Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung triển khai một số nội dung. Trong đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối, chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương rà soát, đánh giá, lựa chọn sản phẩm OCOP nhóm thứ 6 “dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch”. Phối hợp lựa chọn, đề xuất nghề, làng nghề để xây dựng mô hình khi có yêu cầu; rà soát, tham mưu bổ sung các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư và phát triển lĩnh vực phụ trách có liên quan đến phát triển du lịch nông thôn.
Tại Công văn trên, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố căn cứ tiêu chí du lịch nông thôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động rà soát, nghiên cứu về quy hoạch, địa lý địa hình, văn hóa, con người, sản phẩm địa phương để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn và chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn. Xây dựng mỗi huyện, thành phố có ít nhất một mô hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm nông thôn mới gắn với giá trị di sản văn hóa – lịch sử (cả vật thể và phi vật thể) trên địa bàn để hòa nhập vào hệ thống tour, tuyến du lịch của tỉnh và khu vực.
UBND các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Sa Thầy, thành phố Kon Tum phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng mô hình phát triển chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn liên kết các điểm đến, hình thành các tour du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, làng nghề, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các quy định liên quan.
Phát triển sản phẩm du lịch và các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn. Khuyến khích xây dưng sản phẩm “dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch” theo Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP.
Bố trí lồng ghép các nguồn lực, tăng cường xã hội hóa để đa dạng kinh phí thực hiện hỗ trợ phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cho các mô hình du lịch cộng đồng, điểm du lịch nông thôn và triển khai Chương trình OCOP về lĩnh vực du lịch trên địa bàn.
Đình Trung – Thanh An
Cổng TTĐT tỉnh Kon Tum – kontum.gov.vn