Lâm Đồng: Phát triển du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP

Phát triển du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng không những nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của từng địa phương.

Cơ hội nâng tầm du lịch, nâng cao đời sống người dân

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được UBND tỉnh Lâm Đồng xác định là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Lâm Đồng có 214 sản phẩm OCOP, trong đó, có 9 sản phẩm 5 sao, 94 sản phẩm 4 sao, 111 sản phẩm 3 sao. Hiện nay, tỉnh đang khai thác nhiều lợi thế về du lịch gắn kết với sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng, xem đây là cơ hội để nâng tầm du lịch của tỉnh và nâng cao đời sống người dân.

Phát triển du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP giúp nâng cao giá trị kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa của từng địa phương. Ảnh: ITN
Phát triển du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP giúp nâng cao giá trị kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa của từng địa phương. Nguồn: ITN

Tại huyện Lạc Dương, phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP đang là cách làm được nhiều cá nhân, hộ dân thực hiện và bước đầu đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Theo UBND huyện Lạc Dương, huyện có nhiều sản phẩm OCOP mang đặc trưng của địa phương như nấm hương Langbiang, nấm hương ăn liền của Công ty Cổ phần Nguyên Long; sản phẩm rau xà lách thủy canh của Công ty Trang trại Trường Phúc; sản phẩm cà phê Chappi của Công ty TNHH Daisy International; sản phẩm cà phê Arabica – Catimor… Các sản phẩm OCOP này đã và đang góp phần tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, ẩm thực, du lịch, miền đất, con người huyện Lạc Dương đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước; góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương, từ đó thúc đẩy du lịch và ngành kinh tế nông nghiệp phát triển.

Trong khi đó, tại TP. Đà Lạt, từ những đặc điểm tự nhiên, con người, phương thức canh tác độc đáo với sự đa dạng về nông sản, văn hóa ẩm thực… là cơ hội lớn cho các tổ chức, cá nhân tại các địa phương phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông nghiệp. Điển hình có thể kể đến Công ty Cổ phần chè Cầu Đất (thôn Trường Thọ, xã Trạm Hành, TP. Đà Lạt), du khách đến đây được tham gia các hoạt động du lịch trải nghiệm đồi chè, tự tay hái chè và được hướng dẫn cách sao chè, đóng gói… tạo ra những sản phẩm của riêng mình nhưng mang thương hiệu nổi tiếng của địa phương. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức các sản phẩm đồ uống thượng hạng, đạt chuẩn 4 sao OCOP Lâm Đồng, được công ty canh tác, thu hái và chế biến ngay tại vùng nguyên liệu tốt nhất của cả nước như trà ôlong, trà xanh, trà lài, trà sen, trà đen, cà phê phin…

Tập trung nguồn lực, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá

Việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP là bước đi đúng đắn cần được tập trung nguồn lực thực hiện để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái; đồng thời, giúp quảng bá hình ảnh về địa phương, con người một cách gần gũi và chân thật nhất.

Thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh gắn kết doanh nghiệp làm du lịch và các chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP, thực hiện tuyên truyền, quảng bá du lịch gắn với chương trình OCOP của địa phương đến với du khách. Bên cạnh đó, xây dựng các điểm du lịch cộng đồng và dịch vụ du lịch cộng đồng bảo đảm Bộ tiêu chí để tạo một điểm đến chất lượng, có sức hấp dẫn mạnh mẽ và phát huy thế mạnh của du lịch cộng đồng; từng bước chuyển hóa các sản phẩm của du lịch cộng đồng tham gia Chương trình OCOP.

Theo Kế hoạch 6195/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 – 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh sẽ xây dựng ít nhất 15 sản phẩm du lịch trải nghiệm quy trình sản xuất và chế biến một số nông sản đặc trưng của tỉnh, sản phẩm OCOP gắn với mô hình nghỉ dưỡng sinh thái, các tài nguyên thiên nhiên sẵn có tại các vùng nông thôn (mô hình sinh thái kết hợp tham quan vườn trái cây, dược liệu, cà phê, rau, hoa gắn với trải nghiệm tham quan lòng hồ, thác nước, các điểm du lịch lân cận). Bên cạnh đó, kết hợp giữa mô hình du lịch làng nghề truyền thống với du lịch trải nghiệm, du lịch bản địa; mô hình du lịch sinh thái, du lịch canh nông kết hợp nghỉ dưỡng theo 3 cụm không gian du lịch gồm TP. Đà Lạt và các vùng phụ cận trở thành đô thị du lịch; cụm du lịch TP. Bảo Lộc và các vùng phụ cận; cụm du lịch các huyện phía Nam trở thành vệ tinh và phát triển điểm dừng chân…

Tâm Anh
Báo Đại biểu Nhân dân – daibieunhandan.vn