Phát triển du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững
Thực tế, du lịch cộng đồng Con Cuông được manh nha từ năm 2011, sau khi có chủ trương xây dựng huyện Con Cuông trở thành đô thị sinh thái, Tổ Du lịch cộng đồng đầu tiên của huyện được thành lập tại Bản Nưa, xã Yên Khê. Sau khi thành lập, các thành viên trong Tổ Du lịch được các tổ chức đưa đi tập huấn, tham quan học hỏi kinh nghiệm về kỹ năng, kiến thức làm du lịch cộng đồng. Với niềm đam mê sẵn có, các thành viên đã tự mày mò, học hỏi, tìm hiểu và biến những ẩm thực truyền thống của đồng bào Thái, kết hợp với sự linh hoạt trong tư duy, từng bước làm mới các món ăn mang đậm bản sắc dân tộc, đồng thời phục dựng văn hoá của đồng bào Thái như dân ca, dân vũ, hát múa lăm vông, nhảy rạp, dệt thổ cẩm, đan lát mây tre đan…
Sau khi UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 4798/QĐ-UBND ngày 21/10/2015 về phê duyệt “Đề án xây dựng huyện Con Cuông thành thị xã theo hướng đô thị sinh thái, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội ở vùng miền núi Tây Nam Nghệ An”, huyện Con Cuông tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng tại các điểm du lịch cộng đồng, đặc biệt 03 hộ (homestay Hoa Thụ, homestay Hanh Chiến, homestay Nhượng Thành) được dự án JICA Nhật Bản lựa chọn đầu tư cơ sở vật chất để đảm bảo tốt nhất điều kiện sinh hoạt cho du khách, ngoài ra, các thành viên còn được đào tạo về kỹ năng làm du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, với việc gìn giữ những ngôi nhà sàn truyền thống sạch sẽ, thoáng mát cùng với không gian sân vườn rộng rãi, những homestay đã được đảm bảo các điều kiện về ngủ nghỉ, ăn uống, sinh hoạt vệ sinh của du khách. Về cơ bản, các nhà sàn còn lưu giữ được nếp nhà truyền thống đúng với bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái ở Con Cuông, mặt khác người dân sống thân thiện, hoà nhã và vẫn giữ nguyên được nề nếp sinh hoạt nên thu hút được du khách.
Cùng với việc xây dựng phát triển điểm du lịch cộng đồng Bản Nưa, đến nay huyện Con Cuông đã xây dựng và phát triển được 4 điểm du lịch cộng đồng có gắn biển đó là: Bản Nưa, xã Yên Khê; Bản Khe Rạn, xã Bồng Khê; Bản Xiềng, xã Môn Sơn và Bản Bãi Gạo, xã Châu Khê. Nhờ làm tốt công tác truyền thông, quảng bá du lịch và liên kết với các công ty lữ hành trong nước và ngoài nước, đã từng bước đưa du lịch cộng đồng huyện Con Cuông đến gần hơn với du khách thập phương, thu hút được khá nhiều du khách trong và ngoài nước về tham quan trải nghiệm các mô hình homestay. Năm 2022 thu hút 22.693 lượt khách, đến năm 2023 tăng lên 28.397 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống, văn nghệ, mua sắm tăng từ 3.974 triệu đồng lên 6.289 triệu đồng. Đây là những con số chưa phải quá lớn nhưng là kết quả đáng mừng đối với huyện mới làm du lịch cộng đồng và đang còn nhiều khó khăn như huyện Con Cuông. Đây sẽ là động lực để địa phương tiếp tục phấn đấu xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất và các dịch vụ du lịch khác nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Du lịch cộng đồng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức
Tiềm năng và lợi thế như vậy, nhưng việc phát triển du lịch cộng đồng của địa phương vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, huyện vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng để phát triển du lịch tương xứng, chưa thực sự tạo ra công ăn, việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương; phát triển du lịch cộng đồng tại huyện vẫn còn nhiều bất cập như:
Thứ nhất, du lịch vẫn còn tính tự phát, dựa trên những tài nguyên sẵn có, chưa có sự đầu tư nhiều về cơ sở vật chất; thiếu cơ sở lưu trú đạt chất lượng cao; cảnh quan xung quanh các điểm du lịch cộng đồng vẫn còn đơn sơ, chưa thật sự hấp dẫn, thu hút được du khách.
