Trang phục phụ nữ Dao Thanh Y là sự kết tinh giữa kỹ thuật thêu tay điêu luyện và nghệ thuật tạo hình tinh xảo. Trên nền vải chàm đen, các gam màu đỏ, vàng, trắng, xanh – tượng trưng cho ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) – được phối hợp hài hòa, thể hiện triết lý sống gắn bó với thiên nhiên.

Nghệ nhân Trương Thị Quý (xã Bằng Cả, TP Hạ Long) chia sẻ: “Mỗi họa tiết như lưới mắt cáo, chim muông, cây cối… không chỉ mang tính trang trí mà còn chứa đựng thông điệp sâu sắc về vũ trụ quan, nhân sinh quan, thể hiện sự kết nối giữa con người với núi rừng, trời đất”.
Với người Dao, trang phục không chỉ để mặc mà còn là cách thể hiện bản sắc, lòng tri ân tổ tiên. Trong các dịp lễ hội, cưới hỏi, trang phục đẹp là minh chứng cho sự gìn giữ văn hóa. Tuy nhiên, nghề thêu lâu nay vẫn chủ yếu lưu truyền trong cộng đồng, chưa trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng.
Những năm gần đây, một số địa phương đã chủ động bảo tồn nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Tại xã Bằng Cả (TP Hạ Long), nơi có đông người Dao Thanh Y sinh sống, nghề thêu là một phần không thể thiếu trong đời sống. Các nghệ nhân như bà Trương Thị Quý, Trương Thị Đông thường xuyên truyền dạy kỹ thuật cho lớp trẻ. “Tổ du lịch cộng đồng” với gần 20 thành viên, nhiều người vừa là thợ thêu, vừa làm hướng dẫn viên, đã góp phần đưa nghề thêu trở thành sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch.
Khu bảo tồn văn hóa Dao Thanh Y tại Bằng Cả dần trở thành điểm đến hấp dẫn, đặc biệt với du khách quốc tế và học sinh tham gia tour giáo dục truyền thống. Các hoạt động như biểu diễn nghệ thuật thêu, lớp học trải nghiệm, góc trưng bày sản phẩm thổ cẩm… tạo nên sức hút riêng, lan tỏa giá trị văn hóa tới cộng đồng.

Một điểm sáng khác, tại xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí), cộng đồng người Dao ở thôn Khe Sú 2 cũng đang khôi phục nghề thêu thông qua các tổ nhóm thêu, dệt dây lưng. Nghệ nhân Trương Thị Bích vẫn miệt mài gìn giữ, truyền lửa nghề cho thế hệ trẻ. Kề đó, mô hình du lịch cộng đồng của chị Trương Thị Thanh Hương tái hiện không gian sinh hoạt truyền thống, nơi du khách được trải nghiệm nghề thêu, mặc thử, chụp ảnh trong trang phục dân tộc và cùng sáng tạo họa tiết mới.
Tương tự, ở các huyện Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà…, các nhóm thêu thổ cẩm đã được hình thành. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm vẫn chỉ phục vụ trong cộng đồng, thiếu tính thương mại, chưa được tích hợp bài bản vào hoạt động du lịch. Trong bối cảnh đó, những mô hình tiên phong như ở Bằng Cả và Khe Sú đang trở thành “điểm sáng”, cho thấy tiềm năng đưa nghề thêu trở thành sản phẩm du lịch phụ trợ độc đáo.
Ông Trần Đăng An, Giám đốc Công ty Du lịch Halotour, nhận định: “Trong bối cảnh du lịch cộng đồng và trải nghiệm ngày càng được ưa chuộng, những hành trình cho phép du khách tự tay thêu, nghe kể chuyện văn hóa, hóa thân trong trang phục dân tộc sẽ tạo dấu ấn mới mẻ, độc đáo cho du lịch Quảng Ninh”.
Thực tế cho thấy, việc đưa nghệ thuật thêu truyền thống vào mô hình du lịch cộng đồng đang mang lại hiệu ứng tích cực. Từ năm 2024 đến nay, mô hình tại Thượng Yên Công đã đón khoảng 100 lượt khách mỗi tuần. Không gian trải nghiệm, trưng bày và bán sản phẩm mỹ nghệ không chỉ tạo điểm nhấn cho tour mà còn giúp người dân tham gia có thêm thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/tháng.

Còn tại khu bảo tồn văn hóa Dao Thanh Y ở Bằng Cả, hàng trăm lượt khách, trong đó nhiều đoàn khách quốc tế theo tour tàu biển, đã đến tham quan. Nhiều du khách thích thú khi được hóa thân trong trang phục dân tộc, tự tay thêu sản phẩm và mang về làm kỷ niệm.
Để các mô hình phát triển bền vững, cần có các chính sách hỗ trợ, tiếp sức, thúc đẩy du lịch cộng đồng, đồng thời kết nối tổ nhóm nghề với doanh nghiệp du lịch. Đưa nghề thêu vào tour trải nghiệm, đầu tư không gian trưng bày, mở rộng hoạt động truyền nghề cho giới trẻ sẽ góp phần gìn giữ, lan tỏa giá trị văn hóa Dao Thanh Y, đồng thời tạo sức hút mới cho các điểm đến du lịch cộng đồng.
Tạ Quân
Báo Quảng Ninh – baoquangninh.vn – Đăng ngày 13/4/2025