Kon Ka Kinh (Gia Lai): Bảo tồn để phát triển rừng gắn với đa dạng sinh học

Cùng với nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và phát triển rừng bền vững, hỗ trợ đồng bào Bahnar ở vùng đệm cải thiện sinh kế, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều chương trình bảo tồn đa dạng sinh học.

Không những làm giàu thêm “kho di sản thiên nhiên” của vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng, các hoạt động trên của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn góp phần phát triển du lịch.

Lấy người dân làm trung tâm

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có diện tích gần 42 ngàn ha, trong đó, vùng đệm rộng hơn 15 ngàn ha với 18 thôn, làng nằm rải rác trên địa bàn 7 xã thuộc các huyện: Mang Yang, Đak Đoa, Kbang.

Do vậy, ngoài việc chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ lâm phần quản lý, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của đơn vị còn phối hợp với chính quyền các địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ rừng; giới thiệu về giá trị, vai trò, lợi ích của Vườn nói riêng và Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng nói chung.

Ngoài ra, với chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng hỗ trợ các thôn, làng vùng đệm mỗi năm là 720 triệu đồng (40 triệu đồng/thôn, làng) để mua cây-con giống, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, vật tư xây dựng các công trình công cộng, người dân đã có thêm điều kiện phát triển sản xuất hay đầu tư công trình dân sinh phục vụ cộng đồng.

Mặt khác, từ năm 2013, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn ký hợp đồng giao khoán quản lý, bảo vệ rừng với các cộng đồng Bahnar khu vực vùng đệm khoảng 8.000 ha (đơn giá 200 ngàn đồng/ha/năm).

Đến thời điểm hiện tại, Vườn đã mở rộng diện tích giao khoán lên gần 19.000 ha với đơn giá chi trả tăng lên gần 600 ngàn đồng/ha/năm. Việc nhận khoán đã từng bước nâng cao đời sống, làm thay đổi nhận thức và hành động của người dân trong công tác bảo vệ rừng.

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có diện tích gần 42 ngàn ha, trong đó vùng đệm rộng hơn 15 ngàn ha. Ảnh: M.P

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có diện tích gần 42 ngàn ha, trong đó vùng đệm rộng hơn 15 ngàn ha. Ảnh: M.P

Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn chủ động ký kết thực hiện Dự án hỗ trợ kỹ thuật, bảo tồn thiên nhiên giai đoạn 2022-2026 với Hội Động vật học Frankfurt (Đức) tại Việt Nam.

Thông qua các hoạt động, Dự án hỗ trợ tập huấn ứng dụng SMART trong tuần tra bảo vệ rừng, giám sát loài nguy cấp, quý, hiếm; hỗ trợ thiết bị, kinh phí nhằm tăng cường hiệu quả công tác thực thi pháp luật bảo vệ rừng; tổ chức hội thảo, tham vấn chuyên gia về định hướng phát triển, quản lý du lịch sinh thái bền vững; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và học sinh các trường học thuộc vùng đệm…

Theo Tiến sĩ Hà Thăng Long-Trưởng Văn phòng Hội Động vật học Frankfurt tại Việt Nam: Dự án triển khai nhiều hoạt động nâng cao nhận thức cho cộng đồng, nhất là khu vực vùng đệm về đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên thiên nhiên của khu dự trữ.

Người dân sẽ thấy đây là cơ hội để họ có khả năng tham gia vào tiến trình nâng cao chất lượng đời sống, giảm sự phụ thuộc vào rừng. Bởi theo các tiêu chí của UNESCO thì người dân là trọng tâm được hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như các bên liên quan về việc cải thiện sinh kế.

“Kon Ka Kinh là vùng lõi của một khu dự trữ sinh quyển chứa đựng giá trị đa dạng sinh học rất cao mà không phải vùng đất nào cũng có. Do vậy, chúng tôi mong muốn vừa thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, vừa là cầu nối với các tổ chức phi chính phủ để mang lại nguồn lực tài chính góp phần bảo tồn bền vững hệ sinh thái rừng, giá trị đa dạng sinh học và hoạt động phát triển bền vững khu vực này”-Tiến sĩ Hà Thăng Long nhấn mạnh.

Bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch

Cùng với việc nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý rừng bền vững, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn hợp tác với các tổ chức, nhà khoa học trong nước và quốc tế triển khai các hoạt động, dự án về bảo tồn, đa dạng sinh học.

