Một bên là sông Vàm Cỏ Đông, bên kia là rạch Trảng Bàng. Những khu nhà xưởng mênh mông soi bóng mình trên mặt nước. Những con đường bê tông thẳng tắp xanh rờn bóng cây.
Theo quốc lộ 22, đoạn qua xã Gia Bình thuộc thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh), nhìn về phía Tây là thấy những mái nhà cao thấp đỏ xanh nổi lên trên cánh đồng xa xanh hút tầm con mắt. Phía ấy chính là khu công nghiệp, thoạt đầu có tên Bourbon, sau là Thành Thành Công xây dựng trên vùng đất trước kia là cù lao An Thới.
Khu công nghiệp bên rạch Trảng Bàng
Còn nhớ ngày động thổ khu công nghiệp “xanh” đầu tiên ấy trên đất Tây Ninh. Đấy là ngày 30.10.2009. Trên vùng đất rộng cả ngàn héc-ta vừa đổ đầy những cát, là hàng chục xe cẩu, xe ban gạt hùng dũng ra quân. Mới chỉ 14 năm. Khu công nghiệp có hình hài vẽ trên một chiếc lá xanh đã thành hiện thực.
Một bên là sông Vàm Cỏ Đông, bên kia là rạch Trảng Bàng. Những khu nhà xưởng mênh mông soi bóng mình trên mặt nước. Những con đường bê tông thẳng tắp xanh rờn bóng cây. Khu công nghiệp này đã hút ánh mắt nhìn của người đi qua, dù ở rất gần hay còn ở khá xa, trên con đường nay được gọi là đường Xuyên Á.
Có lẽ ít người để ý đến những vùng đất vẫn ngời xanh bên tả ngạn rạch Trảng Bàng. Muốn thăm thú, ta chỉ cần rẽ vào, theo lối ngã tư Gia Bình hoặc con đường bên cạnh nhà thờ Bình Nguyên. Nhớ mùa nước nổi năm nào, con đường Bình Nguyên như một con rắn lượn giữa mênh mông nước. Hoa rong vàng như những đám mây vàng luênh loang trên mặt nước.
Còn hôm nay, theo con đường từ ngã tư Gia Bình, chỉ vài trăm mét sau là đã thấy những ngôi nhà xưa, kiểu chữ đinh tuyệt đẹp đứng bên đường. Dù có ngôi, đã được thế hệ sau cải tạo ít nhiều, như có sê-nô, cột đúc bê tông nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc nhà xưa; thì vẫn còn lại một ngôi “nguyên bản” giữ vẻ đẹp lặng thầm suốt bao năm tháng.
Nguyên bản, là mọi kết cấu của nhà cứ ánh lên màu trầm của đất, gạch tàu đỏ óng trước hiên nhà. Cột gỗ tròn cũng điệp màu với đất. Và mái ngói vẫn là mái ngói, rêu phong chỉ làm thâm hơn màu đất nung già.
Qua một khoảng sân gạch rộng chừng 4 mét là đến bức bình phong đối diện ngay cửa chính của nhà được xây thành chiếc hồ con bán nguyệt. Giữa hồ xây bàn thiên với chỉ một bát nhang. Cấu trúc này như có gốc gác tận ngoài Trung hay Huế. Có vẻ như chủ nhân xa xưa của nhà còn “…gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân” (thơ Nguyễn Khoa Điềm).
Con đường từ ngã tư Gia Bình còn đưa đến một ngôi miếu cổ, dân gian gọi miễu Bà. Miễu nằm dưới bóng mát một cây củ chi cổ thụ, tán cây xoè ra như chiếc lọng che. Theo một cụ cao tuổi họ Dương, thì ngôi miếu có nguồn gốc từ xưa, kể từ hơn trăm năm trước. Thoạt tiên, miếu được xây trên bến Bình Thuỷ, một bến sông qua lại giữa hai thôn Gia Bình và An Hoà của tổng Hàm Ninh.
Bên kia, nay là khu phố An Lợi của phường An Hoà cũng có một ngôi thờ Thuỷ long thần nữ. Bên ấp Chánh Gia Bình cũng có một ngôi thờ bà chúa xứ. Đến năm 1939, vì một lý do nào đó mà ngôi thờ này chuyển tới chỗ hiện nay và chuyển sang thờ các vị “Ngũ Hành nương nương”. Nay trở lại thì miếu đã lại thờ “Bà Chúa xứ Nguyên Nhung” có cả tượng Bà khoác áo mão trang nghiêm chính giữa. Hai bên còn có các vị Chúa Tiên, Ngũ Hành.
