Thời điểm mới bắt đầu đi vào hoạt động, Chợ phiên Măng Đen có hơn 30 gian hàng đăng ký kinh doanh. Đến nay, Chợ phiên đã phát triển hơn 40 gian hàng bày bán các mặt hàng nông sản tiêu biểu, các sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, dược liệu và thực phẩm đặc trưng của huyện Kon Plông.
Hoạt động của Chợ phiên dần phát triển theo hướng đặc trưng và trở thành nét đẹp văn hóa của người dân trên địa bàn huyện Kon Plông. Đây là nơi để các cá nhân, tổ chức, nhất là đồng bào DTTS ở các xã và thị trấn Măng Đen gặp gỡ, giao thương.
Chợ phiên cũng là địa điểm được huyện Kon Plông chọn để thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật đặc sắc nhằm tạo không gian trải nghiệm, giải trí cho người dân và du khách.
Vào mỗi dịp cuối tuần, Chợ phiên Măng Đen lại nhộn nhịp người bán, người mua và cả những du khách đến tham quan, tìm hiểu về các sản phẩm văn hóa, ẩm thực của người dân bản địa.
Chợ phiên Măng Đen tạo việc làm cho nhiều lao động là người DTTS. Ảnh: Đ.T
Chợ phiên được đưa vào hoạt động ổn định và phát triển về quy mô các mặt hàng bày bán ở đây, tạo ra một không gian mua bán ngày càng nhộn nhịp hơn. Qua đó, vừa tạo ra không gian giao thương, gặp gỡ của đồng bào DTTS trên địa bàn, vừa góp phần hình thành “kênh phân phối” tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và tạo nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Những ngày Chợ phiên Măng Đen hoạt động, chị Y Rố (21 tuổi, người Mơ Nâm), trú tại xã Hiếu, lao động tại gian hàng của Hợp tác xã Chè sạch Đông Trường Sơn luôn bận rộn với công việc giới thiệu các sản phẩm và trực tiếp pha trà mời khách thưởng thức để góp phần “tiếp thị” sản phẩm của HTX.
Chị Y Rố hợp đồng lao động tại Hợp tác xã Chè sạch Đông Trường Sơn đã hơn 1 năm. Ngoài bán hàng tại Chợ phiên, chị Y Rố còn làm việc tại vườn trồng chè của Hợp tác xã.
Chị Y Rố cho biết, chị được Hợp tác xã Chè sạch Đông Trường Sơn tạo điều kiện tham gia lớp học về kỹ năng bán hàng, giao tiếp với khách hàng và cách pha trà Thủ đô Hà Nội. Những ngày làm việc tại Chợ phiên, chị được HTX hỗ trợ nơi ăn ở. Hiện tại, chị Y Rố được Hợp tác xã trả mức lương hơn 6,5 triệu đồng/tháng.
Chị Y Rố (giữa) làm việc tại gian hàng của HTX Chè sạch Đông Trường Sơn. Ảnh: ĐT
Theo bà Nguyễn Thị Hằng- quản lý Hợp tác xã Chè sạch Đông Trường Sơn, gian hàng của Hợp tác xã tại Chợ phiên Măng Đen có 3 lao động làm việc thường xuyên, là Y Rố, Y Buồn và Y Kêm. Các bạn đều là nữ, trẻ tuổi và là đồng bào DTTS sinh sống ở xã Hiếu.
“Vào những dịp nghỉ lễ, khi Chợ phiên Măng Đen có nhiều người ghé thăm, chúng tôi tăng cường thêm 3-5 lao động (đồng bào DTTS), đang làm công nhân hái chè của HTX, đến gian hàng của HTX tại Chợ phiên để làm việc. Chúng tôi trả cho mỗi lao động làm việc tại gian hàng mức lương 250.000 đồng/ngày”- bà Hằng cho hay.
Nằm ở trung tâm Chợ phiên Măng Đen là gian hàng bán các sản phẩm rượu, muối đặc sản của huyện Kon Plông và các sản phẩm OCOP cấp tỉnh 3 sao về thịt heo, thịt bò, thịt trâu hun khói của hộ kinh doanh Bùi Xuân Diện, trú tại thị trấn Măng Đen.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hàng năm, gia đình ông Diện có 5 đợt thuê lao động thời vụ với số lượng từ 2-3 người để phụ gia đình ông làm công việc chế biến và đóng gói các sản phẩm. Lao động thời vụ mà gia đình ông Diện thuê đều là những người trẻ tuổi trong vùng đồng bào DTTS, ở các xã trên địa bàn huyện Kon Plông (như Ngọk Tem, Đăk Nên, Đăk Ring, Măng Cành).
“Vào những kỳ nghỉ lễ, tết, Chợ phiên có đông khách nên gia đình chúng tôi đều tăng cường lao động thời vụ ra Chợ phiên để phụ bán hàng. Mỗi lao động làm việc tại gia đình chúng tôi nhận được mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng”- ông Diện cho hay.
Theo Ban Quản lý Chợ phiên Măng Đen, hiện nay, các gian hàng đang hoạt động kinh doanh ở Chợ phiên thuê từ 1-3 lao động là đồng bào DTTS tại chỗ làm việc thường xuyên. Các lao động được các cá nhân, tổ chức kinh doanh tại Chợ phiên đào tạo về kỹ năng bán hàng, kỹ năng giao tiếp với khách hàng, quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch, ý thức bảo vệ môi trường và hỗ trợ về trang phục, nơi ăn ở.
Lao động làm việc tại Chợ phiên có mức thu nhập trung bình 3 triệu đồng/tháng. Những lao động là người trẻ tuổi, có đức tính hiền lành, siêng năng, chịu khó học hỏi, làm việc hiệu quả, được giao nhiệm vụ quản lý gian hàng và có mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh các gian hàng của các doanh nghiệp và các hợp tác xã trên địa bàn, Chợ phiên Măng Đen còn có các gian hàng của các xã, thị trấn của huyện Kon Plông bày bán và người bán hàng trực tiếp là đồng bào DTTS; qua đó tạo thêm nguồn thu nhập cho các hộ dân trên địa bàn.
Chợ phiên Măng Đen còn nhiều tiềm năng phát triển, mở rộng quy mô hoạt động, đem lại hiệu quả kinh tế cho các tổ chức, cá nhân và tạo ra việc làm cho đồng bào DTTS tại chỗ. Vì vậy, đại diện các gian hàng đều mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp của các đơn vị, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kon Plông, sự ủng hộ từ gia đình của các lao động và sự nỗ lực từ chính bản thân các lao động.
Đức Thành
Báo Kon Tum – baokontum.com.vn