Kon Tum: Phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 16/2/2022 của Tỉnh ủy về “bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, hơn 2 năm qua (2022-2024), Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum phối hợp với các ngành liên quan và cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh triển khai tốt công tác phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ.

Đến thăm cơ sở dệt thổ cẩm của bà Y Thơi, trú tại số nhà 55, đường Bắc Kạn, thành phố Kon Tum, chúng tôi thấy những cô gái Ba Na ngồi bên khung cửi dệt thổ cẩm thoăn thoắt. Bà Y Thơi tâm sự: Tổ liên kết có 16 người, chủ yếu dệt tại nhà, bình quân mỗi người dệt được 3 sản phẩm và thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng. Tuy không nhiều, nhưng đây là nguồn thu nhập thêm không nhỏ đối với chị em phụ nữ DTTS tại chỗ.

Để tiêu thụ được sản phẩm, cơ sở dệt của bà Y Thơi thường xuyên đổi mới mẫu mã, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước để tiêu thụ, nên mỗi tháng Tổ dệt được trên 50 sản phẩm và bán gần hết, giúp thu nhập ổn định cho chị em.

Tổ liên kết dệt thổ cẩm của bà Y Thoai tại phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum. Ảnh: H.N

Cùng với dệt thổ cẩm, nghề đan lát cũng được đồng bào DTTS ở nhiều địa phương giữ gìn và phát triển. Trong chuyến công tác tại huyện Sa Thầy, chúng tôi được ông A Băng, làng Trấp, xã Ya Tăng bày tỏ: Mình làm nghề đan lát này từ khi còn thanh niên do ông bà truyền lại. Mặc dù sản sản phẩm đan lát nay ít người dùng, khó tiêu thụ, nhưng vì yêu nghề, nên mình thường tranh thủ những khi nhàn rỗi để đan. Bình quân mỗi tháng đan được 4 cái gùi, bán với giá 500.000 đồng/cái, chủ yếu là bán cho khách du lịch. Nguồn thu tuy không nhiều, nhưng giữ được nghề đan lát truyền thống.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đinh Quốc Tuấn cho biết: Đến nay, toàn tỉnh thành lập được 19 tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ, sản phẩm nghề truyền thống. Trong đó, các nghề dệt thổ cẩm, đan lát, rượu cần truyền thống kết hợp với dịch vụ du lịch chủ yếu ở thành phố Kon Tum, còn ở các huyện bình quân có từ 1-3 tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã/huyện. Hơn 2 năm qua, đơn vị tổ chức 3 lớp truyền dạy nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, với hơn 70 học viên và 9 nghệ nhân ở huyện Sa Thầy tham gia. Đồng thời, tổ chức 1 lớp tập huấn nâng cao tay nghề về chất lượng và đa dạng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, kỹ năng truyền nghề truyền thống của các DTTS, có 43 người trong tỉnh tham gia.

Đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Dệt thổ cẩm Kon Tum” là sản phẩm truyền thống và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đồng thời, hỗ trợ phát triển 2 sản phẩm rượu cần truyền thống đạt tiêu chuẩn Chương trình ”Mỗi xã một sản phẩm” (viết tắt là OCOP) đối với “Rượu cần men lá” của Hợp tác xã Dục Nông (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) và “Rượu cần Y Thơi” của hộ kinh doanh rượu cần Y Thơi (xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy). Qua đó cho thấy, việc thúc đẩy các nghề, làng nghề truyền thống tham gia OCOP góp phần bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một.

Các địa phương trong tỉnh xây dựng thương hiệu sản phẩm nghề truyền thống gắn với hình ảnh văn hóa và du lịch đặc trưng. Cụ thể, trong năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Dệt thổ cẩm Kon Tum cho bà Y Thoai. Qua đó, nhằm đảm bảo chất lượng, duy trì danh tiếng, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thổ cẩm và dịch vụ từ các sản phẩm thổ cẩm có nguồn gốc trên địa bàn tỉnh.

Ông A Băng ở làng Trấp, xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy bên những chiếc gùi truyền thống của dân tộc Gia Rai. Ảnh: H.N

Sở Công thương phối hợp với các đơn vị, địa phương trong tỉnh tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia các hội nghị kết nối giao thương tại một số tỉnh, thành phố trong nước; trong đó, trưng bày, giới thiệu và bán một số sản phẩm dệt thổ cẩm, rượu cần truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện hỗ trợ một số sản phẩm của đồng bào DTTS như dệt thổ cẩm, rượu cần tham gia sàn thương mại điện tử tỉnh tại địa chỉ http://kontumtrade.gov.vn, nhằm giới thiệu quảng bá các ngành nghề truyền thống.

Thực hiện Chương trình hoạt động thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS, Sở Công thương phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh xuất bản 1.000 ấn phẩm quảng bá các sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó có quảng bá sản phẩm dệt thổ cẩm và rượu cần truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh.

Ông Đinh Quốc Tuấn cho biết: Trong hơn 2 năm qua, đơn vị tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan và cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo tồn nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ đến với người dân. Đồng thời, thường xuyên phối hợp cùng với các tổ chức chính trị- xã hội tại địa phương tham gia tổ chức quảng bá sản phẩm của các DTTS tại chỗ tại một số tỉnh và địa phương. Thông qua đó, góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành động trong việc bảo tồn nghề truyền thống gắn với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS tại chỗ.

Hà Nguyên

Báo Kon Tum – baokontum.com.vn