Nam Định phát triển các ngành nghề nông thôn

Theo tinh thần Quyết định 21/2020/QĐ-UBND ngày 23/6/2020 của UBND tỉnh Nam Định, các ngành, địa phương đã tăng cường phối hợp để thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn. Trong đó, chú trọng gắn phát triển các ngành nghề nông thôn với kế hoạch xúc tiến thương mại, phát triển vùng nguyên liệu theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, an toàn lao động; quan tâm xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý để tạo ra các sản phẩm, ngành hàng có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.

Tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao

Theo Sở Công thương tỉnh Nam Định, nhằm góp phần tạo sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, ổn định việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân, các ngành chức năng địa phương đã tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn. Trong đó, tổ chức lại sản xuất ngành nghề nông thôn, làng nghề theo hướng hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề tăng cường hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ phát triển các ngành sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản và muối; phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao; sản xuất nông, lâm nghiệp, làng nghề kết hợp với du lịch sinh thái.


Gian hàng trưng bày và giới thiệu các sản phẩm OCOP. Nguồn: ITN

Từ năm 2020 đến nay, Nam Định đã đẩy mạnh khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp vùng nông thôn, nhất là các doanh nghiệp làng nghề truyền thống, các ngành nghề mũi nhọn, chủ lực phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo; bám sát nhu cầu tiêu dùng thực tế. Đồng thời, nỗ lực khắc phục mọi tác động tiêu cực do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để tổ chức ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhiều sản phẩm ngành nghề nông thôn vẫn tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, chiếm lĩnh, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; nhất là các sản phẩm chế biến lương thực, thực phẩm, các sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Nhiệm vụ thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại khu vực nông thôn được đẩy mạnh với hàng loạt biện pháp có trọng tâm, trọng điểm, tạo môi trường thuận lợi. Cụ thể như việc lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đã chú trọng quy hoạch các cụm, điểm công nghiệp tại các vị trí thuận lợi về hạ tầng giao thông, điện, nước; triển khai, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu, cụm công nghiệp và xây dựng mạng lưới hạ tầng giao thông theo hướng tăng khả năng giao lưu, liên kết kinh tế – xã hội trong tỉnh và trong khu vực; hỗ trợ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng làng nghề gắn với phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới; quan tâm đến công tác đào tạo nghề…

Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng và Chế biến thủy sản Liên Phong Đinh Thanh Khiết cho biết, từ cơ sở sản xuất nhỏ, đến nay, doanh nghiệp đã xây dựng được trại giống rộng 4ha gồm 20 ao sản xuất ngao giống và 60 bể sản xuất hàu. Mỗi năm, công ty cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 2 tỷ con giống chất lượng cao như ngao, cua, cá bống bớp, tôm sú, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động. Bên cạnh đó, còn phát triển thêm được hơn 100ha nuôi hàu thương phẩm tại tỉnh Quảng Ninh. 

Liên kết chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với nông dân

Theo Sở Công thương tỉnh Nam Định, toàn tỉnh hiện đã xây dựng được 30 chuỗi liên kết sản xuất, tập trung hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc và phát triển thị trường cho 321 sản phẩm ngành nghề nông thôn. Cơ cấu thu nhập của các hộ dân ở nông thôn có sự thay đổi đáng kể, hộ có thu nhập chính ngoài nông nghiệp chiếm trên 80%. Mức sống của người dân nông thôn được cải thiện đáng kể, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn giảm còn 1,31 lần.

Mặc dù vậy, hầu hết các doanh nghiệp khu vực nông thôn mới chỉ ở quy mô nhỏ và vừa nên hạn chế năng lực trong việc đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, thường tham gia sản xuất trong các lĩnh vực, ngành nghề có giá trị gia tăng thấp; trình độ quản lý, điều hành còn hạn chế… Điều đó dẫn đến việc các doanh nghiệp gặp khó khăn khi tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ hiện đại ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Bên cạnh đó, tại khu vực nông thôn, hiện nay còn nhiều cơ sở, doanh nghiệp phát triển từ hộ sản xuất, tận dụng nơi ở làm nơi sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, điều kiện sống của người dân xung quanh.

Thời gian tới, tỉnh Nam Định tiếp tục tập trung nguồn nhân lực đẩy mạnh hỗ trợ, giải quyết các hạn chế trọng tâm trong phát triển ngành nghề nông thôn. Chú trọng hỗ trợ phát triển các mô hình có liên kết chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất nông, lâm, thủy sản, có tính lan tỏa, hiệu quả cao; các dự án, mô hình tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tiếp tục xây dựng kế hoạch, đề án, dự án phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn phát triển các nghề, làng nghề truyền thống theo hướng phát huy lợi thế của từng vùng, miền, gắn với du lịch sinh thái, du lịch làng nghề.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, hướng đến các nguồn vốn trung và dài hạn để đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới, đơn giản hóa thủ tục vay vốn để tăng cường khả năng tiếp cận của các cơ sở đến nguồn vốn ưu đãi. Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất của ngành nghề nông thôn, ưu tiên cho các lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, các sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Phan Phương