh đã có nhiều bước tiến mới. Để hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Cà Mau tổ chức chương trình chợ phiên sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau năm 2024 và được diễn ra ngay sau sự kiện khai mạc Ngày hội chuyển đổi số tỉnh Cà Mau năm 2024. Chương trình được tổ chức bằng hình thức livestream, với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp, nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok và đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ, thu hút nhiều chủ thể, doanh nghiệp tham gia.
Là đơn vị tham gia vào chợ phiên lần này, Công ty TNHH sản xuất thương mại Hùng Khánh (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) đã có sự chuẩn bị nguồn hàng từ sớm, sẵn sàng mang sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau quảng bá trên nền tảng số. Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Hùng Khánh Đỗ Quốc Khánh cho biết: “Trước đây, các sản phẩm trà túi lọc xạ đen, trà thìa canh, trà đinh lăng của công ty phần lớn được tiêu thụ bằng hình thức trực tiếp thông qua các buổi gặp gỡ, diễn đàn, xúc tiến thương mại. Nhờ có sự quan tâm của các cấp, các ngành về vấn đề đầu ra sản phẩm OCOP, nhất là sử dụng các ưu điểm của chuyển đổi số mà chúng tôi có cơ hội được tiếp cận với nhiều phương thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm mới, đạt hiệu quả. Số lượng đơn hàng bán ra tăng lên đáng kể, khách hàng biết đến sản phẩm nhiều hơn”.
Đây là lần đầu tiên tỉnh Cà Mau tổ chức chợ phiên số, cũng là dịp để sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm OCOP vừa được trưng bày, giới thiệu tại các gian hàng của phiên chợ. Đồng thời, trực tiếp livestream cùng với các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok Shop. Qua đó, đã mang đếm sự hứng khởi, động lực để các tổ chức, cá nhân tiếp tục cố gắng mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại SK NONI (xã Lợi An, Trần Văn Thời) Khưu Văn Chương cho biết: “Bản thân tôi cũng như các chủ thể khác đều phấn khởi và cảm ơn lãnh đạo các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm tổ chức một chương trình ý nghĩa và có hiệu quả tốt trong việc tiêu thụ sản phẩm OCOP. Thông qua việc livestream, các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau được nhiều người biết đến hơn. Mở ra nhiều cơ hội để chủ thể được tiếp cận khách hàng, quảng bá, giới thiệu sản phẩm rộng rãi, hiệu quả hơn. Đây cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng hoàn thiện, phát triển sản phẩm tốt hơn, đạt chất lượng cao hơn”.
Thông qua chợ phiên số, các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm OCOP được giới thiệu, quảng bá rộng rãi trên thị trường số.
Cùng đồng hành với chợ phiên số lần này có sự quan tâm, tham gia của nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh. Không chỉ hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm còn mở ra nhiều cơ hội để tổ chức, cá nhân trong tỉnh có điều kiện phát triển tốt hơn. Giám đốc Chi nhánh HDBank Cà Mau Lê Minh Luân thông tin: “Tham gia chương trình chợ phiên sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau năm 2024 là cơ hội để HDBank được đồng hành và phát triển các chương trình hỗ trợ cộng đồng, nhất là chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong tỉnh. Bên cạnh việc thực hiện các chương trình hỗ trợ vốn cho chủ thể OCOP để phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, HDBank còn tích cực hỗ trợ các hoạt động đào tạo, chuyển giao công nghệ, tư vấn và tăng cường kỹ năng số, kết nối tiêu thụ sản phẩm, giúp các doanh nghiệp và chủ thể OCOP nâng cao khả năng cạnh tranh. Mong rằng, sự hợp tác của HDBank với chương trình OCOP đã đóng góp quan trọng phát triển của chương trình. Đồng thời, thúc đẩy kinh tế địa phương, gia tăng giá trị các sản phẩm nông sản, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân”.
Có thể nói, đây là phương thức truyền thông hiệu quả, góp phần đưa sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của tỉnh Cà Mau đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Trong phiên livestream kéo dài khoảng 4 giờ, vào ngày 05/10/2024, đã 21 sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau đã tiếp cận được trên 308.000 người, xuất hơn 1.400 đơn hàng. Các sản phẩm được người tiêu dùng quan tâm tại chợ phiên số lần này như: ba khía, tôm khô, bánh phồng tôm. Ngoài ra, các sản phẩm khác như chà bông tôm, mắm, nước cốt trái nhàu, trà,… cũng được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng cả nước thông qua phiên livestream.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau Trương Hà Phương Anh kỳ vọng: “Với mục đích mang giá trị địa phương tỏa sáng, tạo ra không gian gặp gỡ những ý tưởng sáng tạo, giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, hy vọng rằng, từ chương trình này, nhiều cơ hội phát triển mới sẽ được mở ra cho các sản phẩm OCOP. Quan trọng hơn, đây sẽ là bước đệm để các sản phẩm OCOP Cà Mau vươn xa ra thị trường trong nước cũng như quốc tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế địa phương và tạo thêm động lực cho sự nghiệp phát triển bền vững các mặt hàng OCOP của tỉnh Cà Mau”.
Với những kết quả tích cực mà chợ phiên số sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm OCOP năm 2024 mang lại, tin rằng đây sẽ là tiền đề quan trọng để các chủ thể tiếp tục phát triển sản phẩm lên những tầm cao mới. Đưa sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau tiến sâu vào các thị trường lớn cũng như xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới.