Xã Nghĩa Đô cách trung tâm huyện Bảo Yên 30 km, nằm ở phía Đông Bắc của huyện, là địa bàn sinh sống của trên 98% đồng bào dân tộc Tày. Trải qua quá trình phát triển, đồng bào nơi đây đã hình thành, lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hoá. Trong đó, có các nghề truyền thống được gìn giữ và phát huy trong đời sống hiện đại. Đặc biệt, với lợi thế Nghĩa Đô là một thung lũng rộng lớn, được bao bọc bởi những triền núi trùng điệp, có sự hội tụ của cảnh sắc tự nhiên, văn hóa bản làng, ẩm thực, phong tục, tập quán và văn hóa dân gian đã tạo cho vùng đất này những tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng.
Nghề truyền thống ở Nghĩa Đô bao gồm hai nghề chính là dệt thổ cẩm và đan lát. Đây là các nghề được hình thành, gìn giữ và truyền lại từ bao đời nay ở mảnh đất Nghĩa Đô. Theo nghệ nhân ưu tú Ma Thanh Sợi, dệt thổ cẩm và đan lát gắn với cuộc sống thường nhật của cư dân trong các bản Tày, đồng thời, các sản phẩm tạo ra từ hai nghề này mang đậm bản sắc văn hoá, thể hiện lời ăn tiếng nói và những triết lý nhân sinh trong đời sống văn hoá của đồng bào nơi đây. Từ nguyên liệu, chất liệu cho đến hoa văn, hoạ tiết trên sản phẩm đều gắn với núi rừng, làng bản, sông suối và sự khéo léo, sáng tạo từ bàn tay của đồng bào Tày.
Tuy nhiên, khi xã hội phát triển, nhiều sản phẩm mới trên thị trường đã có xu hướng thay thế dần các sản phẩm truyền thống. Vì thế, có thời điểm, nghề dệt thổ cẩm và đan lát có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Trong các bản làng Tày, có rất ít gia đình giữ được nghề nếu không có phương án phục dựng, gìn giữ và phát huy được giá trị vốn có. Bởi vậy, khi địa phương được công nhận là điểm du lịch cộng đồng, việc bảo tồn và phát huy nghề truyền thống đã được huyện, xã quan tâm và đề ra các chủ trương, nghị quyết để tạo sự gắn kết hiệu quả giữa nghề truyền thống với phát triển du lịch.
Ông Lương Cao Thế – Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô cho biết: “Để bảo tồn nghề dệt thổ cẩm và nghề đan lát truyền thống, xã Nghĩa Đô đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các bản làng, các gia đình đồng bào Tày để mỗi gia đình là hạt nhân của việc gìn giữ, trao truyền nghề cho thế hệ trẻ. Đồng thời, xã cũng tổ chức các lớp truyền dạy về kỹ thuật dệt thổ cẩm do các nghệ nhân và những người cao tuổi có kinh nghiệm truyền đạt. Tại các lễ hội, không gian chợ đêm Nghĩa Đô sản phẩm thổ cẩm, đan lát được trưng bày, giới thiệu để du khách được chiêm ngưỡng, khám phá nét đẹp của thổ cẩm Nghĩa Đô”.
Năm 2021, UBND xã Nghĩa Đô đã thành lập Hợp tác xã bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, cử bà Nguyễn Thị San (bản Nà Khương) làm Chủ nhiệm. Với sự dày dạn về kinh nghiệm và vốn sống cộng với sự tâm huyết của mình, bà San đã tích cực vận động bà con dân bản trong xã phục dựng, sưu tầm và truyền dạy kinh nghiệm các nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm để tạo ra những sản phẩm phục vụ cho cuộc sống, nhu cầu của khách du lịch và bán ra thị trường.
Tại các nhà trường trên địa bàn xã Nghĩa Đô, hằng năm từ bậc mầm non đến THPT đều tổ chức ngày hội văn hoá các dân tộc, trong đó, đều đưa học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm, giới thiệu sản phẩm nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát. Các trường mời các nghệ nhân, những người thành thạo nghề truyền thống đến để truyền dạy và hướng dẫn học sinh thực hành tạo sản phẩm. Đồng thời, các nhà nhà trường cũng đưa học sinh đến các bản Tày trong các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp để thực tế theo mô hình giáo dục “Trường học gắn với du lịch”.
