Cùng tham dự buổi làm việc có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; các đồng chí Thường trực Huyện ủy, UBND, Ban Thường vụ và lãnh đạo các xã, thị trấn trên địa bàn 02 huyện Bảo Thắng, Bảo Yên; đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh.
Buổi làm việc trực tiếp tại huyện Bảo Yên
Và truyền hình trực tuyến đến các điểm cầu thuộc huyện Bảo Thắng
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh Lào Cai có điều kiện, tiềm năng về thổ nhưỡng, khí hậu… thuận lợi để phát triển sản xuất nhiều loại cây trồng. Tỉnh ủy cũng đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung vào một số cây trồng chủ lực như chè, chuối, quế… Trong buổi sáng ngày hôm nay, Đoàn công tác đã tham quan, khảo sát một số mô hình, dự án liên quan đến việc phát triển cây chuối, cây dâu tằm, chăn nuôi lơn, quế… trên địa bàn 02 huyện Bảo Thắng, Bảo Yên. Tại buổi làm việc chiều nay, đồng chí mong muốn sẽ trao đổi, tìm ra được những giải pháp giúp liên kết giữa vùng nguyên liệu, sản xuất và tiêu thụ. Đặc biệt là lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, hợp tác xã trao đổi về khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị cần tỉnh Lào Cai, các sở, ngành, địa phương giải quyết, hỗ trợ…
Theo báo cáo, đến hết tháng 6/2024, diên tích chuối trên địa bàn tỉnh Lào Cai là 2.077 ha, đạt 90,9% Kế hoạch, sản lượng ước 15.178 tấn, bằng 35,7% sản lượng ước cả năm. Giá chuối xuất bán đạt khoảng 4.000 đồng/kg. Tổng giá trị thu hoạch chuối ước đạt 60 tỷ đồng. Chủ yếu trồng giống chuối tiêu xanh, già Nam Mỹ, chuối tây, chuối ngự Đại Hoàng, giống mới GL3-1 và các giống khác; sản phẩm quả đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn thị trường nội tiêu và xuất khẩu. Kế hoạch trồng mới 700 ha tại Bát Xát, Mường Khương, Bảo Thắng, Bảo Yên; đã trồng được 357 ha, bằng 51% Kế hoạch.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được cấp 12 mã vùng trồng; 05 cơ sở đóng gói nông sản chuối; 09 tổ chức, cá nhân thực hiện liên kết trồng, bao tiêu sản phẩm; diện tích liên kết 956/1.971 ha. Một số tổ chức, cá nhân thuê đất của dân tự trồng với diện tích 105 ha. Hiện nay 90% sản lượng chuối hàng hóa của tỉnh được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc qua các công ty, doanh nghiệp; có 05 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP; có 02 hợp tác xã chế biến sản phẩm quả chuối, sản lượng đưa vào chế biến 9 tấn quả tươi/năm; có 01 công ty đầu tư nhà máy chế biến chế biến chuối và các sản phẩm từ chuối (đang xây dựng chưa đi vào hoạt động).
Đồng chí Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo thực trạng ngành hàng chuối, dâu tằm
Về hiện trạng phát triển sản xuất cây dâu tằm, diện tích cây dâu tằm trên địa bàn tỉnh liên tục giảm qua các năm. Năm 2024, huyên Bảo Yên định hướng phát triển, khôi phục diện tích trồng dầu tằm với quy mô đạt 331,8 ha tại các xã Nghĩa Đô, Cam Cọn, Kim Sơn, Việt Tiến, Bảo Hà. Trong 6 tháng đầu năm 2024, diện tích trồng mới và khôi phục được 31,1ha đạt 13,9% Kế hoạch. Giống Dâu tằm được trồng chủ yếu là giống dâu lai Quế ưu 2; giống tằm được nuôi là giống lưỡng hệ kén trắng của Trung Quốc (chiếm 95%).