Đáng chú ý là hợp tác với Hội Động vật Frankfurt tại Việt Nam thực hiện Dự án “Hỗ trợ bảo tồn thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh” kéo dài từ năm 2018 đến 2023 về giám sát các loài động vật, thực vật nguy cấp, quý hiếm tại đây.

Dự án đã hỗ trợ kỹ thuật, trang-thiết bị và một phần kinh phí bảo tồn thiên nhiên; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ trong việc tuần tra, truy quét, giám sát đa dạng sinh học; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và học sinh ở các xã vùng đệm.

Ngoài ra, trong chương trình tài trợ cho các vườn di sản ASEAN (SGPII), Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) đã tiến hành làm việc với Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và thống nhất lựa chọn thực hiện một số đề xuất hỗ trợ đơn vị và vùng đệm.

Hiện những đề xuất này đã triển khai các gói tài trợ nhỏ, siêu nhỏ cho người dân sống trong vùng đệm. Dự án này tổ chức kêu gọi các đề xuất gói nhỏ lần 1 (từ tháng 11-2022 đến tháng 6-2023) và đã có 6 gói đề xuất nhỏ được thông qua; bên cạnh đó kêu gọi các đề xuất gói siêu nhỏ lần 2 năm 2023, qua đó có 13 gói được đề xuất đang trong quá trình xét chọn của Hội đồng tư vấn quốc gia.

Chuyến dã ngoại tham quan Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh với chủ đề “Ngày học giữa đại ngàn” đem đến cho các chiến sĩ “nhí” những trải nghiệm thú vị. Ảnh: M.P

Chuyến dã ngoại tham quan Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh với chủ đề “Ngày học giữa đại ngàn” đem đến cho các chiến sĩ “nhí” những trải nghiệm thú vị. Ảnh: M.P

Đối với các hoạt động nghiên cứu, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh tiếp tục triển khai hoạt động phối hợp nghiên cứu các đề tài, dự án như: “Điều tra, thống kê, bảo tồn nguồn gen cây dược liệu tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh”; chuyển giao công nghệ về việc thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gen loài thiên môn chùm làm dược liệu”; “Xây dựng kế hoạch phục hồi loài cây trắc, cải thiện tình trạng bảo tồn và nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về bảo tồn loài trắc tại Vườn”…

Đáng chú ý, mới đây, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn tổ chức hội thảo xây dựng kế hoạch bảo tồn loài tê tê vàng và tê tê Java mới được phát hiện.

Lãnh đạo đơn vị cùng các chuyên gia, nhà khoa học, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã cùng nhau bàn các giải pháp để cùng phối hợp chặt chẽ, thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn 2 loài tê tê quý hiếm này. Đây là 2 loài động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định.

Đoàn trekking chụp ảnh lưu niệm trên hành trình chinh phục đỉnh Kon Ka Kinh. Ảnh: Hoàng Ngọc

Đoàn trekking chụp ảnh lưu niệm trên hành trình chinh phục đỉnh Kon Ka Kinh. Ảnh: Hoàng Ngọc

Ông Ngô Văn Thắng-Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-thông tin: “Tầm quan trọng và giá trị đa dạng sinh học của Kon Ka Kinh là vô cùng to lớn, thể hiện qua việc phát hiện nhiều loài động-thực vật quý, hiếm đang còn hiện hữu tại đây.

Những loài động-thực vật trước kia khó nhìn thấy được thì nay xuất hiện nhiều hơn, số lượng đông hơn. Đối với các loài quý hiếm thì chúng tôi tiến hành điều tra, lập bản đồ phân bố cơ bản để xác định hướng bảo vệ tốt hơn, đảm bảo tính bền vững”.

Bên cạnh đó, năm 2023, Vườn cũng đã đón và hướng dẫn tham quan cho 1.396 du khách (18 khách nước ngoài; 1.378 khách nội địa) trải nghiệm và tìm hiểu. Hoạt động du lịch tại đây từng bước được định hình, phát triển theo hướng du lịch sinh thái dựa trên các giá trị tự nhiên và cảnh quan với các điểm đến như: quần thể cây đa cổ thụ, đỉnh Đá Trắng, suối Hngoi.

Đặc biệt, khách du lịch không chỉ được “thưởng thức các giá trị thiên nhiên” mà còn cảm nhận các giá trị của rừng, qua đó có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ, gìn giữ.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ hoàn chỉnh đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở việc triển khai phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nếu làm tốt sẽ góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương tham gia liên kết vào chuỗi du lịch”-Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nhấn mạnh.

Minh Phương

Báo Gia Lai – baogialai.com.vn