Đáng tiếc nhất là tấm biển đề ngày 25.1 năm Kỷ Mão (1939) không còn nữa. Thay vào đó là tấm biển mới ghi năm 2019, Kỷ Hợi. Chắc là năm miếu được trùng tu. Kết quả cuộc trùng tu này không chỉ là ngôi miếu cũ, mà tất cả còn được phủ lên một mái tôn che nắng che mưa. Ngoài ra còn có thêm một Phật đài tượng Quán Thế Âm bồ tát theo mô hình mới ngày nay là “tiền phật hậu thánh”.
Xin trở lại với bến nước Bình Thuỷ. Dù ngày nay đã trở lại cảnh vắng vẻ đìu hiu nhưng vẫn là nỗi nhớ sâu xa của những người nặng lòng với quê hương bản quán. Có thể bến Bình Thuỷ là nơi đầu tiên nâng đỡ bước chân của những lưu dân đi mở đất Gia Bình.
Theo Dương Công Đức, trong sách Gia Bình xưa (Nxb văn hoá Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, năm 2010) thì dòng họ Dương đến Trảng Bàng khi các thôn xã như Gia Lộc, An Tịnh, Lộc Hưng… đã đông người đến ở.
Do vậy “cụ Tổ Dương Tấn Phong cùng các bạn đồng hành phải tiếp tục đi sâu vào các con rạch nhỏ của sông Quang Hoá (Vàm Cỏ Đông) với mong muốn khám phá những vùng đất mới có thể sinh sống mà chưa có dấu chân người Việt.
Đấy là lý do tại sao các cụ đã lên tận vùng đất nay là ấp Chánh, xã Gia Bình, là vùng đất cách xa sông Quang Hoá và chỉ nằm trên một con suối nhỏ gần đầu nguồn…”. Vâng! Con suối nhỏ đầu nguồn ấy chính là nơi có bến sông xưa mang tên Bình Thuỷ, nơi thoạt tiên người dân đã dựng 2 ngôi miếu thờ Bà Chúa xứ và Thuỷ long thần nữ. Để tạ ơn Bà Thuỷ đã phù hộ lưu dân vượt qua muôn trùng sóng dữ. Và cũng để tạ ơn bà Chúa ruộng đồng giúp con người khai hoang mở đất làm nên những cánh đồng vàng và những xóm thôn.
Về lịch sử Gia Bình, Từ điển Địa danh hành chính Nam bộ (Nguyễn Đình Tư, Nxb Chính trị Quốc gia, 2008) có viết tại mục từ Hàm Ninh (trang 416), rằng tổng thuộc huyện Tân Ninh, và vùng đất Trảng Bàng hiện nay mới chỉ có 4 thôn là Gia Lộc, An Tịnh, Lộc Hưng và Phước Chỉ.
Đến năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), Tuyên phủ sứ Tây Ninh là Cao Hữu Dực mới lập thêm 12 thôn, trong đó có An Hoà và Gia Bình. Theo cụ Dương Văn Kiểm- nguyên Trưởng Ban cúng miếu Bà thì cái tên Gia Bình là do: Gia là Gia Lộc, còn Bình là để kỷ niệm tên làng xưa là Bình Tịnh, mà từ đây sau này, cả An Hoà lẫn Gia Bình đều được tách ra.
Bến sông xưa ấy vẫn còn. Và cái tên Bình Thuỷ vẫn còn, ít ra là bên khu phố An Lợi, nơi có ngôi miếu thờ Bà Chúa xứ. Bởi miếu được gắn biển số nhà hẳn hoi, là số 02/15 ấp An Lợi, tổ 24- Bình Thuỷ. Hẳn là đã có thời đây là một bến nước đông vui, trên bến dưới thuyền.
Mà nay chỉ có vài chiếc ghe xuồng đến đậu, dưới bóng những cây gừa um tùm thả rễ xuống mặt sông. Thú vị nhất là ra đứng bên bờ suối, hay rạch Trảng Bàng. Dường như không gian vẫn còn nồng hậu như xưa khi nâng đỡ bước chân người xưa đi mở đất.
Những đoạn suối quanh co, đôi bờ ắp xanh màu lá. Một con rạch lớn, với cây cầu cong vút bắc qua. Phóng tầm mắt qua gầm cầu cong vắt ấy là một đô thị công nghiệp như mọc lên từ màu xanh cây lá và lung linh mặt nước. Đây mới chỉ là một góc rất nhỏ thôi của vùng quê ven rạch Trảng Bàng.
Trần Vũ
Báo Tây Ninh Online – baotayninh.vn