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 01 hợp tác xã đang thực hiện thu mua toàn bộ kén tằm cho bà con. Ngoài ra huyện Bảo Yên đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương tổ chức sản xuất và liên kết với các hộ dân tại huyện Bảo Yên đầu tư trồng dâu, nuôi tằm. Năng suất bình quân 21,6 tấn lá dâu/ha/năm (trong 8 tháng), nuôi được 1.215 kg kén. Thu nhập bình quân từ trồng dâu, nuôi tằm đạt 145,8 triệu đồng/ha.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề cập đến một số khó khăn, vướng mắc đối với việc phát triển ngành hàng chuối, dâu tằm trên địa bàn tỉnh Lào Cai như: Trong những năm gần đây diện tích chuối trên địa bàn tỉnh liên tục giảm chủ yếu do bệnh vàng lá Panama; việc xuất khẩu quả chuối tươi vào thị trường Trung Quốc giá cả bếp bênh, không ổn định; nguyên liệu phục vụ cho sản xuất chuối hàng hoá không đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất tại địa phương; khả năng tiếp cận kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu của người dân vùng sản xuất chuối hàng hoá còn hạn chế; toàn tỉnh chưa có các nhà đầu tư chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng chế biến sâu sau thu hoạch chuối. Đối với cây dâu tằm từ cuối năm 2020, do dịch bệnh Covid-19 việc tiêu thụ kén tằm gặp khó khăn, giá kén thấp, thu nhập của người dân bị giảm sút đáng kể; nhiều hộ dân chưa có kinh nghiệm, áp dụng triển khai khoa học kỹ thuật trong trồng dâu, nuôi tằm; sản phẩm từ nghề trồng dâu nuôi tằm của Lào Cai mới chỉ là các sản phẩm thô (kén tằm); chưa có doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng nhà máy ươm tơ để tạo ra các sản phẩm cao cấp, giá trị cao…
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ban, ngành tỉnh và doanh nghiệp, hợp tác xã trong, ngoài tỉnh đã tập trung thảo luận, làm rõ tiềm năng, lợi thế của một số địa phương trong phát triển vùng nguyên liệu về trồng chuối, dâu tằm, quế và chăn nuôi lợn. Đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển vùng nguyên liệu, tiêu thụ, chế biến sâu sản phẩm, thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nông nghiệp trên địa bàn huyện Bảo Thắng và Bảo Yên.
Đại diện lãnh đạo Công ty Musa Golden Lào Cai trao đổi nội dung liên quan đến dự án xây dựng Nhà máy tại huyện Bảo Thắng, việc tiêu thụ sản phẩm chuối xanh, tham gia hình thức liên kết 50/50… Mong muốn bà con nông dân địa phương trồng, hợp tác, phối hợp cung cấp nguyên liệu cho Công ty
Đại diện Hợp tác xã Nấm Tam Đảo mong muốn địa phương tạo điều kiện về mặt bằng đất đai để thực hiện nhà máy sản xuất phân tằm, ươm tơ; phối hợp với các địa phương mở rộng diện tích trồng vùng nguyên liệu…
Đại diện Công ty Cổ phần dâu tằm tơ Yên Bái mong muốn tỉnh Lào Cai quan tâm phát triển vùng nguyên liệu, quy hoạch mở rộng vùng sản xuất theo hướng tập trung; công ty sẽ hỗ trợ, đồng hành cùng Lào Cai trong trồng, sản xuất, chế biến, tiêu thụ ngành hàng dâu tằm
Lãnh đạo huyện Bảo Thắng, huyện Bảo Yên cho biết địa phương đang tập trung cho phát triển nông nghiệp; trong đó có một số cây trồng chủ lực, có nhiều tiềm năng phát triển như cây chuối, quế, dâu tằm, chè… đem lại giá trị cao, thu nhập ổn định cho người dân. Đồng chí mong muốn các doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm, tìm hiểu, chia sẻ và có định hướng hợp tác, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến sản xuất tại địa phương trong thời gian dài. Đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong triển khai thực hiện dự án tại địa phương về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, hạ tầng giao thông, điện…
Bí thư Huyện ủy Bảo Yên Hoàng Quốc Bảo phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho rằng tỉnh Lào Cai nói chung và huyện Bảo Thắng, Bảo Yên nói riêng có rất nhiều dư địa để phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó có ngành chuối, dâu tằm, quế, chăn nuôi lợn. Việc phát triển các lĩnh vực này còn chưa tương xứng với tiềm năng; vì vậy các ngành, địa phương cần thay đổi phương pháp làm việc, tích cực, sát sao hơn nữa, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các dự án nông nghiệp trên địa bàn một cách nhanh chóng, thuận lợi đem lại hiệu quả bền vững.
Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực thúc đẩy phát triển các ngành hàng lĩnh vực nông nghiệp của 02 huyện Bảo Thắng và Bảo Yên trong thời gian qua. Chủ tịch cho rằng cần phải thay đổi quan điểm, các địa phương không chỉ chờ doanh nghiệp đến mà phải chủ động chào đón, mời doanh nghiệp đến và hỗ trợ hết sức, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Đồng thời nhấn mạnh cần tập trung phát triển nông nghiệp có trọng tâm, trọng điểm; phát triển nông nghiệp xanh, bền vững. Vừa sản xuất hữu cơ vừa gắn với phát triển du lịch và hình thành được các tổ chức liên kết.
Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành nông nghiệp chủ trì, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã khôi phục, phát triển vùng trồng chuối; tập trung vào các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn và vùng thấp của huyện Bắc Hà; phát triển vùng nguyên liệu trồng dâu tằm gắn với phát triển du lịch; nghiên cứu xây dựng thương hiệu cho tỉnh Lào Cai đối với sản phẩm quế, chuối… Đề nghị lãnh đạo các địa phương, nhất là người đứng đầu nâng cao trách nhiệm, phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã để xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu theo hướng liên kết, hợp tác, cùng phát triển. Tỉnh Lào Cai cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai các dự án nói chung và dự án phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh./.