Long An: Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn

Long An có tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú với đôi dòng Vàm Cỏ, hệ sinh thái đất ngập nước Đồng Tháp Mười, các di tích lịch sử - văn hóa,... Từ tiềm năng đó, tỉnh có nhiều lợi thế phát triển du lịch nông thôn (DLNT), sản phẩm khai thác các giá trị đặc thù về văn hóa, lối sống, truyền thống làng quê, gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp của cộng đồng ở vùng nông thôn.

Nhiều tiềm năng phát triển

Sau khi tham gia chương trình “Caravan famtrip 2023 – Mời bạn về Long An” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, Giám đốc Công ty (Cty) Du lịch Tín Việt – Lê Trung Tín cho biết, Cty sẽ ra mắt chương trình tour khám phá Long An kết hợp tìm hiểu lịch sử trong 2 ngày 1 đêm, kết nối các điểm đến DLNT trên địa bàn tỉnh: Làng nổi Tân Lập, hàng cau vua, Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo,…

“Trước đây, tôi chưa biết rõ về du lịch Long An. Sau chương trình Caravan, tôi thấy Long An có đủ tiềm năng du lịch, thêm lợi thế gần TP.HCM nên có thể khai thác sản phẩm DLNT khá tốt, không thua kém địa phương nào” – anh Lê Trung Tín chia sẻ.


Dịch vụ chèo xuồng ba lá giúp du khách cảm nhận rõ hơn nét đẹp của vùng Đồng Tháp Mười

Một trong những điểm đến Cty Du lịch Tín Việt quan tâm là Làng nổi Tân Lập (huyện Mộc Hóa), đây là khu du lịch sinh thái nổi bật của tỉnh. Làng nổi Tân Lập với không gian bình yên, xanh mát là điểm đến được lựa chọn của nhiều người khi muốn tạm rời xa những ồn ào, tất bật của phố thị. Khu du lịch là nơi có tuyến đường dal dài nhất Việt Nam len lỏi dưới tán tràm xanh mướt. Dịch vụ chèo xuồng ba lá, cáp kéo giúp du khách cảm nhận rõ hơn nét đẹp của vùng Đồng Tháp Mười khi đi dưới tán tràm, nghe chim rừng vỗ cánh, cá đớp chân bèo và ngắm hoa sen, súng nở hồng trên mặt nước.

Làng nổi Tân Lập cũng thường xuyên tổ chức nhiều dịch vụ mới phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách. Hiện tại, ngoài dịch vụ tham quan, trải nghiệm, Làng nổi Tân Lập còn có trò chơi dưới nước, bắt ốc, giăng lưới bắt cá,… Ngoài ra, ẩm thực tại đây hầu hết đều là đặc sản nổi bật của vùng Đồng Tháp Mười, mang đến cho du khách trải nghiệm thú vị trong chuyến đi. Ngoài Làng nổi Tân Lập, tại huyện Mộc Hóa, Khu du lịch Cánh đồng bất tận cũng là điểm du lịch sinh thái nổi bật của Long An.


Học sinh hướng dẫn du khách làm bánh in tại Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ)

Bên cạnh du lịch sinh thái, tỉnh cũng bước đầu khai thác du lịch cộng đồng tại Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ). Mới đây, tour du lịch Tân Trụ quê hương em đi vào hoạt động tại Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo, vào các ngày chủ nhật hàng tuần, giúp du khách tìm hiểu thêm về những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Tân Trụ thông qua các nghề truyền thống được “thu nhỏ” tại khu di tích.

Đối tượng khách của tour Tân Trụ quê hương em hướng đến là học sinh, sinh viên nhằm giáo dục truyền thống và khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ. Chính vì thế, hướng dẫn viên của tour cũng là các học sinh tại huyện Tân Trụ. Được hướng dẫn cẩn thận về kỹ năng thuyết minh, hướng dẫn khách du lịch, đội ngũ hướng dẫn viên nhí tạo nên điểm nhấn cho tour du lịch, vừa thu hút, tạo sự thân thiện, gần gũi cho du khách. Việc triển khai tour Tân Trụ quê hương em tạo nên sản phẩm du lịch mới; đồng thời, mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư trong khu vực, tạo niềm vui và mang đến giá trị tinh thần cho người dân.