Thứ hai, sản phẩm du lịch thiếu hấp dẫn và chưa đa dạng, phong phú để thoả mãn được nhu cầu của du khách; khách chủ yếu đến tham quan, sử dụng dịch vụ lưu trú, ẩm thực và thưởng văn hoá văn nghệ; chưa có các khu vực, gian hàng bán đồ lưu niệm để du khách tham quan, mua sắm.
Thứ ba, thiếu đội ngũ nhân lực làm du lịch cộng đồng thật sự chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản; phần lớn những người làm du lịch ở đây còn gặp khó khăn khi giao tiếp với khách nước ngoài…
Thứ tư, vấn đề vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm tại các bản được chọn làm điểm du lịch cộng đồng chưa thật sự được quan tâm đúng mức; chưa xây dựng được các cung đường hoa, cây cảnh hay không gian thực sự khác biệt so với các nơi không phải là điểm du lịch cộng đồng.
Thứ năm, công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch địa phương vẫn còn hạn chế, chưa được chú trọng; chủ yếu thực hiện manh mún, chưa chuyên nghiệp, vì vậy, thông tin về các sản phẩm du lịch của địa phương chưa tiếp cận được tới nhiều du khách trong và ngoài tỉnh…
Giải pháp để du lịch cộng đồng phát triển bền vững
Để ngành du lịch của huyện nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vừa tạo công ăn, việc làm, xóa đói, giảm nghèo, vừa thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng thời giữ gìn và phát huy được những giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Con Cuông, trong khuôn khổ bài viết, tác giả đề xuất một số nội dung như sau:
Thứ nhất, cần phải có quy hoạch và các chính sách ưu tiên cho phát triển ngành du lịch, tạo dựng môi trường pháp lý lành mạnh, giúp ngành du lịch phát triển theo đúng định hướng và hiệu quả, thực sự coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.
Thứ hai, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật vừa đảm bảo yêu cầu, chất lượng và phù hợp với loại hình du lịch cộng động.
Thứ ba, cần quan tâm đào tào đội ngũ nhân lực làm du lịch cộng đồng, phổ cập ngôn ngữ tiếng Anh; đặc biệt là quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là người dân bản địa, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phát triển du lịch cộng đồng…vì đa số nhân lực làm du lịch cộng đồng là người dân bản địa, đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ tư, tạo môi trường, cảnh quan sạch đẹp; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào dân tộc Thái, là dân tộc có nhiều phong tục, lối sống, văn hoá, ẩm thực phong phú, đa dạng, đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần phát triển bền vững du lịch cộng đồng.
Thứ năm, hình thành, liên kết các tua, tuyến du lịch, kết nối với các công ty lữ hành, các địa phương; quan tâm đẩy mạnh và đa dạng hình thức tuyên truyền và quảng bá sản phẩm du lịch…
Thứ sáu, cần có sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và toàn xã hội, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, phát huy mạnh mẽ vai trò của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, để du lịch thực sự mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần phát triển kinh tế bền vững cho người dân địa phương.
Trong thời gian tới, đồng hành cùng với huyện nhà trong việc xây dựng huyện Con Cuông trở thành đô thị loại 4 theo Chương trình hành động số 68 – CTr/TU, ngày 15/11/2023 về thực hiện Nghị quyết số 39 – NQ/TW của Bộ Chính trị đó là xây dựng và phát triển huyện Con Cuông trở thành đô thị loại 4 theo hướng sinh thái, du lịch, Hội đồng nhân dân huyện Con Cuông sẽ tiếp tục ban hành các nghị quyết tạo cơ chế, chính sách để đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng tại các điểm du lịch của địa phương, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, kết hợp với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá đồng bào các dân tộc thiểu số, vừa tạo công ăn, việc làm, thu nhập cho người dân, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, sớm đưa huyện Con Cuông trở thành đô thị loại 4 theo hướng sinh thái, du lịch./.
Lương Hương
Đại biểu Nhân dân tỉnh Nghệ An – dbndnghean.vn