Các sản phẩm được tạo ra từ hai nghề truyền thống ở Nghĩa Đô rất độc đáo và tinh xảo. Đó là những tấm vải thổ cẩm với hoa văn, hoạ tiết được dệt khá kỳ công, dày dặn và rực rỡ sắc màu. Từ vải thổ cẩm, các sản phẩm như chăn, túi, váy áo, các vật dụng được tạo ra để phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Nghề đan lát đã tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường bao gồm các vật dụng thường ngày như làn, túi xách, rổ, rá, cơi đựng xôi, đựng trầu… đều được đan từ àn tay khéo léo, cần mẫn của những người phụ Tày.
Bà Nguyễn Thị San – Chủ nhiệm Hợp tác xã bảo tồn và phát huy nghề truyền thống chia sẻ: “Việc bảo tồn nghề truyền thống hiện nay chủ yếu do các thành viên Hợp tác xã đảm nhiệm và cùng với các gia đình trong các bản Tày để vừa gìn giữ, vừa truyền lại cho con cháu. Đồng thời, các sản phẩm làm ra gắn với giới thiệu, quảng bá du lịch cộng đồng của địa phương nên những người làm công việc này có thêm động lực và sáng tạo hơn”.
Bà Nguyễn Thị San nhấn mạnh, các sản phẩm từ nghề truyền thống đã mang lại nhiều lợi ích. Trước hết, góp phần cho công tác bảo tồn nghề truyền thống để khỏi bị thất truyền. Bên cạnh đó, sản phẩm của nghề sẽ làm cho sắc màu du lịch của Nghĩa Đô thêm độc đáo và hấp dẫn. Từ đó, lợi ích kinh tế sẽ có được khi các sản phẩm trở thành mặt hàng đối với du khách và thị trường gần xa. Mỗi tấm chăn thổ cẩm bán ra thị trường có giá từ 1.200 – 1.500 ngàn đồng tuỳ vào kích cỡ của chăn. Hay các vật dụng từ nghề đan lát được đan từ cật của cây giang trên rừng bán cho du khách hay địa phương nào đặt hàng, vật có thấp nhất cũng từ 50 – 60 ngàn đồng cho đến vài trăm ngàn đồng. Nhờ thế, việc duy trì nghề truyền thống sẽ mang lại nguồn thu nhập chính đáng cho người dân nơi đây.
Các sản phẩm nghề truyền thống ở Nghĩa Đô khá độc đáo và trở thành các vật dụng được trang trí tại các homestay… Vì thế, khi du khách dừng chân ở mỗi căn nhà sàn đều có cơ hội trải nghiệm không gian văn hoá từ các sản phẩm tại gian trưng bày của mỗi homestay. Tại đây, du khách vừa được thăm quan, giới thiệu để có thêm những hiểu biết về nghề truyền thống của dân tộc Tày, vừa có thể mua những vật dụng để làm món quà lưu niệm. Theo đánh giá và nhận định của du khách, du lịch cộng đồng Nghĩa Đô đẹp, yên bình và thân thiện. Người dân nơi đây chất phác, cởi mở và mến khách. Sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách. Mới đây, từ ngày 17 – 19/11/2023, tại Liên hoan Làng du lịch cộng đồng Tây Bắc mở rộng năm 2023 được tổ chức tại Bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu (Hoà Bình), Làng du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô (đại diện cho tỉnh Lào Cai) đã đạt 02 giải Nhất của nội dung thi thuyết minh, giới thiệu về các làng du lịch cộng đồng và thi trưng bày gian hàng giới thiệu các sản phẩm văn hóa du lịch, quà tặng lưu niệm.
Có thể nói, việc chung tay bảo tồn và phát huy giá trị của nghề truyền thống trong phát triển du lịch cộng đồng của xã Nghĩa Đô đã và đang được chính quyền, đồng bào dân tộc Tày cụ thể hoá qua những chương trình, kế hoạch và việc làm cụ thể. Sản phẩm tạo ra từ nghề truyền thống đã phát huy giá trị không chỉ trong cuộc sống mà còn góp phần nâng tầm giá trị của sản phẩm trong phát triển du lịch. Từ đó, bản sắc văn hoá được gìn giữ và phát huy, là yếu tố không thể thiếu trong giới thiệu, quảng bá du lịch quê hương với bè bạn trong và ngoài nước./.
Bài và ảnh: Nguyễn Thế Lượng
Báo điện tử ĐCSVN – dangcongsan.vn