Định hướng trong tương lai

Nhằm tận dụng các tiềm năng sẵn có để phát triển DLNT, trong chương trình “Caravan famtrip 2023 – Mời bạn về Long An”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giới thiệu nhiều điểm đến có tiềm năng phát triển DLNT: Làng nổi Tân Lập, Chavi Garden, hàng cau vua, Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo,… Cung đường đi của đoàn được lựa chọn là những tuyến đường quê rực rỡ sắc hoa chuông vàng hay những cánh đồng ngập nước vùng Đồng Tháp Mười đầy thơ mộng. Tại một số điểm đến, việc trưng bày, cung cấp sản phẩm OCOP của tỉnh được chú trọng, giúp du khách có thêm cơ hội tìm hiểu, mua sắm sản phẩm từ nông nghiệp của Long An trong chuyến hành trình. Hy vọng rằng, sau hành trình Caravan, một số sản phẩm DLNT của tỉnh sẽ được các công ty du lịch, lữ hành khai thác, phục vụ du khách, đặc biệt là du khách đến từ miền Trung, miền Bắc.


Du khách tham quan vườn chanh tại Chavi Garden (huyện Bến Lức)

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế đang được khai thác: Làng nổi Tân Lập (huyện Mộc Hóa), Chavi Garden (huyện Bến Lức),… thì làng mai Tân Tây (huyện Thạnh Hóa) chính là điểm nhấn nổi bật về DLNT của Long An. Mặc dù chưa chính thức khai thác du lịch nhưng làng mai Tân Tây có rất nhiều lợi thế để có thể trở thành điểm du lịch đặc sắc của tỉnh. Với nét đặc trưng là vùng trồng mai vàng rộng lớn, chất lượng cao gắn với câu chuyện ông tổ làng mai đầy hấp dẫn, kết cấu hạ tầng đang từng bước được đầu tư và tâm thế người dân hết sức sẵn sàng, việc phát triển du lịch tại làng mai Tân Tây được đánh giá là có nhiều hứa hẹn.

DLNT là hoạt động du lịch trên địa bàn nông thôn, khai thác các tài nguyên du lịch đặc thù về văn hóa, lối sống, truyền thống làng quê, gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp của cộng đồng ở vùng nông thôn. Hoạt động DLNT thường tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tác động tích cực đến cuộc sống của cộng đồng, trực tiếp tạo ra “cầu nối” giữa sản xuất, cung cấp nông sản, sản phẩm thủ công với khách tham quan. Chính vì thế, khi định hướng phát triển DLNT, Long An luôn gắn với xây dựng nông thôn mới và quảng bá, lan tỏa sản phẩm OCOP tỉnh nhà.


Du khách lựa chọn sản phẩm OCOP ở điểm dừng chân Đồng Tháp trong hành trình Caravan

Việc tích hợp chuỗi sản phẩm OCOP thành sản phẩm du lịch được quan tâm, chú trọng khi phát triển DLNT nhằm tăng giá trị sản phẩm du lịch, tạo nguồn thu cho từng địa phương; đồng thời, có thể giới thiệu, quảng bá hình ảnh Long An đến du khách. Hiện tại, Hiệp hội Du lịch tỉnh nỗ lực phối hợp các địa phương, điểm đến kết nối, xây dựng và phát triển thương mại cho sản phẩm OCOP cũng như nỗ lực xây dựng hình ảnh nhận diện riêng cho sản phẩm OCOP tỉnh.

Long An có lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên và các điều kiện cần thiết để phát triển loại hình DLNT. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc phát triển loại hình du lịch này đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. Việc nhìn rõ những tiềm năng, lợi thế và có định hướng phát triển cụ thể sẽ là động lực để tỉnh ngày càng hoàn thiện và từng bước phát triển DLNT trong thời gian tới./.

Quế Lâm
Báo Long An – baolongan.vn