Lâm Đồng: Tư duy thiết kế trong du lịch

Design Thinking (tư duy thiết kế) là một phương pháp tiếp cận đa diện, giúp giải quyết các vấn đề phức tạp trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp thông qua sáng tạo và đổi mới trên cơ sở thấu cảm sâu sắc nhu cầu của khách hàng.
Các chuyên gia tham dự Hội thảo ứng dụng Design Thinking trong du lịch
Các chuyên gia tham dự Hội thảo ứng dụng Design Thinking trong du lịch

Theo chia sẻ của bà Dương Tường Nhi – Trưởng Làng Design Thinking, thì: Design Thinking không đơn thuần chỉ là một công cụ, phương pháp, còn là một tư duy chiến lược, giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp tạo ra những trải nghiệm khác biệt cho du khách. “Phương pháp tiếp cận của Design Thinking là lấy con người làm trung tâm. Những ý tưởng sáng tạo bởi Design Thinking sẽ góp phần nâng cao giá trị văn hóa, giá trị lịch sử của địa phương, bảo vệ hệ sinh thái liên minh du lịch nông nghiệp, từ đó thu hút thêm nhiều du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm”, Trưởng Làng Design Thinking Dương Tường Nhi nói. Bà Nguyễn Thanh Hà, người sáng lập Omirita Resort (TP Đà Lạt), cũng tán đồng ý kiến trên, khi cho rằng, ứng dụng Design Thinking đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch sẽ là chìa khóa để du lịch nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Theo bà Hà, ngành Du lịch nông nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Việc ứng dụng Design Thinking để sáng tạo và đổi mới hệ sinh thái liên minh du lịch nông nghiệp bền vững là việc làm hết sức cần thiết. Nó mở ra cơ hội hợp tác, phát triển.

Bà Nguyễn Châu Linh – CEO Nền tảng DJC – Ngân hàng di sản số, nói thêm: Tư duy thiết kế cũng có thể áp dụng trong việc phát triển thương hiệu cá nhân, thương hiệu doanh nghiệp, chứ không chỉ dành riêng cho lĩnh vực du lịch nông nghiệp. Bà Châu khẳng định, việc liên kết và hợp tác của các thành viên trong liên minh doanh nghiệp, tổ chức, nhà khoa học, Nhà nước và các farm… là nền tảng vững chắc giúp hệ sinh thái liên minh du lịch nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho nhân hiệu và doanh hiệu. Tất cả đều hướng đến mục tiêu mang đến cho khách hàng có những trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ tốt nhất. Tiến sĩ Trần Kim Quyên – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công thương miền Trung, chia sẻ: Trong bối cảnh ngành Du lịch nông nghiệp đang có nhiều thay đổi như hiện nay, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một yếu tố nắm giữ vai trò then chốt. Nguồn nhân lực đó cần được trang bị kiến thức chuyên môn sâu, cộng thêm việc được đào tạo kỹ năng mềm để tăng tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng trong môi trường làm việc dịch vụ du lịch nông nghiệp. Việc có được nguồn nhân sự chất lượng cao sẽ giúp các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời những xu hướng dịch vụ du lịch, đáp ứng tốt nhu cầu của du khách. Tiến sĩ Trần Quý – Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam, thì đề cập đến vai trò của tài sản số và công nghệ số trong việc phát triển du lịch nông nghiệp bền vững. Ông cho rằng, việc sử dụng công nghệ không chỉ giúp tối ưu hóa các hoạt động quản lý, còn tạo ra những trải nghiệm du lịch mới lạ, hấp dẫn.

Design Thinking đưa việc đổi mới và sáng tạo thành một quy trình để nắm bắt toàn bộ diễn tiến xảy ra trong một chuỗi quan hệ, từ đó tổng hợp những thông tin liên quan dưới cái nhìn khách quan, đồng thời phân tích nó để tìm ra các nhu cầu hiện hữu và cả nhu cầu tiềm ẩn của khách hàng để rồi tìm cách đáp ứng những nhu cầu ấy. Ứng dụng Design Thinking trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp cho phép doanh nghiệp có những tính toán dài hơi trong việc thiết kế những sản phẩm du lịch mang tính đột phá, sáng tạo và đổi mới.

Trịnh Chu

Báo Lâm Đồng – baolamdong.vn