Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP Bắc Ninh

Chương trình mỗi xã, phường 1 sản phẩm (OCOP) tại Bắc Ninh là động lực quan trọng thúc đẩy, khai thác hiệu quả và nâng cao giá trị sản xuất, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đặc trưng, phát huy tiềm năng lợi thế của từng địa phương.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, đến nay toàn tỉnh Bắc Ninh công nhận 174 sản phẩm OCOP trong đó 108 sản phẩm đạt 3 sao, 66 sản phẩm 4 sao.

Các sản phẩm được công nhận thuộc 5/6 nhóm sản phẩm OCOP (nhóm thực phẩm 109 sản phẩm, đồ uống 15 sản phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ 45 sản phẩm, thảo dược 3 sản phẩm, sinh vật cảnh 2 sản phẩm); 76 chủ thể sản phẩm OCOP được công nhận (19 hợp tác xã, 19 doanh nghiệp và 38 hộ gia đình đăng ký kinh doanh).

Các sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp, nguồn gốc sản xuất rõ ràng, tạo được lòng tin của người tiêu dùng. Chương trình OCOP nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự quan tâm, tham gia của các chủ thể OCOP trong tỉnh, giúp các chủ thể OCOP tăng sức cạnh tranh trong quá trình kinh doanh sản phẩm trên thị trường. 

Chương trình mỗi xã, phường 1 sản phẩm (OCOP) tại Bắc Ninh là động lực quan trọng thúc đẩy, khai thác hiệu quả và nâng cao giá trị sản xuất

Tại huyện Tiên Du, sau 5 năm triển khai có 38 sản phẩm tham gia chương trình (20 sản phẩm được công nhận, công nhận lại đạt chất lượng từ 3 sao trở lên). Các sản phẩm sau khi được công nhận đều có sự mở rộng về quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng, cải thiện mẫu mã sản phẩm và hiệu quả kinh tế cho các chủ thể.

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh), các sản phẩm được công nhận chất lượng khi tham gia chương trình OCOP góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế, mở ra cơ hội nâng cao giá trị nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, hiệu quả. Sau khi các sản phẩm tại địa phương được chứng nhận sản phẩm OCOP, các chủ thể đầu tư, nâng cấp mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng mẫu mã bao bì, quan tâm đến công tác quảng bá thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh. 

Với 4 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh: Mắm tép chưng thịt, thịt xào mắm ruốc, trâu khô PTK, heo khô PTK, chị Nguyễn Thị Huyên, Giám đốc Công ty TNHH PTK Việt Nam, thị trấn Lim, huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ: “Sau khi tham gia chương trình OCOP, các sản phẩm của Công ty được nhiều người biết đến; thị trường được mở rộng hơn, tiêu thụ tốt hơn, tạo uy tín với khách hàng hơn. Chương trình OCOP có ý nghĩa phát huy các thế mạnh và đặc trưng của địa phương, giúp tăng lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đặc biệt, chương trình còn giúp cho hộ kinh doanh tự hoàn thiện quy trình sản xuất để đáp ứng các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, cải tiến và nâng tầm giá trị sản phẩm hơn nữa”. 

Chương trình OCOP có ý nghĩa phát huy các thế mạnh và đặc trưng của địa phương, giúp tăng lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường

Ông Lưu Văn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh Bắc Ninh cho biết, qua kiểm tra, giám sát và đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình OCOP tại các huyện, thị xã, thành phố, các sản phẩm OCOP cơ bản đáp ứng đủ các điều kiện tiêu chuẩn về thương hiệu, nhãn hiệu, mã truy xuất nguồn gốc, kiểm định chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. 

Thuận tiện trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bán hàng, tiêu thụ sản phẩm, tham gia vào các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm, vươn ra thị trường lớn, xuất hiện trên “kệ sản phẩm” của những thị trường trong và ngoài tỉnh, giúp tái cơ cấu kinh tế nông thôn; đa số các sản phẩm sau khi được chứng nhận OCOP có sản lượng, doanh thu cao hơn khi chưa được chứng nhận.

Để nâng cao hiệu quả và phát huy chương trình OCOP tại các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục định hướng, hướng dẫn các chủ thể OCOP quan tâm, triển khai tạo sự khác biệt, tăng giá trị cho sản phẩm, đa dạng kích cỡ, mẫu mã sản phẩm để phù hợp với thị hiếu, nhu cầu người tiêu dùng; bảo đảm vùng nguyên liệu, chất lượng nguyên liệu đầu vào, bảo đảm truy xuất nguồn gốc; quan tâm, duy trì, chủ động cập nhật các nội dung quy định về chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, mã vạch, kiểm nghiệm định kỳ các chỉ tiêu an toàn thực phẩm…

Các sản phẩm được tinh chế từ quả bồ kết ở huyện Lương Tài, Bắc Ninh

Cũng theo ông Lưu Văn Khải, các địa phương, đơn vị chuyên môn cần chỉ đạo, định hướng cho chủ thể OCOP tích cực kết nối với các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, điểm dừng nghỉ, điểm du lịch… trong và ngoài tỉnh; tích cực tham gia các hội chợ OCOP, hội chợ thương mại tại các tỉnh, thành trên cả nước nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP, giúp chủ thể mở rộng thị trường, bảo đảm việc liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi được bền chặt, hiệu quả.

Các cấp, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm hỗ trợ các chủ thể về chính sách, vốn sản xuất, kinh doanh, đầu tư khoa học công nghệ và xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện quy trình chế biến quy mô nhỏ và vừa, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được công nhận; tăng cường chuyển giao ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc.

Hướng dẫn các chủ thể đặt tên gọi sản phẩm gắn với địa danh, địa lý, văn hóa, đặc sản, đặc trưng hoặc tên cơ sở sản xuất để người tiêu dùng dễ nhận biết trên thị trường và thuận tiện cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm chất lượng, nâng tầm giá trị đặc sản địa phương.

Tiến Dũng/VOV.VN