Mô hình du lịch nông thôn tại Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải – Thái Nguyên

(TITC) – Làng nhà sàn Thái Hải có tên gọi đầy đủ là Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải có diện tích khoảng 25ha với khoảng 30 ngôi nhà sàn có tuổi đời lên đến hàng trăm năm tuổi. Làng nằm cách trung tâm Tp.Thái Nguyên và trung tâm Tp Sông Công khoảng 10km.

Đây là nơi quy tụ của một cộng đồng gần 200 nhân khẩu là đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chỉ cùng sinh sống và lao động sản xuất. Trong đó người Tày chiếm đa số. Nhiều gia đình có 3 đến 4 thế hệ cùng sinh sống để cùng nhau vừa phát triển kinh tế vừa bảo tồn và quảng bá những nét đẹp của dân tộc đến với với du khách. 

Các nhà sàn ở đây được chuyển về từ khu ATK Định Hóa, Thái Nguyên và phục dựng lại nguyên bản với mục đích gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc một cách tốt nhất. Xung quanh nhà sàn là khung cảnh núi đồi, cỏ cây, hoa lá và những hồ nước lớn đem đến cảm giác bình yên.

Cùng với các ngôi nhà, văn hóa, vật dụng sinh hoạt hàng ngày của người Tày cũng được các gia đình gìn giữ nguyên vẹn. Từ những cái cối xay thóc, cối giã gạo bằng nước, bồ đan, giếng nước… đến trang phục dân tộc, phụ kiện, ẩm thực đều tuân theo nét văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Được khởi công xây dựng từ năm 2003, đến năm 2011 Khu bảo tồn làng nhà sàn du lịch sinh thái Thái Hải chính thức được đưa vào khai thác để phục vụ khách du lịch. Năm 2014, Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã có quyết định công nhận nơi đây là điểm du lịch địa phương.

Ở ngôi làng này mọi người sống bao bọc nhau như trong một gia đình. Công việc được phân công theo năng lực và sở trường của từng người. Người thì nuôi trâu giỏi, người chăn lợn giỏi, người giao tiếp bên ngoài xã hội giỏi, về ăn chung với nhau, dạy nhau làm ăn. Tất cả cùng bảo ban, yêu thương nhau, không phân biệt trình độ hay lứa tuổi.

Các gia đình nhỏ ở Thái Hải không có sở hữu riêng, sản phẩm mỗi người làm ra đều được tập hợp lại, sau đó được phân phối phục vụ theo nhu cầu của từng người và cộng đồng làng.

 

Các nhu cầu chi tiêu, sinh hoạt từ riêng tư đến thiết yếu của mỗi gia đình, cá nhân như bị ốm cần đi khám, chữa bệnh, đi học, kể cả đi học đại học… đều có Trưởng làng Nguyễn Thị Thanh Hải lo liệu. Vì thế, mỗi nhà đều có chức năng riêng, phân công lao động đạt đến trình độ khá cao.

Những ngôi nhà đặc trưng của Khu bảo tồn phải kể tới như: Nhà chè; nhà thuốc; nhà rượu; nhà bánh; nhà đan lát… Mỗi căn nhà là một nơi gìn giữ và quảng bá nét đẹp riêng về văn hóa của dân tộc mình.

Điển hình như các ngôi nhà sàn truyền thống, các thành viên có trình độ về y học cổ truyền của “Nhà Thuốc” có trách nhiệm bảo tồn, thu hái, bảo quản, cung cấp những bài thuốc để chữa bệnh cho người làng. Ngoài ra, khi du khách có nhu cầu thì “Nhà Thuốc” cũng bán. “Nhà Rượu” thì chuyên nấu rượu, “Nhà Bánh” chuyên làm các loại bánh đặc trưng, “Nhà Đan lát” làm ra những đồ gia dụng bằng tre, nứa để làng dùng và bán cho du khách…

Mọi hoạt động sản xuất đều mang tính tự cung tự cấp. Họ trồng rau, cấy lúa, nuôi cá, chăn thả gia súc, sản xuất nước uống đóng chai, trồng và chế biến chè xanh, tự nấu rượu theo đặc trưng của dân tộc mình. Mọi hoạt động đều gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái và duy trì nguồn thực phẩm sạch để sử dụng. Mọi người đều cố gắng gìn giữ những nét sinh hoạt văn hóa của dân tộc mình. Từ trang phục, lời ăn tiếng nói, nếp sinh hoạt hằng ngày cho tới những lễ hội truyền thống…

Làng Thái Hải không chỉ bảo tồn nhà sàn, trang phục, đồ dùng của đồng bào dân tộc Tày vùng Định Hóa, mà còn bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, từ ngôn ngữ, ẩm thực, trò chơi truyền thống, hát then, đàn tính đến lễ hội, nghi lễ tâm linh. Trẻ em sáu tuổi trong làng được học hát then, đàn tính.

Để bảo tồn được những giá trị truyền thống ấy, cần có sự điều phối của trưởng bản và sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa những gia đình, cá nhân và cộng đồng tại làng. Mọi người đều được giáo dục tình yêu và tâm huyết với di sản văn hóa dân tộc. Làng luôn khuyến khích, động viên và tạo điều kiện để mọi người học và giao tiếp bằng tiếng Tày. Riêng các gia đình dân tộc trong “vùng lõi” của làng, bắt buộc phải giao tiếp bằng tiếng Tày. Các em bé độ tuổi mầm non đã được bố mẹ, ông bà dạy cho giao tiếp, nói chuyện bằng tiếng Tày.

Gần đây du khách trong nước và ngoài nước tìm đến Thái Hải ngày càng nhiều để được nghe hát then, đàn tính, chứng kiến nghi lễ văn hóa, lễ hội truyền thống, thưởng thức ly rượu thơm, chén trà tinh khiết, thưởng thức các món ẩm thực truyền thống của người Tày và được ngủ dưới mái nhà sàn truyền thống…

Với mô hình phát triển du lịch nông thôn hiệu quả, bền vững về mặt kinh tế, xã hội và môi trường – cũng như việc bảo tồn và phát huy các giá trị dựa vào cộng đồng, năm 2023 Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã trao Giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất” cho Làng du lịch Thái Hải của Việt Nam và làng đã trở thành đại diện duy nhất của Đông Nam Á góp mặt tại Giải thưởng danh giá này.

Trung tâm Thông tin du lịch